Làm rõ hành vi 'đưa nhận hối lộ' vụ đánh bạc nghìn tỷ

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa
Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa
TPO - “Chúng tôi đề nghị trong thời gian tới, cơ quan tiến hành tố tụng cần đẩy nhanh tiến độ giải quyết giai đoạn hai của vụ án đánh bạc nghìn tỷ để làm rõ hành vi đưa và nhận hối lộ”, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa phát biểu tại phiên thảo luận ở Quốc hội sáng 4/11.

Còn nhiều vụ án lớn dư luận nghi ngờ

Đại biểu Hoa đánh giá cao khi vừa qua nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được điều tra khám phá và đưa ra truy tố, xét xử, đáp ứng được công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Đáng lưu ý, một số vụ án đã được cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh được yếu tố tham nhũng, yếu tố chiếm đoạt hay nói cách khác là chứng minh được hành vi đưa và nhận hối lộ để xử lý nghiêm minh. Điển hình như vụ ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn bị khởi tố về tội Nhận hối lộ với số tiền rất lớn lên tới hàng triệu đô la Mỹ.

“Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp Việt Nam, các bị cáo trong một vụ án thừa nhận hành vi nhận hối lộ số tiền lớn đến như vậy. Điều này cho thấy, các cơ quan tiến hành tố tụng đã có nhiều cố gắng trong việc đấu tranh, thuyết phục để các bị cáo thừa nhận hành vi”, đại biểu đánh giá.

Tuy nhiên, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp cho rằng, trên thực tế vẫn còn nhiều vụ án lớn mà dư luận nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng nhưng cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được hành vi đưa và nhận hối lộ nên phải xử lý về tội phạm kinh tế, hoặc các tội khác như tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ hoặc tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

“Phải nói rằng việc chứng minh này là việc làm cực kỳ khó khăn vì các đối tượng thường tìm mọi cách che giấu hành vi và việc đưa và nhận hối lộ là rất khó chứng minh. Đa phần chỉ chứng minh qua phạm tội quả tang mà khó chứng minh qua án truy xét. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng khó nhưng không phải là không làm được”, bà Hoa cho hay.

Đại biểu viện dẫn, vụ án Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và các đồng phạm trong quá trình bị điều tra về các tội như Đánh bạc, Tổ chức đánh bạc, Rửa tiền, còn bị khởi tố về hành vi Đưa hối lộ và sau đó đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ ra quyết định đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự về tội Đưa hối lộ do được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước. Như vậy, lời khai về việc đưa hối lộ vẫn còn đó.

Đáng lưu ý, trong vụ án này lại không có bị cáo nào bị truy tố, xét xử về tội Nhận hối lộ. Chính vì vậy, tại phiên phúc thẩm, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã kiến nghị tiếp tục điều tra làm rõ lời khai về việc Đưa hối lộ. Đến nay, kiến nghị này vẫn chưa có kết quả thực hiện. Theo bà Hoa, việc chậm trễ này đã làm cho dư luận bức xúc và cho rằng việc xử lý tham nhũng vẫn còn chưa nghiêm, chưa triệt để. Đồng thời, dư luận cũng băn khoăn đặt câu hỏi phải chăng hành vi đưa và nhận hối lộ khó chứng minh hay còn có nguyên nhân chủ quan nào khác?

“Chúng tôi đề nghị trong thời gian tới, cơ quan tiến hành tố tụng cần đẩy nhanh tiến độ giải quyết giai đoạn hai của vụ án này để làm rõ hành vi đưa và nhận hối lộ”, bà Hoa nêu.

Đề cập đến việc áp dụng hình phạt đối với các bị cáo phạm tội tham nhũng, đại biểu Hoa dẫn báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trong năm 2019, Tòa án các cấp đã xét xử 279 vụ với 614 bị cáo phạm các tội tham nhũng. Các Tòa án sơ thẩm đã tuyên phạt tù chung thân 10 bị cáo, xử phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm đối với 23 bị cáo.

Các Tòa án đã áp dụng hình phạt tương đối nghiêm khắc, tuy nhiên, báo cáo cũng thừa nhận: “Một số hạn chế trong quá trình giải quyết các vụ án chưa được một số Tòa án khắc phục triệt để như áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chưa chính xác”.

“Theo chúng tôi đây là một trong những hạn chế mà ngành Tòa án cần quan tâm để khắc phục triệt để trong thời gian tới, nhất là trong thời gian vừa qua dư luận cho rằng một số vụ án tham nhũng lớn, khi mà hành vi phạm tội đã được chứng minh, một số bị cáo đã nộp lại rất nhiều tiền thì được cơ quan điều tra đề nghị cho hưởng “chính sách hình sự đặc biệt”.

Chúng tôi cho rằng bất cứ người nào đã thực hiện tội phạm thì phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình. Trường hợp thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng, tự nguyện khắc phục hậu quả, thì sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật, thậm chí có thể được áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ.

Tuy nhiên, chúng tôi đề nghị cơ quan điều tra làm rõ cái gọi là “chính sách hình sự đặc biệt”. Bởi chính sách này vừa không rõ về nội hàm, không được quy định trong bất cứ văn bản pháp luật hình sự và tố tụng hình sự nào. Nếu muốn thực hiện cần quy phạm hoá để quy định rõ trường hợp nào được áp dụng, đối tượng áp dụng và nếu được áp dụng thì được hưởng những gì. Có như vậy mới bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và sự công bằng trong việc áp dụng chính sách hình sự”, đại biểu Hoa nêu.

Bài học về quản lý kinh tế

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa đồng tình với kiến nghị của Ủy ban Tư pháp là đề nghị Chính phủ giao Tổng Thanh tra Chính phủ tổng kết, đánh giá, chỉ rõ nguyên nhân, rút ra những bài học về quản lý kinh tế - xã hội, quản lý cán bộ để đề ra giải pháp khắc phục, phòng ngừa tham nhũng trong thời gian tới.

“Đúng là qua những vụ án lớn đã được phát hiện, xử lý, bên cạnh những bài học về công tác cán bộ, bài học về tính liêm chính thì một bài học nữa cần rút ra là bài học về quản lý kinh tế”, đại biểu cho hay.

Theo bà Hoa, đã đến lúc chúng ta cần phải rà soát lại xem cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật cho những lĩnh vực liên quan đã đúng và phù hợp chưa, có bị sơ hở và có dễ bị lợi dụng không. Ví dụ như có những chính sách về đất đai, đã có thời gian chúng ta vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Có những việc, triển khai có tính chất thí điểm, mà về mặt nguyên tắc đã làm thí điểm thì chỉ áp dụng đối với một số đối tượng nhất định, trong một khoảng thời gian nhất định và không nên làm đại trà ngay.

Sau đó, phải tiến hành sơ kết, tổng kết, cái gì tốt, có hiệu quả thì tiếp tục làm và nhân rộng, cái gì còn hạn chế thì sửa đổi cho phù hợp rồi mới được làm tiếp. Đồng thời, công tác thanh tra, kiểm tra phải tiến hành thường xuyên liên tục. Chấn chỉnh ngay những sai phạm khi đang còn ở trong giai đoạn nguy cơ, không để đến khi sự việc xảy ra nghiêm trọng mới phát hiện và xử lý.

Bà Hoa cho rằng, nếu không làm được như vậy, có khả năng xảy ra một số hệ lụy, như một số cá nhân có thể lợi dụng những khe hở của pháp luật để tạo ra những lợi ích nhất định cho bản thân hoặc cho một nhóm người nào đó. Điều này có thể thấy rõ qua một số vụ án tham nhũng liên quan đến đất đai xảy ra trong thời gian vừa qua ở TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng.

Hai là, có tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định, đẩy những những người thực hiện rơi vào tình trạng làm thế nào cũng được, nhưng đến khi các cơ quan chức năng vào cuộc tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thì thường bị xem là sai phạm. Chưa nói đến yếu tố vụ lợi, ngay cả với người trung thực, ngay thẳng, nếu rơi vào tình huống đó cũng có thể vi phạm do pháp luật quy định không rõ ràng.

Ba là, sau một số vụ án lớn như vậy còn có thể dẫn đến hệ lụy, người ta không dám làm gì, không dám quyết gì, không dám tham mưu, đề xuất gì cả, cứ đóng băng lại hết, vì làm là sợ vi phạm hoặc có làm thì rất dè dặt.

Cuối cùng, xử lý nghiêm tội phạm tham nhũng là rất tốt, nhưng sẽ là tốt hơn nếu chúng ta có những biện pháp phòng ngừa từ xa, từ gốc rễ vấn đề có thể nảy sinh tham nhũng. Đấy mới là giải pháp căn cơ. “Theo tôi, đây là bài học lớn nhất cần rút ra qua việc xử lý các vụ án tham nhũng lớn”, đại biểu Hoa nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG