'Lần đầu tiên trải qua cảm giác nhớ nhà, chỉ nhìn lướt qua mà không được ghé thăm'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - “Vì công việc học tập cũng như tình hình dịch bệnh, em đã xa nhà khoảng 7 tháng. Lúc đoàn xe trên đường đi ngang qua nhà, lần đầu tiên em trải qua cảm giác nhớ nhà nhưng chỉ có thể nhìn lướt qua mà không được ghé thăm. Những ngày tham gia chống dịch để lại nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, từ lo lắng, vất vả đến hạnh phúc. Nhờ tình nguyện mà em đã vượt qua thử thách bản thân”, Phùng Thị Khánh Nguyên - sinh viên trường đại học Y Dược Cần Thơ chia sẻ.  
'Lần đầu tiên trải qua cảm giác nhớ nhà, chỉ nhìn lướt qua mà không được ghé thăm' ảnh 1

Phùng Thị Khánh Nguyên tham gia chống dịch tại TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. - Ảnh: NVCC

Bạn Phùng Thị Khánh Nguyên (24 tuổi, quê Kiên Giang) hiện là sinh viên năm 6, ngành Y đa khoa, trường đại học Y Dược Cần Thơ năng nổ trong các hoạt động do Đoàn trường, Đội thanh niên tình nguyện và các câu lạc bộ của trường tổ chức.

Khánh Nguyên cho biết, từ lúc dịch COVID-19 diễn ra, cô muốn đóng góp một phần sức nhỏ bé của mình để chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Trước khi đến Kiên Giang, cô cũng nhiều lần đăng ký hỗ trợ chống dịch ở những địa phương khác cũng như ở bệnh viện dã chiến nhưng chưa được chọn.

'Lần đầu tiên trải qua cảm giác nhớ nhà, chỉ nhìn lướt qua mà không được ghé thăm' ảnh 2
'Lần đầu tiên trải qua cảm giác nhớ nhà, chỉ nhìn lướt qua mà không được ghé thăm' ảnh 3

Khánh Nguyên tham gia hiến máu tình nguyện

Tại Cần Thơ, cô tham gia hiến máu tình nguyện, nhận vật liệu về làm tấm chắn giọt bắn để tặng lực lượng tuyến đầu; tặng sách, tài liệu học tập cũ cho Kiosk của trường để những bạn sinh viên khác nếu cần có thể đến nhận. Đồng thời, dạy học tình nguyện cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn; làm lồng đèn tặng thiếu nhi dịp trung thu; tham gia tình nguyện hướng dẫn bệnh nhân ở bệnh viện trường ĐH Y Dược Cần Thơ.

Đến đợt hỗ trợ tỉnh Kiên Giang, vì là quê nhà của mình nên Nguyên càng khao khát được tham gia hơn bao giờ hết và lần này cô được chọn vào đội hình tham gia chống dịch. "Em nghĩ trong giai đoạn dịch bệnh như hiện nay, tất cả chúng ta ai ai cũng đều có chung một mong ước đó là đẩy lùi được dịch bệnh, mau chóng trở lại cuộc sống bình thường. Em tham gia chống dịch vì muốn cống hiến một phần sức mình cho cộng đồng, hy vọng dưới sự góp sức của tất cả mọi người, dịch bệnh sẽ được kiểm soát. Ngoài ra, thông qua hoạt động chống dịch lần này sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm, kỹ năng sống quý báu, hoàn thiện bản thân hơn, làm cho cuộc sống của bản thân thêm ý nghĩa”, Khánh Nguyên chia sẻ.

'Lần đầu tiên trải qua cảm giác nhớ nhà, chỉ nhìn lướt qua mà không được ghé thăm' ảnh 4

Ban đầu nữ sinh hơi lo, không biết có hoàn thành những nhiệm vụ được giao hay không. Nếu trong quá trình làm việc chẳng may bị lây nhiễm sẽ ảnh hưởng đến bản thân cũng như mọi người. Nhưng với những kiến thức, kỹ năng đã được nhà trường trang bị kỹ càng qua những buổi tập huấn trước đó, Nguyên lên đường làm nhiệm vụ với sự tự tin và ý chí quyết tâm cùng Kiên Giang vượt qua khó khăn. "Những kiến thức, kỹ năng mà nhà trường trang bị chính là tấm lá chắn bảo vệ em và cũng là hành trang lớn mà em mang theo" - cô gái Kiên Giang bộc bạch.

'Lần đầu tiên trải qua cảm giác nhớ nhà, chỉ nhìn lướt qua mà không được ghé thăm' ảnh 5

Những ngày tại TP Hà Tiên (Kiên Giang) đã để lại cho Khánh Nguyên rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Cô bạn kể: “Vì công việc học tập cũng như tình hình dịch bệnh, em đã xa nhà khoảng 7 tháng. Lúc đoàn xe trên đường đến TP. Hà Tiên đi ngang qua nhà em (huyện Hòn Đất), lần đầu tiên em trải qua cảm giác nhớ nhà nhưng chỉ có thể nhìn lướt qua mà không được ghé thăm. Lúc đó, em thoáng buồn nhưng ý chí quyết tâm và khao khát đẩy lùi dịch bệnh càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết”.

Trong suốt quá trình tham gia xét nghiệm cộng đồng, nhà trường và địa phương tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để giúp thực hiện nhiệm vụ, từ chỗ nghỉ ngơi, thức ăn đến trang phục bảo hộ. Khánh Nguyên cảm thấy xúc động với những em nhỏ rất ngoan ngoãn và bản lĩnh, cho dù rất sợ nhưng vẫn chịu khó ngồi yên để lấy mẫu, thương cụ già dù bị liệt nửa người vẫn chống gậy ra trước nhà khi đoàn đến và cảm thấy ấm lòng với những lời cô chú hỏi "nóng lắm phải không con, cảm ơn con nha". Tất cả những điều đó là động lực to lớn để Nguyên cùng đồng đội cố gắng nhiều hơn. "Có lần em phải đi bộ lên núi để lấy mẫu cho những hộ dân ở đó. Tuy hơi vất vả nhưng "leo núi" trong trang phục bảo hộ là một trải nghiệm rất thú vị mà đâu phải ai cũng may mắn có được", Khánh Nguyên tươi cười nói.

Trong số rất nhiều những kỷ niệm, cô gái Kiên Giang nhớ nhất chính là ngày đầu tiên thực hiện nhiệm vụ. Nguyên kể, ngày đầu mặc trang phục bảo hộ đi lấy mẫu chưa thích nghi kịp, cộng thêm phải làm việc trong thời tiết nắng nóng mà không thể uống nước nên rất mệt và khó thở. "Em làm việc được vài tiếng thì không đứng nổi, chỉ biết ngồi và cố gắng hít thở nhưng đằng sau sự khó khăn đó em thấy vô cùng cảm động bởi tinh thần đồng đội. Bạn em kéo ghế lại cho em ngồi nghỉ và chia nhau làm phần công việc của em, chị bên đội khác khi làm xong công việc của chị ấy cũng qua hỗ trợ. Lúc nghỉ mệt, trong đầu em hiện lên hình ảnh của những bệnh nhân đang nằm trên giường bệnh, những em nhỏ mồ côi cha mẹ vì COVID-19, rồi em nghĩ đến những nhân viên y tế khác đang thực hiện rất tốt nhiệm vụ. Mọi người làm được thì mình cũng làm được, lúc đó em cố gắng động viên bản thân như vậy. Lát sau thấy đỡ mệt em lại cùng đội hoàn thành nốt nhiệm vụ còn lại. Những ngày sau đó quen dần, em thấy dễ chịu hơn và cũng làm việc một cách rất trơn tru”, Khánh Nguyên nhớ lại.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.