Làm rõ hơn “sở hữu toàn dân”

Việc sửa đổi Bộ luật Dân sự phải phù hợp với Hiến pháp 2013
Việc sửa đổi Bộ luật Dân sự phải phù hợp với Hiến pháp 2013
TP - Bộ luật Dân sự ra đời năm 1995, sửa đổi bổ sung năm 2005. Hai mươi năm qua, cuộc sống đã có rất nhiều thay đổi. Các chế độ sở hữu phong phú hơn với sở hữu cá nhân được tôn trọng. Nền kinh tế nhiều thành phần được khẳng định mặc dù kinh tế quốc doanh vẫn giữ vai trò chủ đạo. Truyền hình và internet phát triển nhanh đến chóng mặt khiến các quyền bí mật đời tư trở nên mong manh hơn... Những vấn đề từ thực tế cuộc sống yêu cầu Bộ luật Dân sự phải được sửa đổi.

“Sở hữu toàn dân” trong Bộ luật Dân sự

Điều 172 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Trên cơ sở chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, các hình thức sở hữu bao gồm sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, sở hữu chung, sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, sở hữu của tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội -
nghề nghiệp”.

Dễ thấy quy định trên đây chưa rõ ràng. Thật khó để chỉ ra sự giống nhau - khác nhau giữa “chế độ sở hữu” với “hình thức sở hữu”. Tương tự, cũng thật khó để chỉ ra sự giống nhau - khác nhau giữa “sở hữu toàn dân” với “sở hữu nhà nước”. Nhiều chuyên gia nhận xét: Với quy định như tại Điều 172 Bộ luật Dân sự 2005, rất khó phân định các hình thức sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức xã hội thuộc chế độ sở hữu toàn dân, hay thuộc chế độ sở hữu tập thể? Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân; vậy sao không thống nhất sử dụng thuật ngữ “sở hữu toàn dân” mà phải có thêm khái niệm “sở hữu nhà nước”?

Khi những khái niệm cơ bản chưa được định nghĩa rạch ròi, sẽ rất khó làm rõ các vấn đề tiếp theo. Và khi Bộ luật Dân sự (một trong những bộ luật chung của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật) chưa rõ ràng, sẽ rất khó xây dựng các luật chuyên ngành (như Luật Đất đai, Luật Khoáng sản, Luật Phát triển và bảo vệ rừng, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước…) bảo đảm tính rõ ràng và thống nhất giữa chúng. Người dân hy vọng những khái niệm “chế độ sở hữu”, “hình thức sở hữu”, “sở hữu toàn dân”, “sở hữu nhà nước” sẽ được làm rõ trong đợt sửa đổi Bộ luật Dân sự lần này. Việc sửa đổi trước hết phải phù hợp với Hiến
pháp 2013.

“Sở hữu toàn dân” trong Hiến pháp

Điều 53 Hiến pháp 2013 quy định: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Từ quy định này, có thể thấy tất cả các tài sản lớn nhất, quý nhất, liên quan mật thiết đến sự sinh tồn của dân tộc Việt Nam đều thuộc sở hữu toàn dân. Vì vậy, làm rõ khái niệm “sở hữu toàn dân” là để bảo vệ quyền sở hữu đối với tài sản của quốc gia và từ đó bảo vệ quyền sở hữu tài sản của mọi công dân Việt Nam.

Vẫn theo Điều 53 Hiến pháp 2013, cần khẳng định chủ “sở hữu toàn dân” không đồng nhất với chủ “sở hữu nhà nước”. Quan hệ giữa “toàn dân” và “nhà nước” là quan hệ đại diện, và chế định đại diện đặc biệt này được quy định bởi Hiến pháp và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Theo đó, toàn dân ủy quyền cho nhà nước quản lý tài sản của họ; đương nhiên, toàn dân vẫn giữ quyền quyết định, nhà nước phải quản lý tài sản theo ý chí, nguyện vọng của toàn dân, vì lợi ích của toàn dân.

Làm rõ “sở hữu toàn dân” cũng là để bảo đảm quyền chính trị của các công dân Việt Nam. Toàn dân có quyền kiểm tra, giám sát việc quản lý tài sản thuộc sở hữu toàn dân của Nhà nước. Chẳng hạn, trong lĩnh vực kinh tế, mỗi công dân đều có quyền và nghĩa vụ thể hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc tham gia quản lý, giám sát nguồn vốn thuộc sở hữu toàn dân trong các doanh nghiệp có vốn nhà nước, qua đó thúc đẩy phát triển khối doanh nghiệp có vốn nhà nước, và rộng ra là thúc đẩy sự phát triển của cả nền kinh tế.

Theo nhiều chuyên gia, cần thống nhất một khái niệm, đó là “sở hữu toàn dân”, thay vì có thêm khái niệm “sở hữu nhà nước”. Và theo Hiến pháp 2013, cần khẳng định rõ: Nhà nước không phải là chủ thể của quyền sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân; Nhà nước là Người đại diện cho toàn dân để thực hiện quyền quản lý tài sản này.

MỚI - NÓNG