“Giải vây” ở Cẩm Xuyên
Tôi chạy ra phía biển. Hễ nghe “tin bão khẩn cấp” tôi lại nao lòng, cuống cuồng lao về phía ấy. Lồng ngực se buốt, nín nhịn, vỡ òa ra giữa những cơn sóng thao thiết, điên cuồng. Chếch hướng Nam, chân trời tím tái một màu mây. Những đám mây dị thường dìu bão vượt trùng khơi, băng qua biển đảo, áp sát đất liền. Trước bão là gió mưa vần vũ, tiệm cận cơn bão là khoảng lặng ghê người. Không khí ngột ngạt, bức bối đến khó tin. Mười mấy năm lấm lem vùng bãi ngang Nghi Xuân - Hà Tĩnh, đã bao phen bão tố triền miên, mưa dập gió vùi, tôi hiểu thế nào là thịnh nộ cuồng phong.
“Mẹ vừa ngã, nặng lắm. Anh cứ ở lại lo việc, lo con, em về”, vợ tôi khóc. Bà năm nay ngoài 90 tuổi, tiền sử cao huyết áp, đủ thứ trọng bệnh trong người. Tôi hình dung ngay đến cảnh khó khăn, nhất là khi bão đang sầm sập đến. Một bên là mẹ, một bên là bão, tôi biết chạy phía nào? Chị Dương Phương Vinh, Trưởng ban Văn nghệ báo Tiền Phong gọi động viên: “Đận này, cơ cực cho chú đấy”. Mẹ già ngã giữa lúc đài báo tin bão khẩn cấp, trên bàn còn dang dở “Chuyện hôm nay”, phóng sự chiếc bánh chưng nghĩa tình cứu đói, 2 đề tài anh Minh Toản - Phó TBT kiêm Tổng TKTS giao mà tôi phải hoàn tất trước 5h chiều ngày 20/10. Đành vậy, việc nhà đã có vợ. Xong việc cơ quan, đêm tôi sẽ chạy về Quỳnh Lưu.
Khoảng 9h sáng, mưa như trút. Hồ thủy lợi Kẻ Gỗ vận hành xả lũ “theo qui trình”, hàng ngàn hộ dân hạ du tại Thạch Hà, Cẩm Xuyên và thành phố Hà Tĩnh ngập lút. Đang họp giao ban, anh Phùng Công Sưởng - Phó TBT nhắn: “Bà của phóng viên Lưu Trinh cùng 3 cháu nhỏ tại xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên đang cầu cứu vì lũ cô lập”. Tôi bỏ họp, tìm cách liên lạc vào Cẩm Xuyên. “Bà trèo được lên cái nhà 2 tầng rồi, những chỗ đó gần bờ sông, kiểu xả lũ này tí nữa ngôi nhà sẽ bị cuốn ra sông mất anh ơi”, người nhà Lưu Trinh hốt hoảng. Chị cho biết, dân Cẩm Duệ người nào không có nhà tầng đều phải chạy lên bờ đê lánh nạn. Đang mưa to, nước trên trời rơi xuống, nước Kẻ Gỗ xả lũ ập đến khiến tình hình nguy cấp.
Tôi gọi điện cầu cứu Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng, thông báo địa điểm cần hỗ trợ. “Anh yên tâm, tôi sẽ cho xuồng máy vào ngay!”. Sáng hôm đó, chẳng riêng gì Cẩm Duệ, mà nhiều nơi tại Cẩm Xuyên, Thạch Hà hàng trăm hộ dân cần di dời khẩn cấp. Hà Tĩnh huy động tổng lực ca nô, xuồng máy vào các điểm ngập lụt chở dân ra ngoài. Cùng ngày, tỉnh Nghệ An đã cấp tốc điều 11 chiếc ca nô vào chi viện, giải vây cho bà con vùng lũ Hà Tĩnh. Trưa 20/10, Lưu Trinh báo tin: “Bà đã được đưa đến chỗ cao ráo, an toàn”.
Gian nan vào Nam Trà My
Bão số 8 suy yếu, gây mưa kéo dài vệt ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên- Huế, các tỉnh Bắc Trung bộ ngập nặng. Một nhóm phóng viên Tiền Phong gồm Võ Hóa, Trọng Tài từ tòa soạn phối hợp với Nguyễn Cảnh Huệ (Ban đại diện Nghệ An) được tăng cường vào Hà Tĩnh, Quảng Bình, phải nán lại ở mố Bắc cầu Bến Thủy. Các tuyến đường đều ngập nước, quốc lộ 1A bị lũ chia cắt tại nhiều điểm khiến giao thông ách tắc. “Nước rút đến đâu, di chuyển ngay đến đấy. Phải bằng mọi cách, sớm tiếp cận với vùng tâm lũ để chuyển tải tin tức lên mặt báo”, cuộc hội ý lúc 22h đêm 21/10 tại TP Vinh, anh em đồng lòng nêu quyết tâm.
Thời khắc “nước sôi lửa bỏng”, cả nước hướng về dải đất miền Trung đang oằn mình trong mưa gió với rầm rập những chuyến xe nối theo nhau chở gạo, bánh chưng, lương khô cứu trợ đồng bào, tòa soạn báo Tiền Phong chẳng ai có thể ngồi yên. Tổng Biên tập, Trưởng ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu VN 2020 Lê Xuân Sơn cùng một nhóm thí sinh nhanh chóng mang quà cứu trợ về Quảng Trị, Quảng Bình tiếp tế cho người dân vùng ngập lụt; Phó TBT, Tổng TKTS Lê Minh Toản và PV Minh Đức rời Hà Nội, có mặt tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) khi nước còn dâng ngang mái nhà. Trên đường thiên lý, trong bữa cơm tối vội vàng tại một quán ăn bình dân ở Vinh, CTV Phạm Thu Hiền hăng hái: “Em xin cùng theo đoàn vào vùng lũ Quảng Bình”. Tôi cảnh báo rằng vào tâm lũ lúc này có thể nguy hiểm đến tính mạng, Hiền lắc đầu: “Không sợ!”.
Bão số 8 vừa quét qua, bão số 9 lại trực chỉ hướng miền Trung. Nhận định đây là cơn bão mạnh, sau khi đổ bộ vào Quảng Nam sẽ gây tổn thất về người, tài sản và để chi viện nhân lực cho Ban đại diện miền Trung, BBT báo Tiền Phong quyết định tăng cường PV Nguyễn Cảnh Huệ. Tôi gọi điện cho Cảnh Huệ bảo thu xếp hành lý, khởi hành. Cảnh Huệ là một cầu thủ tiền đạo trụ cột của Liên quân báo chí Nghệ An, sức khỏe vô địch, anh có thể chạy liên tục suốt 2 hiệp đấu không ngừng nghỉ. Ngoài sức chống chịu dẻo dai, tuy mới tập làm báo nhưng ở chàng trai trẻ này có khả năng càn lướt, say nghề. Điều động phóng viên vào khu vực dự kiến cơn bão có sức gió giật cấp 12, cấp 13 sẽ đổ bộ, là mệnh lệnh vạn bất đắc dĩ. “Rất cần thông tin, ảnh hiện trường cơn bão, nhưng an toàn tính mạng là trên hết. Phải luôn nhớ như vậy!”, tôi liên tục nhắc Cảnh Huệ.
Từ thành phố Vinh, Cảnh Huệ và một người em của tôi ở Cương Gián (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) lái xe băng qua chặng đường 500 cây số, vào Đà Nẵng thì trời đã tối. Mưa, gió đang mạnh lên, không thể di chuyển tiếp. 22h 59 đêm 28/10, tôi nhắn tin cho Cảnh Huệ, yêu cầu phóng viên sáng ngày mai cố gắng di chuyển sớm đến xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam sau khi nghe tin xảy ra vụ sạt lở vùi lấp nhiều người dân.
“Hai anh em đã lên đường vào Trà Leng, cùng đi có Nguyễn Thành, PV Ban đại diện miền Trung”, Cảnh Huệ báo tin. Chốc lát, tôi gọi điện lại, không liên lạc được. Quảng Nam hôm đó vẫn mưa to. Hành quân vào điểm sạt lở lúc trời đổ mưa là một sự mạo hiểm, nhưng không thể không dấn thân. Nghề viết báo là vậy, nhìn thấy và dù biết hiểm nguy trước mặt, không thể trở gót, quay lưng. Trưa và chiều ngày 29/10, tôi cố gắng gọi cho Cảnh Huệ và cậu em cùng đi trong đoàn vào Trà Leng nhưng không liên lạc được. Ruột gan nóng như lửa đốt, đành tự an ủi: “Vùng núi, chắc không có sóng”. Cuối giờ chiều, điện thoại đổ chuông. PV Nguyễn Thành báo: “Em đang giữ máy Huệ. Bọn em ra trước để chuyển tin, viết bài cho kịp nhật báo Tiền Phong xuất bản ngày mai. Huệ đang chụp ảnh ở trong núi”. Tối mịt, bỗng nhận được tin nhắn của Cảnh Huệ: “em ra khỏi rừng rồi, an toàn ạ!”. Tôi thở phào nhẹ nhõm.
Đi trong mưa bão, lăn xả vào vùng tâm lũ, sự dấn thân đó không chỉ là sứ mệnh của người cầm bút, mà còn là bước chân khơi gợi nhiệt huyết, đam mê nghề nghiệp.