Bảo tàng Mỹ thuật - đừng mãi “đắp chiếu”

Các đơn vị lữ hành cho rằng việc thuyết minh viên trực tiếp tại bảo tàng đã không còn phù hợp. Ảnh: Minh Phượng.
Các đơn vị lữ hành cho rằng việc thuyết minh viên trực tiếp tại bảo tàng đã không còn phù hợp. Ảnh: Minh Phượng.
TP - Tại sao, ở nước ngoài, bảo tàng là nơi khách du lịch không bao giờ bỏ qua, nhưng ở Việt Nam, đây lại là địa điểm người ta sẵn sàng bỏ phí? Mới đây, Tổng cục du lịch Việt Nam và hơn 70 doanh nghiệp lữ hành trong cả nước đã có chuyến khảo sát tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam để tìm câu trả lời và chuẩn bị cho cái nắm tay thật chặt giữa bảo tàng với ngành du lịch.

“Nàng công chúa ngủ… giữa ngã ba đường”

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là công trình kiến trúc cũ do người Pháp xây vào những năm 1930 với mục đích cho con cái của các quan chức Pháp từ khắp Đông Dương về Hà Nội học tập. Năm 1962, công trình được nhà nước cho phép chỉnh sửa, bổ sung để làm nơi trưng bày các tác phẩm mỹ thuật Việt Nam. Với lối kiến trúc châu Âu đẹp và độc đáo, lại nằm ngay trung tâm thủ đô, ở ngã ba đường Nguyễn Thái Học - Cao Bá Quát, nơi đây có nhiều tiềm năng để trở thành địa điểm hấp dẫn và thuận lợi cho du khách tham quan. Đặc biệt là tận dụng nguồn khách du lịch khá ổn định từ Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngay bên cạnh.

Theo ông Nguyễn Anh Minh – Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đây còn là một trong những số ít bảo tàng quốc gia có tuổi đời trên 50 tuổi. Tại đây lưu giữ và giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu có giá trị, những bằng chứng sinh động về sự phát triển của nền mỹ thuật Việt Nam từ thời tiền sử đến nay. Hiện nay, bảo tàng đang lưu giữ hơn 20 ngàn tác phẩm của những họa sĩ nổi tiếng nhất Việt Nam như Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân… Ngoài ra, bảo tàng hiện đang cất giữ hơn 8 ngàn tác phẩm hội họa quý nhưng chưa có đủ điều kiện để trưng bày.

“Giàu có” là thế nhưng Bảo tàng Mỹ thuật lại vô duyên với khách du lịch. Lãnh đạo bảo tàng tiết lộ, năm 2016, trong khi Văn Miếu- Quốc Tử Giám, “nhà hàng xóm” nằm cách một con đường, thu hút 1,5 triệu lượt khách thì cái nôi của nền mỹ thuật Việt Nam chỉ đón được 54 ngàn lượt. Một kết quả đáng phải “khóc thầm”.

Thực tế, phần đông khi du khách đến các quốc gia trên thế giới, điểm tham quan đầu tiên là bảo tàng. Những bảo tàng nghệ thuật nổi tiếng như Louvre của Pháp (gần 20 triệu khách/năm), Bảo tàng TateModern, London (khoảng 6 triệu du khách/năm), Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan – New York, Mỹ (4 triệu khách/năm), hay như phòng triển lãm Uffizi, Italia cũng thu hút hàng triệu khách tham quan mỗi năm…

Tuy nhiên, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nói riêng và hệ thống bảo tàng trong nước nói chung vẫn đang loay hoay tìm khách, bởi từ trước đến nay vẫn mang nặng cách làm cũ, lạc hậu, hướng đến mục đích trưng bày, bảo tồn hiện vật là chính, chứ chưa có ý thức xây dựng thành sản phẩm du lịch, một điểm tham quan lớn hấp dẫn du khách.

Bảo tàng Mỹ thuật - đừng mãi “đắp chiếu” ảnh 1 Nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

“Gái đẹp” thì cần trưng diện

Sau khi tham quan một vòng quanh Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cảm xúc chung của các đơn vị lữ hành là “khá tẻ nhạt”. Đại diện công ty du lịch Indochina Sails cho rằng thật không thoải mái khi phải theo các thuyết minh viên đi ngắm từng hiện vật bởi thời gian tour rất hạn hẹp, trong khi các thuyết minh viên lại không biết cô đọng nội dung.

“Ở nhiều bảo tàng trên thế giới hiện đã hạn chế việc sử dụng các thuyết minh viên trực tiếp, thay vào đó là hệ thống thuyết minh tự động, đa ngôn ngữ. Du khách có thể tự lựa chọn nội dung chứ không phải vội vàng để đi xem tất cả. Việc bảo tàng vẫn sử dụng hình thức thuyết minh viên kè kè bên cạnh khách có vẻ như đã lỗi thời, cần thay thế”, đại diện doanh nghiệp cho biết.

Ông Nguyễn Huy Tâm, Giám đốc Công ty Du lịch Tâm Việt chỉ ra tính đặc thù, chuyên sâu của Bảo tàng Mỹ thuật cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc kén khách. Tuy nhiên, vì thế, bảo tàng cần phải phân loại thị trường khách để xây dựng sản phẩm phù hợp, trong đó với dạng khách phổ thông làm sao trong vòng 1 tiếng đồng hồ có thể giới thiệu được nét đặc trưng về mỹ thuật Việt Nam. Còn đối tượng thứ hai là khách tìm hiểu chuyên sâu thì cần nhiều thời gian hơn.

Bà Đặng Bích Thọ, Phó tổng giám đốc Red Tours thì đưa ra lời khuyên Bảo tàng Mỹ thuật nên đầu tư hơn nữa khâu quảng bá. “Ngay cả giới lữ hành cũng chưa biết nhiều về bảo tàng thì du khách rất khó tiếp cận thông tin về bảo tàng. Những thông tin hiện nay Bảo tàng Mỹ thuật cung cấp tới các công ty du lịch rất hạn chế. Chúng tôi thường phải cập nhật giá tour để gửi đến khách hàng nhưng thông tin về giá vé hay các hoạt động khác của bảo tàng trên trang web rất nghèo nàn. Ngay cả phối cảnh bên ngoài cũng không tạo ấn tượng rằng đây là bảo tàng quốc gia về mỹ thuật, điều này khiến chính bảo tàng chịu thiệt thòi khi khách du lịch đi ngang qua mà vẫn không biết được nơi đây là thiết chế văn hóa hàng đầu đất nước về mỹ thuật”, Phó tổng giám đốc Red Tours phân tích.

Giám đốc TYPIC Travel, ông Đỗ Quang Tiến cũng góp ý, cách trưng bày tại bảo tàng còn thiếu sống động. Nhiều hiện vật đẹp, có giá trị nhưng thông tin hạn chế, đơn điệu như một cô gái có nhan sắc nhưng không biết cách trau chuốt, trưng diện. Hiệu quả quảng bá, ấn tượng thị giác sẽ tăng thêm rất nhiều nếu có sự hỗ trợ của các công nghệ hiện đại như 3D.

Còn Giám đốc Việt Tourist Nguyễn Trung Thu cho rằng, không gian sân vườn của bảo tàng cần bài trí thêm các tác phẩm tranh, tượng điêu khắc… để du khách có thể ghi lại những hình ảnh lưu niệm, qua đó để quảng bá thêm cho hình ảnh của điểm đến.

Bàn về các chương trình của bảo tàng, bà Kim Khánh (Hiệp hội Đào tạo du lịch) cho rằng cần khai thác những giá trị khác của bảo tàng như: thẩm định tranh; đấu giá tranh… Bảo tàng cũng cần tổ chức các hoạt động tương tác, mở khu hội họa, điêu khắc để cho du khách trải nghiệm. Bởi khách không chỉ có xem, nhìn, nghe mà còn có nhu cầu hòa mình vào hoạt động trải nghiệm, mang lại sự phấn khích tại điểm đến. Điều này rất cần thiết đối với nhiều khách du lịch nước ngoài.

Từ những góp ý của doanh nghệp du lịch, ông Nguyễn Anh Minh – Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết thời gian tới sẽ có dự án chỉnh trang lại mặt tiền, bổ sung dịch vụ trải nghiệm và đầu tư trang thiết bị, hệ thống chiếu sáng, âm thanh. Bảo tàng cũng sẽ phối hợp với Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) làm những tờ rơi, sách ảnh để giới thiệu về bảo tàng tới các công ty lữ hành.

“Chúng tôi sẽ hướng tới khách đoàn thông qua công ty du lịch và sẽ có chính sách giảm giá phù hợp. Về phần công nghệ, bảo tàng cũng sẽ triển khai ứng dụng phần mềm, thiết bị audio Guide và APP vào năm 2018. Qua đó, du khách có thể tự chiêm ngưỡng bức tranh, nghe thuyết minh các thứ tiếng về các tác phẩm trưng bày tại bảo tàng. Từ 1/10/2017, bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng sẽ khai trương trang web hoàn toàn mới với tiện ích để giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật tới công chúng”- lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phấn khởi hứa hẹn.

MỚI - NÓNG