Lần đầu nghe Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều đọc điếu văn

0:00 / 0:00
0:00
Nhà văn Trần Hiệp ( trái) và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Nhà văn Trần Hiệp ( trái) và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
TP - Ra Giêng ta, cứ mường tượng, thế nào mà cái chất giọng trầm khàn của tân Chủ tịch Hội nhà văn Nguyễn Quang Thiều lại chả bổng trầm cất lên trong Ngày thơ Việt ở Miếu Văn? Nhưng nạn Covid đã làm hỏng cả!

Và một việc bất đắc dĩ chả ai muốn đã xảy ra. Đám tang của một người viết cao niên được tổ chức ở nhà tang lễ quận Cầu Giấy sau Tết Nguyên tiêu (17 tháng Giêng tức 28 tháng 2) khiến ông Chủ tịch Hội đành phải có mặt.

Lần đầu nghe Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều đọc điếu văn ảnh 1 Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều đọc điếu văn tại tang lễ nhà văn Trần Hiệp

Những ánh nhìn  thân mến và hình như lẫn cả chút tò mò của đám dân viết hướng về phía nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đang bước lên khi Ban tổ chức lễ tang trân trọng giới thiệu nhà thơ Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam đọc điếu văn.

Tò mò? Phải gọi vậy vì đây là lần đầu tiên nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đọc điếu văn với chức phận chủ tịch Hội. Mà phần việc ấy trước nay hơn 20 năm là của ông cựu chủ tịch nhà thơ Hữu Thỉnh đảm trách.

Không thể không nhớ đến đến những xuýt xoa tiếc nuối (chả biết có thực lòng?) trong số ý kiến của giới viết lách cái hôm Đại hội Mười ( X) Hội nhà văn bầu tân chủ tịch Hội. Thôi từ nay không được nghe, được chứng kiến nhà thơ Hữu Thỉnh đọc điếu văn nữa rồi!

Công nhận nhà thơ cao niên Hữu Thỉnh, có thể nói mà không sợ sái rằng, trong tất tật các buổi tang lễ của các nhà văn, cây viết mỗi khi phải rời bỏ cõi tạm diễn ra,  từ nội dung điếu văn cho đến hình thức trình bày, nhà thơ Hữu Thỉnh đều gây được những ấn tượng độc đáo nếu không muốn nói là khó phai đối với tang quyến cũng như bạn bè thân hữu của người quá cố.

Cảm động, tất nhiên! Nhưng trên cả hiệu ứng ấy, người dự tang lễ qua chi tiết cùng chất giọng nhấn nhá đúng điệu đúng lúc của người đọc chợt thấy cái tình như là tri kỷ tri âm của Hội nhà văn dành cho hội viên của mình vậy?

Cái hôm ngồi chung xe với nhà thơ Hữu Thỉnh vào Thanh Hóa dự tang thi sĩ Hữu Loan phần nào như ló dạng thêm cái tài cũng như cái tình của ông chủ tịch. Hóa ra lên xe ông mới bắt đầu viết điếu văn. Vừa nghĩ vừa viết. Chốc chốc lại tham khảo người chung xe  vài ý về gia cảnh nhà thơ Hữu Loan mà tôi có võ vẽ tí chút.

Vào đến Vân Hoàn, Nga Sơn, quê nhà thơ Hữu Loan thì nội dung điếu văn cũng đã hòm hòm. Nói ra thì dài nhưng có hẳn vài cái cờ-líp trên báo mạng và trên mạng còn lưu lại hình ảnh chủ tịch Hội nhà văn trong buổi tang lễ nhất là cái đoạn đọc điếu văn đã lấy được nhiều lắm cảm tình của người chứng kiến.

… Và bây giờ đến lượt người kế nhiệm, nhà thơ tân Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều!

Người viết đang nằm kia là nhà văn nhà báo cao niên Trần Hiệp tuổi đà 86, cũng quê xứ Thanh. Mặc dù có biết sơ sơ chút lý lịch của người quá cố, nhưng tôi hơi bị, từ hồi hộp đến ngạc nhiên khi chất giọng trầm ấm quen thuộc của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cất lên.

Hình như ông Chủ tịch đã biết vượt thoát lên những dòng tiểu sử đều đều liệt kê nhiều sự kiện và thành tích của một người từng tham gia Vệ quốc đoàn từ thuở kháng chiến chống Pháp cho đến một nhà báo, một người viết văn thời chống Mỹ và cả giai đoạn sau này. Chỉ có thể là may mắn ( do từng thân quen chăng?) mà ông Chủ tịch chính là người viết và người đọc điếu văn này mới lẩy ra được những chi tiết cảm động của một người viết sinh thời luôn đau đáu với nghề?

Chất giọng nhà thơ không hề vống lên mà vẫn cố hữu thứ trầm ấm, rủ rỉ mỗi khi đọc thơ. Giờ đương thư thả xướng lên chuyện nhà văn Trần Hiệp đang ốm nặng mà từng phải gồng mình để hoàn thành cuốn tiểu thuyết ( trong số 15 cuốn tiểu thuyết trong đời văn của mình) về đề tài công nhân để kịp dự một Giải thưởng của Tổng công Đoàn và Hội Nhà văn trước khi nhà văn lên bàn mổ cắt ba phần tư dạ dày ở tuổi đã tám mươi. Rồi có cả trích đoạn nghe rưng rưng về khúc nhôi tất tả của nhà văn, nhà báo Trần Hiệp về hai bà vợ của ông. Và vùng đất Quảng Xương, quê nhà văn cận kề với quê nhà thơ Hồ Zếnh, đã thừa hưởng khí mạch bến đò Ghép thế nào nữa…

Trong vòng vây của giới văn nhân, thi nhân và những cái bắt tay, vỗ vai thành thực như tưởng thưởng với tác giả điếu văn vừa rồi, tôi nghe được những bộc bạch khiêm tốn của nhà thơ rằng, ông chỉ là gặp may thôi!  Rằng cái may ấy có thể  ông cùng vào Hội Nhà văn với nhà văn Trần Hiệp ( năm 1991) và hai người có mối quen biết sau này. Có thể là trước khi mất một tháng,  không biết thật hay chơi, là nhà văn Trần Hiệp đã thân thiết cậy nhờ nhà thơ Nguyễn Quang Thiều sửa soạn cái điếu văn cho mình! Và cũng có thể là như nhà thơ nói vui là suýt làm rể hụt xứ Thanh!

Hậu tang nhà văn Trần Hiệp và điếu văn lần đầu nghe của tân Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều cứ lẩn thẩn chợt nghĩ… Ai đó đã từng nói nhỉ, điếu văn dẫu lâm ly thống thiết thế nào nhưng với nỗi đau mất người thân cũng chỉ an ủi một phần nhỏ nhoi. Vâng dẫu nhỏ nhoi nhưng chả thể thiếu, nhất là với giới viết lách, văn nhân. Điếu văn, chả thể gọi là cho có cho đúng và đủ thủ tục mà là công cụ, phương tiện nhân văn. Người viết đã đang và vẫn tiếp tục xếp hàng vào Hội tất nhiên phải có ít nhiều cái tài. Bởi nghiệt ngã cái định đề, phụ nữ không có nhan sắc ví như nhà văn chẳng có tài vậy! Hình như những sự sốt mến cùng xếp hàng ấy chả phải có vào Hội Nhà văn thì người ta mới viết được, mới sáng tác được? Lại càng chả để cho oai cùng khoe mẽ? Mà để lây lan để liên tục cái sự ấm áp sẻ chia từ lúc sinh thời còn khỏe còn viết cho đến thời điểm rời bỏ cõi tạm này? Mà tiền lệ ấy, ông cựu Chủ tịch Hội nhà văn Hữu Thỉnh đã hàng chục năm tạo nên đó thôi?

Và nữa, chất lượng cùng hiệu ứng của điếu văn phần nào hình như phụ thuộc vào sự sâu sát quan tâm của người đứng đầu của ông chủ sự Hội với các Hội viên của mình? Lại cũng một việc khó, một thách thức với tân Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều.

Hơi bị đặc thù, chưa hẳn là những đặc trưng những riêng có của lao động của sự viết này khác. Mà gần như hai phần ba hội viên, hơn ngàn con người của Hội Nhà văn, đương được coi là cao niên! Vừa ngó qua trang nhà của Hội báo tin nhà văn cao niên Hoàng Bình Trọng (cũng tuổi 85) mới mất.  Mà vừa nãy lại quên chưa kịp hỏi Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều có dự và viết cùng đọc điếu văn không? 

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.