Đánh giá về sự lan tỏa của “Chủ nhật Đỏ”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết: Phong trào hiến máu tình nguyện tại Việt Nam được phát động từ năm 1994, hơn 20 năm qua, phong trào này đã có những bước tiến vượt bậc. Từ 14,5% lượng máu tiếp nhận từ người hiến máu tình nguyện vào năm 1994, đến nay cả nước đã đạt được 98%. Đặc biệt trong những năm gần đây, với việc đẩy mạnh công tác truyền thông đại chúng và tổ chức các sự kiện hiến máu quy mô lớn đã tạo lên một diện mạo mới trong công tác hiến máu tình nguyện của nước ta, thu được kết quả rất đáng khích lệ.
Trong các hoạt động nổi bật đó không thể không nhắc đến sự kiện “Chủ nhật Đỏ” do báo Tiền Phong phối hợp với các đơn vị tổ chức. Từ một sự kiện quy mô nhỏ với gần 100 người tham gia hiến máu (năm 2009) đến nay “Chủ nhật Đỏ” đã lan rộng trên quy mô toàn quốc, nhiều tỉnh, thành phố đã tích cực hưởng ứng và tham gia, lượng máu tiếp nhận được mỗi năm đạt gần 20.000 đơn vị. Đặc biệt hơn nữa, “Chủ nhật Đỏ” thường được tổ chức vào dịp gần Tết nguyên đán, là thời điểm thường xảy ra tình trạng khan hiếm nguồn hiến máu. Chính vì vậy, Bộ Y tế đánh giá rất cao ý tưởng tổ chức, sự nỗ lực rất lớn của báo Tiền Phong cũng như các đơn vị tham gia tổ chức ngày hội “Chủ nhật Đỏ”.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên.
Với vị trí là lãnh đạo ngành y tế, bà có định hướng gì cho “Chủ nhật Đỏ” ngày càng phát triển và hiệu quả hơn?
Trước hết, chúng ta cần có kế hoạch sớm để Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện chỉ đạo tất cả các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành, đoàn thể tích cực hưởng ứng và tham gia chương trình, phấn đấu tất cả 63 tỉnh, thành phố tham gia “Chủ nhật Đỏ”. Chúng ta cũng cần thực hiện nhiều tháng trong năm, đặc biệt tập trung thêm vào các tháng mùa hè.
Mọi người đều biết, máu và các sản phẩm của máu chỉ bảo quản trong một thời gian nhất định, tối đa là 35 ngày, vì vậy lượng máu tiếp nhận cần phải đảm bảo tính thường xuyên và đều đặn trong năm, tránh tình trạng lúc thì rất khan hiếm, lúc thì tiếp nhận không hết gây ra sự lãng phí và ảnh hưởng không tốt đến tâm lý người hiến máu. Chương trình cần hướng tới những đối tượng khác ngoài các sinh viên, đoàn viên thanh niên, vì còn rất nhiều người có thể hiến máu nhưng chưa tham gia tích cực. Bên cạnh đó chúng ta cũng cần có sự vào cuộc, đồng hành của các nhà tài trợ, các tổ chức, cá nhân để tạo lên sức mạnh tổng hợp cho sự thành công của chương trình.
Thiếu máu vẫn luôn là nỗi lo của ngành y, nhất là mỗi dịp tết đến, hè về, ngành y tế có phương án nào để khắc phục tình trạng này không?
Năm nào cũng vậy, mỗi khi chuẩn bị bước vào dịp hè cũng như dịp tết, nỗi lo thiếu máu lại càng tăng lên với các bệnh viện. Thiếu máu không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh mà còn ảnh hưởng đến việc phát triển, áp dụng các kỹ thuật y học cao trong điều trị. Tuy vậy, những năm qua, với sự vào cuộc rất tích cực của Ban chỉ đạo vận động hiến máu các cấp từ trung ương đến các địa phương, các tổ chức, đoàn thể, có thể nói tình trạng khan hiếm máu đã dần được khắc phục.
Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia đã phát động và chỉ đạo các địa phương đơn vị tổ chức các hoạt động như: chiến dịch “Những giọt máu hồng hè”, chương trình “Hành trình Đỏ”, chiến dịch vận động hiến máu dịp tết và “Lễ hội Xuân hồng” vào đầu năm mới, đẩy mạnh công tác truyền thông, tổ chức nhiều mô hình hiến máu hiệu quả ở các địa phương, vì vậy đã phần nào giảm được áp lực khan hiếm máu đối với các cơ sở truyền máu và các bệnh viện. Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia kêu gọi mỗi người có đủ sức khỏe hãy tham gia hiến máu cùng “Chủ nhật Đỏ”. Mỗi đơn vị, mỗi tổ chức là một điểm hiến máu tại cộng đồng…
Cảm ơn Thứ trưởng.