Tọa đàm “Mãi mãi đi theo Người”:

Lan tỏa giá trị nhân văn, trọn đời vì dân, vì nước

GS Hoàng Chí Bảo chia sẻ về lý tưởng sống của giới trẻ. Ảnh: Duy Ngợi.
GS Hoàng Chí Bảo chia sẻ về lý tưởng sống của giới trẻ. Ảnh: Duy Ngợi.
TP - Tọa đàm: “Mãi mãi đi theo Người” do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, báo Tiền Phong phối hợp với Trường ĐH Lao động Xã hội tổ chức nhằm tổng kết diễn đàn “45 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh” được tổ chức tại Hà Nội, sáng 30/11. 

Những ca khúc cách mạng do đội văn nghệ xung kích của trường ĐH Lao động Xã hội thể hiện, cùng phần tâm sự, chia sẻ của GS Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, Ủy viên Hội đồng lý luận T.Ư mở đầu cuộc tọa đàm đầy sâu sắc, có sức lôi cuốn mạnh mẽ tới đông đảo bạn trẻ và những người tham dự. Tới dự và phát biểu có Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn.

Giá trị thiêng liêng, cao cả


GS Hoàng Chí Bảo chia sẻ những câu chuyện xúc động về Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với cán bộ, giảng viên và hơn 500 sinh viên Trường ĐH Lao động Xã hội. Ôn lại những giá trị thiêng liêng, to lớn, sâu sắc trong Di chúc Người để lại, GS Bảo kể lại câu chuyện 2 nhà báo Pháp và Cuba đã hỏi Bác về điều quan trọng, ý nghĩa nhất trong cuộc đời của Người là gì, Bác đã khẳng định, đó là tự do cho dân tộc, cho người dân nước Việt. Cả cuộc đời của Người tự nguyện dâng hiến cho nhân dân, cho dân tộc và cho tự do của nhân loại. 

Theo GS Bảo, thế hệ trẻ nên học tập ở Người rất nhiều đức tính song tinh thần tự học là điều vô cùng quan trọng. GS chia sẻ: “Bác Hồ là tấm gương phi thường của tự học. Bác dạy cho chúng ta “Đường đời là một chiếc thang không có nấc chót mà học tập là một cuốn sách không có trang cuối cùng”. Khi Bác mất, dưới gối của Bác vẫn có cuốn từ điển Việt Nam - Tây Ban Nha, điều đó cho thấy Bác còn học ngay khi ở trên giường bệnh dù Bác có kiến thức uyên thâm, biết nhiều ngoại ngữ. Cuốn từ điển ấy là một trong những kỷ vật thiêng liêng, vô giá về đức tính tự học của Người để lại cho Nhà nước, cho dân tộc ta. Vì thế, thế hệ trẻ cần nâng cao giá trị bằng việc học tập; Học để làm người có ích, học để phục vụ nhân dân và bảo vệ Tổ quốc là những điều Bác đã căn dặn thanh niên, thế hệ trẻ”.

Trong buổi nói chuyện sâu sắc, xúc động trước đông đảo sinh viên Trường ĐH Lao động Xã hội, lời nhắn nhủ thiết tha của GS Bảo truyền tải tới bạn trẻ: “Tôi rất mong mỏi các em sinh viên, ĐVTN nên dành tâm sức để học thuộc, thấu hiểu, thấu cảm bản Di chúc của Người. Có như vậy chúng ta mới đóng góp được nhiều hơn cho Tổ quốc, cho dân tộc!”. 

Sau khi nghe GS Bảo nói chuyện về Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều sinh viên Trường ĐH Lao động Xã hội rất xúc động. Bạn Nguyễn Thị Ngân, lớp D9, Khoa Kế toán tâm sự: “Đây là buổi tọa đàm hết sức ý nghĩa, cần thiết với sinh viên, thế hệ trẻ. Trước khi dự buổi tọa đàm ý nghĩa này, mình chỉ nghe chứ chưa đọc cuốn Di chúc của Người nhưng sau hôm nay, mình tìm mua để đọc, hiểu và chia sẻ, giới thiệu với bạn bè, người thân để học tập, thực hiện những lời căn dặn của Bác”.

Với Trần Tùng Lâm, lớp D9, QK2, Khoa Quản trị Kinh doanh dù đã đọc Di chúc của Bác nhưng tại buổi tọa đàm, Lâm vẫn có những cảm xúc khó tả: “Trước đây, tôi tham gia nhiều buổi giao lưu, tọa đàm nhưng hôm nay, nghe GS Bảo nói chuyện về Di chúc của Người, tôi thực sự rất xúc động. Buổi tọa đàm này đã nhắc nhở tôi phải xem lại ý thức, thái độ của mình trong học tập, với gia đình, với đất nước để thấy mình phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn. Tôi mong có nhiều buổi tọa đàm, chương trình giao lưu, nói chuyện về Bác để giới trẻ thêm hiểu, thấm nhuần tư tưởng, đạo đức của Người”.

Lan tỏa giá trị nhân văn, trọn đời vì dân, vì nước ảnh 1 Sinh viên trường ĐH LĐXH chăm chú nghe GS Hoàng Chí Bảo nói chuyện về Di chúc của Người.
Học Bác từ những điều nhỏ nhất

Trong buổi tọa đàm, đông đảo sinh viên được giao lưu, chia sẻ cùng những khách mời là những gương điển hình thanh niên tiêu biểu trên mọi lĩnh vực. Anh Lại Văn Điệp, bị khuyết tật 2 chân, GĐ Cty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ người tàn tật ở Vũ Ninh, Kiến Xương (Thái Bình) là 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2013. Hành trình nỗ lực tập đi từ lúc nằm liệt cho đến khi lết trên mặt đất và chống nạng đi lại để đến trường trong suốt tuổi thơ của Điệp, sau đó liên tục là học sinh giỏi, học nghề để trở thành người có ích của Điệp khiến các bạn trẻ khâm phục. Nhờ nỗ lực vượt khó, ý chí vươn lên, hiện giờ anh đã làm chủ xưởng mộc và tạo việc làm cho 30 lao động, trong đó có 16 người khuyết tật với mức thu nhập từ 4-6 triệu đồng mỗi năm. Theo Điệp, dù là người kém may mắn khi bị khuyết tật nhưng luôn sống có hy vọng.

“Tôi học Bác từng ngày, từng giờ nên dù khuyết tật tôi vẫn vươn lên để có cuộc sống bình thường. Tôi đã tận dụng được cái đầu, bàn tay phải lành lặn để vươn lên, giảm được gánh nặng cho gia đình và giúp được nhiều người đồng cảnh có việc làm ổn định”. 

Trở về sau kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế với tấm HCV, góp phần giúp đoàn Việt Nam lọt vào tốp 5, Phạm Ngân Giang, Lớp trưởng lớp Y1A ĐH Y Hà Nội chia sẻ: “Từ khi học cấp 1, những lời Bác dạy, căn dặn học sinh chúng em đã thuộc lòng và em luôn không ngừng phấn đấu học tập, rèn luyện, hoàn thiện bản thân. Khi tham dự kỳ thi Olympic, phải tranh tài với thí sinh đến từ 77 quốc gia nên bản thân em và những thành viên trong đội tuyển đặt quyết tâm cao, làm bài thi thật tốt để mang vinh quang về cho Tổ quốc”.

Với Thượng úy Đỗ Sơn Tùng, Trợ lý Ban Thanh niên, Trường Sỹ quan Lục quân I, người đại diện cho tuổi trẻ quân đội thì khẳng định: “Học tập, thực hiện Di chúc của Người theo tôi nghĩ cần phải hoàn thiện bản thân mình về nhân cách, đạo đức và tri thức để cống hiến, công tác tốt. Bản thân tôi từ khi bước vào trường đã không ngừng phấn đấu, ra sức học tập để trở thành thủ khoa đầu ra của trường. Hiện giờ tôi đang đảm nhiệm công tác thanh niên, thường xuyên tham gia công tác Đoàn nên càng phải nghiêm khắc với bản thân mình hơn, học tập, trau dồi bản thân hơn nữa”.

Cần định hướng đúng đắn cho giới trẻ

Tại buổi tọa đàm, anh Lê Quang Tự Do, quyền Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn chia sẻ: “Trong Di chúc, Bác Hồ có nói đoàn viên và thanh niên ta nhìn chung rất tốt, từ “nhìn chung” rất quan trọng. Hiện nay có một bộ phận giới trẻ sa vào một số tệ nạn, có lối sống hưởng thụ, thờ ơ với lý tưởng, với chính trị. Tuy nhiên số chưa tốt đó vẫn là số ít”. Để chứng minh cho lời khẳng định của mình, anh Tự Do dẫn chứng lại 2 sự kiện gần đây nhất là đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp và vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam đều được đông đảo ĐVTN, sinh viên thể hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực thể hiện lòng yêu nước, uống nước nhớ nguồn.

Đồng tình với quan điểm của quyền Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn, ông Trần Thanh Lâm, Phó TBT báo Tiền Phong bày tỏ: Tháng 11 năm nay, báo Tiền Phong tròn 61 tuổi. 61 năm qua, báo Tiền Phong là cơ quan ngôn luận của T.Ư Đoàn, diễn đàn của tuổi trẻ cả nước, luôn gạn đục, khơi trong để cổ vũ giới trẻ vươn lên, hướng thiện và hoàn thiện bản thân trở thành người có ích cho xã hội và lớn hơn là đóng góp xây dựng Tổ quốc.

“Bản Di chúc chỉ hơn 1.000 từ nhưng chứa đựng tình yêu thương mênh mông của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong tình yêu thương mênh mông đó của Bác, ai cũng có phần và Bác dành tình cảm đặc biệt cho thế hệ trẻ. Trong Di chúc, Người căn dặn: “Đảng cần phải chăm lo, giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo cho họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”.

GS Hoàng Chí Bảo

MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPO - Người tự nhận có thể cầu mưa cho TPHCM nhận lỗi; Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn phải nộp thêm 400.000 USD và 100 triệu đồng; Nam thanh niên trộm chó trong tích tắc; Siêu tàu cao tốc từ TPHCM - Côn Đảo chính thức hoạt động; Đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.