Cha mẹ đóng tiền làm kế hoạch nhỏ
Ông Nguyễn Văn Hoàng, ở phường 5 (TP Cà Mau) có các con đi học từ tiểu học đến THCS tại TP Cà Mau nói: “Tôi cần liên lạc trực tiếp với nhà trường, với giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn để nắm tình hình học tập con mình nhưng nhà trường không có lịch tiếp cha mẹ học sinh, xin số điện thoại, địa chỉ giáo viên chờ ý kiến”.
Cô giáo chủ nhiệm lớp 7 Trường THCS Nguyễn Thái Bình, phường 5 (TP Cà Mau) chủ trì cuộc họp với cha mẹ học sinh đầu năm học, thông báo: Mức đóng quỹ cha mẹ học sinh 100.000 đồng/người, quỹ của lớp 100.000 đồng/học sinh cả tiền “kế hoạch nhỏ”, 30.000 đồng/học sinh mua giấy kiểm tra...và cha mẹ học sinh mua bảo hiểm y tế cho con mình 100%. Nhà trường quy định làm cho các bậc cha mẹ học sinh phát hoảng, học sinh bị đuổi học từ 3 đến 7 ngày nếu vi phạm trong học tập.
Nhiều cha mẹ học sinh đề nghị thay đổi hình thức đuổi học, vì các em học sinh sẽ không được học, học kém hơn, chán học và bỏ học. Việc tham gia bảo hiểm y tế học sinh, nhà trường phải có trách nhiệm yêu cầu các cơ sở y tế tạo điều kiện cho học sinh khám, chữa bệnh thuận lợi để các em có điều kiện học tập. Các em học sinh làm “kế hoạch nhỏ” là các em lao động, tiết kiệm... để đóng góp nhằm giáo dục học sinh tuổi nhỏ làm việc nhỏ, không phải tiền của cha mẹ làm “kế hoạch nhỏ”.
Nhà mạng nhắm vào trường học
Trong lúc, cha mẹ học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, phường 8 (TP Cà Mau) choáng với các khoản thu vượt quy định hơn 600.000 đồng/học sinh như tiền sơn tường, tiền rèm cửa, mái che, ép giấy khen... thì nhiều trường học ở Cà Mau đang là thị trường tiềm năng của các nhà mạng?
“Sở GD& ĐT Cà Mau có hợp tác với các nhà mạng phát triển thông tin giáo dục. Việc các trường buộc cha mẹ học sinh sử dụng mạng, sim của nhà mạng nào là cách riêng, phải được cha mẹ học sinh chấp nhận”.
Ông Cao Minh Hồng, Phó GĐ Sở GD&ĐT Cà Mau
Trường THCS Nguyễn Thái Bình, phường 5 (TP Cà Mau) thông báo, cha mẹ học sinh tra cứu kết quả học sinh qua mạng internet sẽ được Viễn thông Cà Mau (VNPT Cà Mau) cung cấp địa chỉ và password, chi phí 50.000 đồng/năm.
Ông Lê Văn Sơn, ở phường 5 (TP Cà Mau) nói: “Đầu 2 thứ tóc phải làm quen với internet, mua máy vi tính, vô mạng hay ngồi chung tiệm nét với trẻ con?”.
Cha mẹ học sinh Trường THPT Phú Tân (Cà Mau) được thông báo mua sim viễn thông quân đội (Viettel) với cước phí 40.000 đồng/năm, để được nhận tin nhắn kết quả của con em mình. Ông Nguyễn Tấn Sỹ, ở thị trấn Cái Đôi Vàm (Phú Tân) bức xúc: “Chẳng lẽ có con đi học phải xài sim Viettel, mua thêm máy? Tôi xài sim Vinaphone không được chấp nhận nhận tin nhắn con mình, lãng phí”.
Ông Nguyễn Văn Hiên, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Tân giải thích: “Đó là sổ liên lạc điện tử, thu phí 25.000đồng/năm đối với cha mẹ có sim Viettel, chưa có sim đóng phí 40.000đồng. Việc tham gia hoàn toàn tự nguyện, dựa trên cơ sở hợp đồng giữa Viettel Cà Mau với Sở GD&ĐT Cà Mau”.