> Dùng vốn ưu đãi để 'phá băng' BĐS?
> Toàn cảnh kế hoạch giải cứu BĐS
Dùng nhà mua làm tài sản thế chấp
Độc giả Nguyễn Văn Kiên đưa ra cách mua nhà dùng chính ngôi nhà đang mua làm tài sản thế chấp. Với cách làm này, bên bán nhà cũng yên tâm vì khi cần thiết có thể lấy lại nhà đã bán nếu người mua không thể trả được tiền nhà.
Giá bán nhà = giá gốc hàng hóa + lợi nhuận phù hợp + lãi suất trả chậm (đề xuất theo lãi suất tiền gửi của ngân hàng).
Với cơ cấu giá như thế này, giá bán nhà có thể lùi về mức thấp nhất có thể vì đã giảm trừ được chi phí ngân hàng.
Về vốn đối ứng, không yêu cầu phải thanh toán trước hoặc nếu có thì chỉ phải thanh toán trước một khoản vừa phải (đề xuất khoảng tối đa 20%).
Với phương thức trả trước như thế này, người mua nhà có thể không cần vốn đối ứng hoặc chỉ cần khoản vốn đối ứng vừa phải là có thể có đủ điều kiện để mua nhà.
Phương thức thanh toán sẽ theo tháng, theo quý hoặc theo năm (đề xuất trong khoảng từ 5 đến 15 triệu đồng/tháng, tùy cấp nhà).
Với phương thức thanh toán này, người mua nhà có thể sử dụng tiền thuê nhà hàng tháng (khoảng 3 đến 5 triệu đồng/tháng) và chỉ cần bù thêm một khoản tiền nữa là có thể thanh toán tiền mua nhà hàng tháng. Tài sản bảo đảm sẽ chính là căn nhà đang mua.
Giải pháp trên có thể giúp các công ty kinh doanh bất động sản (hoặc người có bất động sản cần bán) có thể bán được hàng, giảm áp lực hàng tồn kho, phần nào khơi thông nguồn vốn đóng băng.
Trong khi người có nhu cầu thật sự về nhà ở nhưng có thu nhập thấp có thể mua được nhà, có nhà để sử dụng, có thể tận dụng tất cả các nguồn lực của mình để thanh toán tiền mua nhà.
Tuy nhiên, giải pháp này cũng cần phải lưu ý một số vấn đề như: Các công ty kinh doanh bất động sản không phải là các tổ chức tín dụng nên không thể nhận tiền lãi trả chậm theo phương thức thông thường được. Vì vậy, lãi trả chậm sẽ được tính toán minh bạch và sẽ được cộng vào giá bán.
Do bên mua nhà sẽ thế chấp bằng chính tài sản mua được nên cần có cơ chế pháp lý để đảm bảo quyền lợi của người bán nhà. Cụ thể, cần có cơ chế pháp lý cho phép các bên có thể ký hợp đồng mua bán nhà cùng lúc với ký hợp đồng thế chấp nhà.
Người mua nhà cần được giao nhà để sử dụng nhằm tiết kiệm chi phí thuê nhà, tạo điều kiện tập trung vào thanh toán tiền mua nhà hàng tháng.
Với phương thức trên, độc giả Kiên cho rằng, hoàn toàn khả thi để những gia đình có thu nhập khoảng từ 10 triệu đồng trở lên có thể mua nhà.
Dùng đất ở quê đổi đất thành phố
Độc giả Datnguyen203 thì lại đưa ra phương án dùng đất đổi đất, kéo đất từ xa về gần Hà Nội.
Độc giả này cho biết: “Thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng tôi hiện nay chỉ khoảng 20 triệu và chúng tôi đã có hai bé. Vì vậy, hai vợ chồng tôi hầu như không tiết kiệm được thêm từ khoản lương hàng tháng”.
Tháng 10/2011, độc giả Datnguyen203 được bố mẹ chia cho một khoản tiền là 450 triệu từ tiền bán đất ở quê. Sau 2 tháng gửi tiết kiệm số tiền đó để tìm nhà, độc giả này nhận thấy nếu cứ tiếp tục đi làm và mong chờ số tiền 450 triệu cộng thêm thu nhập hàng tháng thì mua nhà ở thủ đô là không thể.
Theo đó, anh bắt đầu tìm hiểu bạn bè để gia tăng khoản tiền tiết kiệm của mình. Tới thời điểm tháng 10 năm nay, số tiền tiết kiệm đó đã tăng lên đáng kể, khoảng 720 triệu do đầu tư đúng chỗ, đúng cách.
“Nếu số tiền chưa đủ để mua nhà, hãy tạm gác lại ý định đó. Trong trường hợp có thể vay được vốn ngân hàng để mua nhà đi nữa thì khoản nợ phải trả ngân hàng hàng tháng, hàng năm sẽ khiến chúng ta phải vất vả nhiều năm sau đó” độc giả này khuyên.
Không ai biết trước được thu nhập lương hàng tháng của mình có ổn định như mình dự tính hay không. Nếu có biến cố gì trong công việc, thu nhập sụt giảm thì khả năng lại phải bán lại căn nhà vừa mua được do vốn vay ngân hàng là rất cao.
Cách khả thi hơn, hãy tìm cách dùng đất đổi đất, kéo đất từ xa về gần Hà Nội. Với 600 triệu đã có cộng với khoản tiết kiệm từ lương của hai vợ chồng sau 6 tháng nữa, bạn có 700 triệu, hoàn toàn có thể tìm mua những mảnh đất hoặc nhà ở xa trung tâm chẳng hạn.
Nếu thiếu tiền, bạn có thể vay thêm anh em, họ hàng vài chục triệu cho đến 100 triệu rồi trả dần. Cách này vẫn tốt hơn rất nhiều lần đi vay ngân hàng bạn nhé. Tôi ước tính với 800 triệu, bạn hoàn toàn có thể đầu cơ đất và bán lại ngay khi có lãi.
Giá nhà đất ở khu trung tâm Hà Nội có thể đóng băng nhưng ở ngoại thành và các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh... có thể không gặp tình trạng như vậy.
Mua nhà với lương 7 triệu đồng/tháng
Còn theo độc giả Lê Minh, chị có mua được 2 căn hộ, 1 căn ở Hà Nội, 1 căn ở TP.HCM với đồng lương 7 triệu đồng/tháng.
Tôi không phải là doanh nhân, song nhờ chăm chỉ và tiết kiệm, tôi đã có nhà và đất ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Chỉ cần không ngại khổ, suy tính cẩn thận và sống tiết kiệm, bạn sẽ có được điều bạn muốn. Độc giả Lê Minh |
Để có tiền mua nhà, chị Minh sống rất tiết kiệm, chỉ chi tiêu cho con và gia đình. Ngoài ra, chị làm thêm nhiều việc để có tiền như viết thuê dự án, vẽ thuê, thiết kế, phân tích thông tin để mua - bán vàng.
Khi có tiền tích lũy, chị Minh vay thêm ngân hàng để mua đất. Ban đầu, chị mua miếng đất có giá trị nhỏ, khi có lời, chị lại bán đi v.v…
"Chưa bao giờ tôi để đủ tiền mới mua tài sản. Thường gần đủ tiền, tôi sẽ vay thêm ngân hàng rồi sau đó trả nợ dần hàng tháng. Cứ như thế, tôi dần tích lũy được", chị Minh tâm sự.
Đến nay, hơn 20 năm ra trường, dù chưa phải là giàu, song chị Minh có đủ tiền để nuôi con, có thể cho con đi du lịch, cho con học đầy đủ, có 2 căn nhà (1 căn 4 tầng ở khu đô thị của Hà Nội, 1 căn ở TP.HCM), có đất ở Hà Nội …
"Tôi không phải là doanh nhân, song nhờ chăm chỉ và tiết kiệm, tôi đã có nhà và đất ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Chỉ cần không ngại khổ, suy tính cẩn thận và sống tiết kiệm, bạn sẽ có được điều bạn muốn", chị Minh chia sẻ.
Không được vội vàng
Độc giả có nickname Heaventa thì cho rằng, vấn đề quan trọng là không được vội vàng khi “tay không mua nhà”.
Theo độc giả này, bước đầu tiên là phải tiết kiệm số tiền mình kiếm được hàng tháng, tỷ lệ tối thiểu là 10% số tiền kiếm được, đa phần mọi người đều làm ngay được bước này, dù họ chỉ là một cán bộ công chức hay một chuyên gia kỹ thuật cao cấp, hay một người công nhân lao động bình thường, một số người làm công (của các tập đoàn lớn hoặc các công ty liên doanh) có mức thu nhập cao có thể có mức dành dụm đến 40% - 50% tiền lương, những người làm chủ các cơ sở kinh doanh nhỏ hoặc các chủ doanh nghiệp thì mức dành dụm còn cao hơn nữa trên mức thu nhập lợi nhuận của họ.
Sau đó, dùng số tiền tiết kiệm này tái đầu tư để sinh ra các nguồn thu nhập mới một cách thụ động (tức là các khoản thu nhập tự động sinh đẻ ra theo thời gian mà không cần người chủ đầu tư phải bỏ sức lao động), mức dành dụm tiết kiệm càng cao thì dòng thu nhập thụ động sẽ càng ngày càng lớn.
Có nhiều cách để có dòng thu nhập này, từ đơn giản đến phức tạp, từ quy mô rất nhỏ đến quy mô rất lớn, và dù cách nào và quy mô nào thì cũng đòi hỏi yếu tố thời gian, không có cách nào làm giàu cực nhanh và dễ dàng cả.
“Đây là bước làm ai cũng có thể làm được, nhưng vẫn có một số người bị thất bại bởi sự thiếu kiên nhẫn cũng như căn bệnh muốn “làm giầu cực nhanh”, họ không chịu “chờ đợi”, độc giả này nhấn mạnh.
Sau khi đã có dòng thu nhập này và mức lợi nhuận ổn định thì nên tìm các dự án nhà giá rẻ, tùy theo túi tiền mà lựa chọn diện tích phù hợp. Nên mua nhà chung cư đóng làm nhiều đợt để chia nhỏ lượng tiền phải đóng.
Theo Châu Anh
VTC News