Lan tỏa điều tốt, truyền năng lượng tích cực

Nhóm bạn trẻ giúp du khách nước ngoài tìm đường đi tại TPHCM. Ảnh minh họa: Ngô Tùng.
Nhóm bạn trẻ giúp du khách nước ngoài tìm đường đi tại TPHCM. Ảnh minh họa: Ngô Tùng.
TP - Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Lan tỏa tin tốt trên mạng xã hội” do báo Thanh Niên tổ chức ngày 19/4 tại TPHCM, các chuyên gia xã hội học, tâm lý học, nghệ sỹ và cả những nạn nhân của tin đồn xấu xí cho rằng bản thân mỗi người có thể mang đến cho mọi người xung quanh nhiều năng lực tích cực bằng chính việc lan tỏa những thông tin tốt, câu chuyện đẹp.

“Bàn phím có thể giết chết người”

Bùi Thị Hồng Hạnh (sinh viên trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM) từng bị đưa hình ảnh cá nhân ra bôi nhọ. Cách đây không lâu, trên mạng có người dùng hình ảnh của Hạnh để mời gọi làm nghề không hợp pháp, khiến cuộc sống của một sinh viên như cô bị đảo lộn, những bạn sinh viên khác lo lắng, sợ hãi và phải báo công an để được giải quyết. “Thật sự tai họa này ảnh hưởng đến cuộc sống mình rất nhiều, khiến gia đình hoang mang, nhìn nhận mình bằng con mắt khác, bản thân mình thấy xấu hổ trước mọi người”, Hạnh chia sẻ.

“Khi chưa biết sự vụ ra sao, theo mình nên báo với đội ngũ quản trị của mạng xã hội. Ngoài ra cũng không nên bàn tán xôn xao để tránh ảnh hưởng đến những người khác. Bàn phím có thể giết chết những người trong cuộc. Khi gặp tin đồn, tốt nhất không nên đọc, không share (chia sẻ), điều đó giúp chúng ta có cuộc sống lành mạnh, tốt đẹp hơn”, Hồng Hạnh bày tỏ.

Đồng cảm với hoàn cảnh của Hạnh, TS Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính Quốc gia - cơ sở TPHCM), cho rằng tin xấu đã xúc phạm người khác, gây hậu quả nghiêm trọng khiến họ có thể tự tử, có thể sụp đổ cả một công ty, tổ chức, đoàn thể.

“Đưa tin gì đến mọi người phải có tính nhân văn trong đó. Quan trọng hơn, chúng ta cần làm gì đó để đưa thông tin giải pháp sau mỗi câu chuyện, góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Truyền thông có tính xã hội hóa con người rất mạnh. Nên món ăn trong kênh này phải đảm bảo tính tích cực, tạo ra tinh thần tích cực cho con người”, TS Phạm Thị Thúy chia sẻ.

Chuyên gia tâm lý Tô Nhi A nêu lên một thực tế là những tin tốt đẹp khi share lên mạng thì nhận được rất ít lượt like (yêu thích), trái lại, tin về cái xấu, cái ác lại được lan truyền rất mạnh. “Động cơ chia sẻ là gì, cách chia sẻ ra sao? Mạng xã hội chỉ là một công cụ, con dao vào tay bà nội trợ sẽ là món ăn, còn trong một kẻ dã tâm sẽ thành tội ác”, Th.S tâm lý Tô Nhi A dẫn chứng và cho rằng mỗi người phải biết cách đưa tin, phải có năng lực đưa tin để đảm bảo truyền tải tin tốt cho mọi người, nhất là trong thời đại công nghiệp 4.0 như hiện nay.

Lan tỏa điều tốt

Cũng từng là nạn nhân của những tin đồn xấu vô căn cứ, Á hậu quý bà Thế giới Thu Hương cho rằng, trước hàng loạt thông tin tốt, xấu đến với mình, người nghệ sỹ không thể nào “đập hết muỗi”, không thể nào dẹp hết các thông tin không hay đó. “Khi đó, hãy tiếp tục sống cuộc đời của mình. Bằng hành động mỗi ngày, mình chứng minh mình là ai. Nếu hoa hướng dương hướng đến mặt trời, thì mình hướng đến điều tốt đẹp, rồi điều tốt đẹp sẽ đến với mình. Tin tốt còn rất nhiều trên mạng, vấn đề chúng ta sử dụng nó như thế nào để lan tỏa điều tốt”, Á hậu Thu Hương chia sẻ.

Ca sỹ Phương Thanh tự nhận cô là “người bị đồn nhiều nhất trong giới” bởi  bề ngoài xù xì, cá tính của mình. “Trước những tin đồn không hay dành cho mình, Phương Thanh không bao giờ đính chính. Mình phải luôn tươi tắn, năng động trong mọi trường hợp, thích nghi trong mọi hoàn cảnh và quan trọng là phải tràn đầy năng lượng tích cực để không chỉ giữ tinh thần được sảng khoái, vui vẻ mà còn mang đến cảm xúc tốt cho mọi người nữa”, ca sỹ Phương Thanh nói.

Tại buổi tọa đàm, câu chuyện về cha con ông Trần Khương - người chia sẻ nhật ký hành trình nuôi dạy con gái bị câm điếc và sau đó được cộng đồng hỗ trợ vào đại học - đã nhận được nhiều sự đồng cảm. Ông Khương cho biết, nếu không có mạng xã hội thì chẳng mấy ai biết đến câu chuyện về cha con ông. Khi con ông Khương vào sinh hoạt tại Trung tâm Khuyết tật TPHCM, ông đã viết nhật ký, vợ chồng ông quyết tâm bằng mọi giá phải cho con nghe, nói được dẫu không thể bằng người bình thường khác.

Chặng đường lớn lên của con gái Khả Ái được ông Khương viết nháp và nhờ con trai biên tập rồi đăng lên mạng. “Lúc đó có người nghĩ mày lên đó xin điều gì vậy, nhưng cũng có ý kiến nói là sẽ có người tìm tới và giúp đỡ được cho gia đình. Sau đó cơ quan báo, đài đã đến trường và thông tin được lan tỏa thật. Đến giờ, các em khiếm thính ở TPHCM ra phường làm thủ tục xác minh khuyết tật rất dễ dàng (điều mà ông khó lòng thuyết phục cán bộ xác nhận cho con mình trước đây - PV). Hơn nữa, từ việc làm của mình, tôi được cộng đồng khiếm thính rất quan tâm. Trên mạng xã hội, nếu mình hiểu, nhận thức đúng sẽ dẫn đến tốt đẹp, và ngược lại. Quan trọng là nhận thức của mỗi con người ra sao”, ông Trần Khương bộc bạch.

Nhà văn Anh Khang cho rằng, việc tạo thói quen theo dõi các thông tin chuẩn trên báo chính thống không chỉ giúp mỗi người xây dựng nền tảng kiến thức cho bản thân, mà còn tạo cho mình một nguồn tin xác định khi cần kiểm chứng bất cứ thông tin gì, chứ không chỉ phụ thuộc vào mạng xã hội. “Nói đi nói lại, chính bản thân mình phải là tin tốt, là nguồn lan tỏa tốt, biết cái gì nên share, cái gì nên thấu đáo suy nghĩ trước khi đưa đến cho mọi người”, Anh Khang chia sẻ.

Với PGS.TS Phạm Hoàng Quân, Hiệu trưởng trường ĐH Sài Gòn, mạng xã hội đem đến cho ông cách truyền tải, chia sẻ kiến thức với học trò. “Đừng nhìn mạng xã hội xấu quá, bởi nó có nhiều cái tốt. Ít nhất với chính tôi, lâu nay tôi vẫn sử dụng mạng Zalo như một công cụ để chia sẻ, trao đổi bài vở với học trò. Các em gửi vấn đề của mình qua đây, tôi phác thảo, ghi chép vài ý ra giấy rồi chụp hình gửi lại như một lời giải đáp”, ông Quân nêu quan điểm.

Để góp phần dẹp bỏ những thông tin xấu, lan tỏa những thông tin tốt đẹp và tạo cảm hứng hướng đến những điều tích cực cho giới trẻ, T.Ư Đoàn đã phát động cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trong đông đảo thanh thiếu niên.

MỚI - NÓNG