Bám sát những vấn đề Quốc hội, dư luận xã hội quan tâm
Kiểm toán Nhà nước (KTNN) ngày 14/6 đã tổ chức cuộc họp cho ý kiến về định hướng Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2024 và công tác rà soát kết luận, kiến nghị kiểm toán, phục vụ phiên giải trình tới đây của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội.
Phát biểu chỉ đạo, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, năm 2024 sẽ không tăng số cuộc kiểm toán; các đơn vị cần tham mưu đề xuất các nhiệm vụ kiểm toán đảm bảo đúng, trúng, đồng thời chủ động cân đối nguồn lực để tham gia, thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm toán, đảm bảo chất lượng kiểm toán.
Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn phát biểu tại cuộc họp |
Ông Tuấn cũng yêu cầu các đơn vị kiểm toán thống nhất nhận thức về định hướng, nguyên tắc trong tiếp cận chủ đề, nội dung kiểm toán để xây dựng kế hoạch, đề xuất cuộc kiểm toán, trong đó bám sát những vấn đề được Quốc hội, cử tri, dư luận xã hội quan tâm; bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao để đề xuất nội dung kiểm toán phù hợp, trong thẩm quyền và không tăng số cuộc kiểm toán so với năm 2023.
Về vấn đề nhân sự tham gia Đoàn kiểm toán, Tổng KTNN yêu cầu các đơn vị chủ động sắp xếp nhân lực cho phù hợp, linh hoạt, song phải đảm bảo chất lượng để tham gia kiểm toán; cân đối nguồn lực giữa nhiệm vụ kiểm toán với các nhiệm vụ khác của đơn vị và của Ngành.
Hiện KTNN đã dự thảo báo cáo về việc thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN đối với niên độ Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, 2020 và năm 2019 trở về trước để phục vụ phiên giải trình “Việc thực hiện kết luận, kiến nghị KTNN đến hết niên độ NSNN năm 2021” sắp tới.
Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán năm 2022 đối với niên độ NSNN năm 2021 (đến ngày 10/4/2023) cho thấy: Kiến nghị xử lý tài chính, xử lý khác 71.605 tỷ đồng.
KTNN đã kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 260 văn bản pháp luật sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn. Qua kiểm toán, KTNN đã phát hành 172 báo cáo kiểm toán có kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với nhiều tập thể, cá nhân liên quan đến các tồn tại, hạn chế phát hiện qua hoạt động kiểm toán.
Tổng hợp các kết luận, kiến nghị của KTNN niên độ NSNN năm 2020, KTNN đang theo dõi, đôn đốc gồm: Kiến nghị xử lý tài chính, xử lý khác 66.963,7 tỷ đồng; KTNN đã kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 198 văn bản pháp luật sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn.
Qua kiểm toán, KTNN đã phát hành 95 BCKT có kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân.
Làm rõ trách nhiệm các bên liên quan
Đáng lưu ý, kết quả kiểm tra việc thực hiện kiến nghị kiểm toán cho thấy, các kiến nghị về xử lý tài chính, xử lý khác được thực hiện bình quân khoảng 75-80% cho năm liền kề năm kiểm toán và tiếp tục thực hiện trong các năm tiếp theo với tỷ lệ khoảng 15-20% số kiến nghị còn lại mỗi năm.
Qua rà soát, phân tích đối với các kiến nghị xử lý tài chính, xử lý khác chưa thực hiện tính đến 31/12/2022 cho thấy, nhóm nguyên nhân thuộc trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán là 44.972,7 tỷ đồng, chiếm tới 57,4%, gồm: Đơn vị chưa thực hiện các thủ tục liên quan để thực hiện kiến nghị của KTNN; Đơn vị được kiểm toán chưa thực hiện kiến nghị của KTNN…
Nhóm nguyên nhân chưa thực hiện do trách nhiệm của bên thứ 3 là 17.732 tỷ đồng chiếm 22,63 %, gồm: Chờ phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền Vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quá trình thực hiện kiến nghị của KTNN; do nhà thầu không hợp tác, phối hợp thực hiện kiến nghị của KTNN, còn có tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu…
Dự thảo báo cáo cũng đưa ra 9 nhóm giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu lực thực hiện kết luận và kiến nghị kiểm toán.
Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, đây là dịp nhìn lại chất lượng kết luận, kiến nghị của KTNN của toàn ngành cũng như của từng đơn vị. Ông Tuấn yêu cầu các đơn vị tiếp tục rà soát, nhằm đảm bảo đến 30/6/2023 hoàn thành việc rà soát việc thực hiện kết luận, kiến nghị KTNN đến hết niên độ NSNN năm 2021.
“Việc rà soát phải đảm bảo số liệu chính xác, tìm ra nguyên nhân và giải trình được sự khác nhau trong số liệu báo cáo của KTNN và các địa phương, đơn vị được kiểm toán; đồng thời phân loại từng nhóm tồn tại, nguyên nhân, đề xuất giải pháp làm rõ trách nhiệm các bên liên quan đối với các kết luận, kiến nghị của KTNN chưa được thực hiện”, ông Tuấn nêu rõ.