Mất ngủ, trước cảnh quan tài trong căn nhà ngập nước
Gần 7 tiếng di chuyển từ Hà Nội, chúng tôi dừng chân ở TP Vinh lên kế hoạch “tác chiến”. Tại quán cà phê ven đường, Trưởng đại diện báo Tiền Phong tại Nghệ An, Trần Quang Long bàn giao và dặn dò. “Anh em say nghề, muốn có thông tin chân thực là điều đáng quý. Dù vậy, dấn thân nhưng phải đảm bảo an toàn cho bản thân. Nước rút đến đâu, tiến sâu làm tin đến đó”. Sự nhiệt huyết, quyết tâm của đồng nghiệp giúp tôi tự tin hơn, mong sớm tiếp cận hiện trường.
Sáng 20/10, Quốc lộ 1A đoạn qua vòng xuyến Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) mênh mông biển nước. Đang loay hoay chờ thuyền thì bà Nguyễn Thị Lưu, 64 tuổi trú tại thôn Đông Hạ, xã Cẩm Vĩnh tất tả đến xin chúng tôi đi nhờ vào làng. Bà Lưu cho biết, muốn về lấy điện thoại báo cho các con ở xa yên tâm và dắt hai con bò ra phía đường lớn. Nhà chẳng có gì giá trị, bò chết cũng mất luôn kế sinh nhai. Đưa vội điện thoại của mình cho bà Lưu liên lạc với con, chị Loan (con gái bà Lưu) nói to: “Mẹ không được quay về nhà, bò chết chúng con gửi tiền về mua con khác”. Do điện thoại bật loa ngoài, nghe giọng chị Loan nói vọng: “Các anh đừng cho mẹ em về, các con đi xa, mẹ có mệnh hệ gì thì chúng em không sống nổi”.
Động viên, chia tay bà Lưu, chiếc thuyền chở 5 người băng qua cánh đồng trắng xóa màu nước, tiến về phía hàng trăm mái nhà đang hụp lặn giữa dòng chảy xiết. Nhoài người từ mái nhà nhận đồ cứu trợ, bà Biên Thị An, trú tại xã Cẩm Vĩnh xúc động “Thực phẩm, nước sạch trong nhà đã hết, 3 thành viên trong gia đình đang lo lắng không biết sẽ sống ra sao”.
Càng đi vào sâu trong vùng lũ, mưa càng nặng hạt, gió quật liên hồi, người ướt sũng, bụng đói cồn cào, nhưng trước cảnh bà con đang oằn mình chống lũ, mệt mỏi tan biến, tôi cố gắng ghi lại hết hình ảnh, tâm tư, nguyện vọng của bà con, tìm cách chuyển tải nội dung tin, bài, ảnh về tòa soạn, sâu sát thực trạng khó khăn nơi đây. Đến chiều, ăn vội gói mỳ tôm sống mang theo, tôi thấm thía nỗi khổ của người dân đang thiếu ăn, thiếu nước, hiểm nguy rình rập.
Sáng 22/10, tại ngã ba Cam Liên, huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) tấp nập hàng cứu trợ của các đoàn từ thiện. Nhiều lần năn nỉ, tôi được một chủ thuyền cho quá giang kèm lời nhắn, chỉ đưa đến điểm tập kết, nếu muốn tiếp cận nhà dân phải đi xuồng nhỏ.
Từ UBND xã Liên Thủy, mang theo một ít hàng, chúng tôi lên thuyền nhỏ đến thôn Uẩn Áo, nơi gia đình bà Hoàng Thị Luyến, 54 tuổi vừa mất đi người chồng vì mưa lũ. Nước ngập toàn vùng, thi thể chồng bà Luyến không thể đưa ra nghĩa trang. Giữa ngôi nhà, quan tài được kê trên hai chiếc ghế gỗ. Ánh mắt vô định bà Luyến nhớ lại, nước lũ lên nhanh, người thân đưa ông Toan (chồng bà Luyến) đến nơi cao hơn tá túc. Trên đường đi bị ướt lạnh cùng sức khỏe yếu, chồng bà không qua khỏi. Không có thuyền ra ngoài, gia đình dùng tạm áo quan đã chuẩn bị cho mẹ ông Toan để thay thế. Trên trời mưa trắng xóa, dưới chân nước lũ đục ngầu, trong nhà tiếng khóc của bà Luyến vọng ra khiến không khí càng tang thương.
Hạnh phúc luôn là một hành trình
Một tuần bám sát vùng lũ, tôi tận mắt chững kiến từng khuôn mặt ngơ ngác, bàng hoàng trở về khi nước rút, những cánh đồng trơ trọi, xác xơ nhuốm màu bùn đất. Cảnh người dân giúp nhau sửa sang nhà cửa, cố lần tìm trong bùn đất, vớt vát chút tài sản sót lại. Khác với sự lo lắng, hồi hộp ban đầu, những trải nghiệm khi đưa tin lũ lụt giúp tôi có thêm nhiều kinh nghiệm trong quá trình tác nghiệp sau này. Sự vất vả nhanh chóng đi qua, đọng lại niềm hạnh phúc của nghề báo khi có mặt nơi điểm nóng, có được thông tin chính xác, hình ảnh sinh động, lột tả được sự gian khổ, kiên cường nguy hiểm của người dân vùng bị ngập sâu. Mỗi chuyến đi, sự trải nghiệm giúp tôi có thêm vốn sống.
Tôi biết, hạnh phúc không phải là đích đến mà đó luôn là một hành trình và hành trình hạnh phúc với nghề báo cũng vậy. Chặng đường làm báo, có muôn vàn bài học và chỉ có “trường đời” chứ không trường lớp nào dạy được, muốn thành công cần lắm “lửa” say mê, cái Tâm của người cầm bút.
Sau chuyến đi ấy, nhiều tin, bài, ảnh như “Canh lũ và mong cứu trợ”; “Miền Trung khắc phục hậu quả lũ lụt: Bới bùn vớt vát tài sản”… được Ban biên tập, độc giả đánh giá cao, nhờ đó có thêm nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân kết nối chung tay hỗ trợ giúp bà con sớm ổn định cuộc sống.