Nguyễn Quang Thiều
Vẽ tranh không để bán
Thiều từng “khai” trên facebook có gần 30 ngàn lượt theo dõi, rằng: Thiều vẽ chân dung chẳng giống người mẫu. “Tài” của Thiều là khả năng vẽ… không giống. Bởi anh chưa từng học vẽ ngày nào. Con đường đến với hội họa của Thiều là con đường của một người đam mê màu sắc: “Năm 2005, tôi có một người bạn ở Cu ba về, anh ấy học văn chương nhưng cũng là họa sĩ. Vì chưa có nhà nên anh gửi toan và màu ở nhà tôi. Một buổi trưa tôi bóp một tuýp màu vàng lên toan. Có lẽ đó là buổi trưa đẹp nên màu vàng rực rỡ. Tôi chợt nghĩ chỉ cần bôi một màu lên toan đã có điều gì đó gợi mở. Thế là tôi vẽ. 5 tháng sau, có triển lãm của các nhà văn cầm cọ, gồm Trần Nhương, Hoàng Minh Tường, Đoàn Lê, Đỗ Minh Tuấn, phát hiện ra tôi vẽ, nên họ mời. Lúc đó tôi mang ra 14 bức, 3 bức mấy bạn bè xin thì tặng. Bán được 10 bức. Số tiền ấy tôi mang về xây cái nhà nhỏ trên quê, khoảng 30 m2, hai tầng, cho bố. Sau đó tôi không bao giờ vẽ nữa, vì nghĩ nghề gì cũng phải học hành nghiêm cẩn”, Thiều kể. Nhưng anh và cọ như được trời se duyên. Bỏ vẽ từ năm 2005 đến năm 2012, có một sự việc đặc biệt xảy ra. Một người bạn của Thiều ở Hà Đông, cũng nằm trong nhóm nhân sỹ Hà Đông, người sưu tầm rất nhiều sắc phong, anh Trịnh Văn Sỹ, mời Thiều đến nhà chơi. Nhà thơ xúc động khi thấy trên tường nhà bạn treo một số bức tranh của mình. Đây là những bức Thiều vẽ khi uống trà ở nhà và bị Thiều “ném vào sọt rác” vì chưa ưng ý. Gần nhà Thiều là nhà của nhà thơ Dương Kiều Minh, ông hay qua Thiều chơi, thấy nhà thơ ném tranh vào sọt rác, người hàng xóm đáng yêu ấy lại nhặt lên, lặng lẽ mang về. Chẳng may Dương Kiều Minh bị ung thư, khoảng một tháng trước khi ra đi, ông gọi Trịnh Văn Sỹ đến và bảo: “Tôi rất quí mến bác Thiều, trân quí tác phẩm của bác ấy. Tôi không sống được nữa, bác giữ lại những bức tranh này”. Dương Kiều Minh đưa lại cho Trịnh Văn Sỹ khoảng 6, 7 bức tranh đã nhặt từ sọt rác. Văn Sỹ mang tranh về treo trang trọng trong nhà. Nghe câu chuyện này, Nguyễn Quang Thiều xúc động, anh nghĩ ngợi rất nhiều về những người bạn và nhen nhóm ý định trở lại cầm cọ. Một ngày đẹp trời, Trịnh Văn Sỹ xây xong nhà thờ, có đề nghị Nguyễn Quang Thiều vẽ tặng anh một bức tranh để treo trong đó. Thiều quyết định vẽ một người thổi sáo với những con chim bồ câu yên bình tặng cho Trịnh Văn Sỹ.
Tranh của Thiều
Những ai yêu mến Nguyễn Quang Thiều có lẽ cũng đều đã đọc tùy bút nổi tiếng về người thổi sáo của ông. Ngay triển lãm cá nhân của Nguyễn Quang Thiều đang diễn ra cũng mang tên người thổi sáo, ông dùng ngay tùy bút ấy thay lời giới thiệu: “Khoảng năm 2000 tôi có một chuyện buồn trong lòng. Lấn cấn mãi không thoát ra được. Một ngày tôi uống cà phê ở quán quen thuộc trong thị xã Hà Đông, khi ấy Hà Đông chưa sáp nhập Hà Nội. Đang uống bỗng có một người thổi sáo mù đi qua, ông đội chiếc nón lá, thổi giai điệu dân ca, ai cho đồng nào, ông nhận đồng ấy. Tôi bảo ông dừng lại, ngồi xuống ghế, thổi cho tôi nghe điệu nào ông muốn thổi nhất. Nhưng ông không ngồi, cứ đứng, thổi xong thì ra đi. Tôi nhận thấy một sự thay đổi trong mình. Tiếng sáo vô tình phá vỡ lớp bụi nào đó, gỡ được mảng tối nào đó trong tâm hồn tôi. Bao nhiêu buồn phiền trong tôi bỗng dưng tan biến. Sau này tôi ngồi chờ ông đi qua nhưng không bao giờ thấy ông trở lại nữa. Đôi khi tôi cứ nghĩ, biết đâu đó là một vị thiền sư hay đạo sỹ nào đó đi qua thổi cho tôi một khúc sáo?”. Thiều nhớ lại. Tôi thắc mắc: “Tại sao anh không có thơ về người thổi sáo?”. Thiều hứa, sang năm 2021 sẽ đặt bút viết tổ khúc về người thổi sáo.
Quay lại hội họa, ngắm 60 bức tranh trong triển lãm “Người thổi sáo” của Thiều, tôi lại hỏi tiếp: “Anh vẽ vì điều gì?”. Thiều đáp: “Vẽ chẳng để làm gì. Nếu để bán thì tôi đã tiếp nối ngay sau năm 2005 nhưng tự thấy, việc đó không phải của mình. Chỉ đến khi Dương Kiều Minh ra đi, để lại những bức tranh của tôi cho Trịnh Văn Sỹ, tôi bị đánh thức. Lúc đó càng vẽ càng thấy con đường tự do mở rộng. Những văn bản văn chương về ngôn ngữ, như thơ, tiểu thuyết, kịch sân khấu, kịch bản phim… mà tôi đã viết, không thỏa mãn được tôi, không giúp tôi bày tỏ hết tâm tình của mình, nên tôi phải dùng đến ngôn ngữ hội họa. Đôi khi đứng trước toan trắng không biết vẽ gì thì tôi mang tập thơ của tôi ra đọc. Những câu thơ vang lên, hình ảnh con đường, cánh đồng hiện ra, gợi cho tôi cảm hứng. Tôi lại vẽ, vẽ theo cách của mình, bằng màu sắc của mình”.
Ký ức mùa hoa cải
Thiều nhắc đến chuyện quê nhà của anh, khiến tôi nhớ đến truyện ngắn nổi tiếng “Mùa hoa cải bên sông”. Thì ra đây là tác phẩm được bắt nguồn từ hiện thực: “Một người lái đò ở làng tôi tên là cô Trinh. Cô ấy mắt kém, người xấu xí, con của một ông lái đò. Xưa, tôi hay đi học qua sông. Cô Trinh quí tôi, chỉ cần nghe tiếng “ơi” thoảng trong gió, trong buổi chiều là cô biết, dù bận gì cô cũng gác lại, xuống bến trèo đò đón tôi. Sau một thời gian cô có thai nhưng không có chồng, gia đình trừng phạt cô rất ghê. Cô Trinh mất sớm, khi còn rất trẻ. Mỗi lần qua sông tôi lại thương nhớ cô”. Câu chuyện về cô Trinh cũng chỉ là một mảng hiện thực giúp Nguyễn Quang Thiều viết “Mùa hoa cải bên sông”. Vẫn còn một hiện thực khác, Thiều được nghe qua lời kể của bà nội: “Ngày xưa, sông Đáy rất nhiều đò dọc. Những chuyến đò dọc ấy chở biết bao gia đình lang thang từ ngày này sang tháng khác, họ đánh cá, cào hến… để mưu sinh. Có một năm dịch bệnh tràn lan, khiến người chết trên đò, họ cập bến lên bờ xin người làng nọ một chỗ để chôn. Người làng không cho vì sợ tà ma nhập vào”. Những câu chuyện ấy cùng với ký ức về mùa hoa cải rực rỡ đã khiến những con chữ tự trào ra, thành “Mùa hoa cải bên sông”.
Quê Thiều trồng nhiều rau cải. Cuối năm vào những ngày nắng hanh, hoa cải vàng rực cả một triền sông dài tít tắp, có một chàng học sinh lạc trong màu hoa ấy và đem lòng nhớ thương. Tranh Thiều nhiều màu vàng, ấy là màu hoa cải. Mẹ Thiều biết con trai yêu hoa cải nên khi Thiều trưởng thành, đã đi làm xa, mẹ vẫn gieo hoa cải trong vườn, lúc nào bà cũng để một vạt cải dài, để chúng già đi, ra nụ kết hoa, khi ấy bà nhắn con trai: “Cải bắt đầu ra hoa”. Người con trai nhận tin nhắn liền trở về. Khu vườn ngày cuối đông, nắng hanh hao, hoa cải rực lên trong vắt. Phải chăng cái màu hoa rực rỡ trong vắt ấy đã biến chàng trai ngày nào thành một thi nhân?
Gia đình Thiều có truyền thống nhận con nuôi. Cha của Nguyễn Quang Thiều có rất nhiều con nuôi. Ông thường dạy các con: Những người gặp khó khăn đến với mình hãy giúp đỡ họ. Nghèo thì giúp theo kiểu nghèo, khá giả giúp đỡ theo kiểu khá giả. Thiều tiết lộ: “Gia đình tôi có anh cả là người bố mẹ tôi nuôi từ khi 2,3 tuổi. Còn một chị nữa. Rồi những người đến trọ học ở nhà tôi, vì xưa kia cả vùng mới có một trường cấp 2, bố mẹ tôi nuôi họ và họ trở thành con nuôi”. Bản thân Thiều cũng có tới 4 người con nuôi.