Lạm thu đầu năm học: Bệnh cũ nhưng phải có phương thuốc điều trị mới

TPO - Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng, tình trạng lạm thu đầu năm học là "căn bệnh cũ nhưng phải có phương thuốc điều trị mới”.

Hiến kế “tủ sách giáo khoa

Sáng 9/10, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu tập trung làm rõ thực trạng và những giải pháp cấp bách cần thực hiện để phát triển kinh tế - xã hội.

Liên quan đến vấn đề giáo dục, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng, lĩnh vực này thời gian qua có chuyển biến tích cực, triển khai tốt và đảm bảo an toàn cho các kỳ thi.

Lạm thu đầu năm học: Bệnh cũ nhưng phải có phương thuốc điều trị mới ảnh 1

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải.

Theo bà Hải, vấn đề người dân hết sức quan tâm là tình trạng lạm thu đầu năm học. Đây là vấn đề không mới, dù đã có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nhưng trên thực tế vẫn còn diễn ra.

“Dù vấn đề không có gì mới nhưng phải có biện pháp mới, giải pháp mới quyết liệt hơn nữa. Bệnh cũ nhưng phải có phương thuốc điều trị mới”, Trưởng ban Công tác đại biểu nói và đề nghị trong báo cáo Chính phủ cần đề cập thêm vào những việc đã làm được, chưa làm được ra sao.

Về sách giáo khoa, theo Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải, chủ trương đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đang được thực hiện tốt, nhưng vấn đề hiện nay là mỗi học sinh khi chuyển trường, có thể thay hoặc mua mới sách giáo khoa.

Qua tìm hiểu, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho biết, không kể sách tham khảo, khoảng hơn 300 nghìn đồng mỗi bộ sách giáo khoa. Đây là khoản kinh phí lớn với bà con vùng sâu, vùng xa.

Bà Nguyễn Thanh Hải đề nghị triển khai giải pháp “tủ sách giáo khoa” ở vùng sâu, vùng xa, để các cháu khi chuyển trường không phải mua, mà có thể mượn sách ở “thư viện” này.

“Bão lụt xảy ra, trẻ em miền xuôi muốn ủng hộ sách cũng khó vì không biết sử dụng loại sách giáo khoa nào”, bà Hải cho hay.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đánh giá cao kết quả thực hiện phát triển kinh tế xã hội, dù năm 2024, Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như hỏa hoạn, bão lũ, thiên tai.

“Việc hoàn thiện thể chế trong thời gian qua đã đem lại hiệu quả cao, góp phần quan trọng để các ngành kinh tế mũi nhọn phát triển nhanh, bền vững”, ông Vinh nhận định.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục lấy ví dụ, ngành du lịch của Việt Nam “đã hồi phục và phát triển rất nhanh” sau đại dịch. Đây là minh chứng rõ nét cho việc hoàn thiện thể chế của nước ta theo hướng linh hoạt, hiệu quả.

Lạm thu đầu năm học: Bệnh cũ nhưng phải có phương thuốc điều trị mới ảnh 2

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: QH

Thúc đẩy các "đầu tàu" tăng trưởng

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều bất ổn, đẩy áp lực tăng giá các hàng hóa trong nước, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.

Mặc dù vậy, chúng ta cũng đã dành nguồn tiền lớn để thực hiện cải cách chính sách tiền lương, được thế giới đánh giá cao, tăng lương chưa từng có mà vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô.

Thống nhất các giải pháp Chính phủ đưa ra, ông Định cũng lưu ý đến việc hoàn thiện thể chế, sớm đưa các luật đã ban hành đi vào cuộc sống. Cùng với đó, cần thúc đẩy các "đầu tàu" tăng trưởng như Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, cũng như các tập đoàn kinh tế lớn.

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, với tổng cộng 14/15 chỉ tiêu đạt được trong thời gian qua, là điều đáng mừng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội từ 6,8 - 7% rất khả quan.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, thời gian qua, dù đã áp dụng chính sách tăng lương đáng kể, nhưng giá các mặt hàng chưa tăng nhiều, cũng là một điều rất đáng mừng. Tới đây, cần thực hiện tốt hơn nữa việc đảm bảo nguồn cung ổn định cho các mặt hàng thiết yếu.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, việc ban hành văn bản chi tiết hướng dẫn thực hiện luật vẫn còn hạn chế, cần khắc phục. Nhiều địa phương vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn là quá chậm, Chính phủ cần phải quyết liệt việc này.

Trong đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần ngăn chặn tình trạng “lũng đoạn” thị trường bất động sản đang diễn ra gần đây. Theo Chủ tịch Quốc hội, nhu cầu về nhà ở của người dân rất lớn nhưng do giá lên cao nên khó tiếp cận.

“Nhiều nơi, nhà ở thương mại được xây nhưng không có người ở cũng là một vấn đề cần phải xem xét, tìm hướng giải quyết. Bên cạnh đó, việc nhiều dự án về đất đai tại các địa phương bị ách tắc cần phải có hướng giải quyết hiệu quả”, ông Trần Thanh Mẫn lưu ý.

MỚI - NÓNG