Làm rõ căn cứ dự báo 'tham nhũng năm 2018 sẽ giảm'

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga
TPO - Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần làm rõ hơn căn cứ đánh giá về tình hình tham nhũng trong năm 2017 và căn cứ dự báo tình hình tham nhũng năm 2018 sẽ tiếp tục giảm.

Tham ô, nhận hối lộ nhiều lĩnh vực

Ngày 19/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017, báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án…

Thẩm tra báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2017 của Chính phủ, Uỷ ban Tư pháp đánh giá, tình hình tham nhũng vẫn diễn ra “nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi”, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý, sử dụng đất đai. Tình hình tham nhũng năm 2018 được dự báo “sẽ tiếp tục có dấu hiệu giảm”.

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần làm rõ hơn căn cứ đánh giá về tình hình tham nhũng trong năm 2017 và căn cứ dự báo tình hình tham nhũng năm 2018 sẽ tiếp tục giảm.

Uỷ ban Tư pháp cũng chỉ ra một số trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi hoặc chiếm đoạt tài sản của người dân, doanh nghiệp, trong đó có trường hợp là phóng viên báo chí, lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, hải quan, một số cán bộ, công chức còn có dấu hiệu tiếp tay, bảo kê cho doanh nghiệp.

Uỷ ban thẩm tra nêu ví dụ điển hình như một số vụ phóng viên nhận tiền của doanh nghiệp ở Yên Bái; phóng viên cưỡng đoạt tài sản ở Đăk Lăk, Cần Thơ; CSGT Công an TP. HCM nhận hối lộ của nhiều xe ô tô vi phạm Luật giao thông đường bộ tại khu vực đường vào sân bay Tân Sơn Nhất, sau đó không lập biên bản, không ra quyết định xử lý; 7 cán bộ thanh tra giao thông, thuộc Sở GTVT Cần Thơ bị xét xử về hành vi nhận hối lộ hơn 4 tỉ đồng, hay vụ cán bộ Cục Hải quan TP Hà Nội tham ô 156 kg ngà voi đang lưu giữ trong kho tang vật.

Tổng kiểm tra công tác bổ nhiệm trên cả nước 

Theo cơ quan thẩm tra, nếu như trước đây, tình trạng “lợi ích nhóm”, “sân sau” mới chỉ là nghi ngờ của dư luận cử tri nhưng qua một số vụ án lớn được đưa ra xét xử gần đây, qua kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra T.Ư cho thấy những nghi ngờ của dư luận cử tri là có căn cứ. Vì thế tới đây cần tập trung phát hiện, xử lý, phòng ngừa đối với tham nhũng dưới hình thức “lợi ích nhóm”, “sân sau”.

Cũng theo nhận định của cơ quan thẩm tra, việc tự phát hiện tham nhũng vẫn là khâu rất yếu; Số vụ, việc tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử còn ít, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng; tiến độ xử lý một số vụ, việc còn để kéo dài. Có dấu hiệu của việc “hành chính hóa” quan hệ hình sự, “hình sự hóa” quan hệ hành chính trong xử lý hành vi tham nhũng.

Việc xử lý người có hành vi tham nhũng, người bao che cho hành vi tham nhũng và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng trong nhiều trường hợp chưa nghiêm dẫn đến tình trạng “nhờn luật”; Việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng vẫn chưa đạt chỉ tiêu được Quốc hội giao.

Uỷ ban Tư pháp đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần xây dựng quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của mọi người trong toàn xã hội; tiếp tục hoàn thiện các quy định về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, nhất là các nội dung kiểm tra, giám sát, xác minh việc kê khai, tránh nhiệm giải trình việc tăng, giảm tài sản, các khoản chi tiêu, giao dịch có giá trị lớn; quy định rõ chế tài xử lý đối với người kê khai tài sản không trung thực…

Bên cạnh đó, Chính phủ cần chỉ đạo tổng kiểm tra về công tác bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước để trả lời dư luận cử tri về tình trạng bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không đúng quy định, bổ nhiệm lãnh đạo nhiều hơn công chức, bố trí người thân vào những vị trí dễ phát sinh tham nhũng.

MỚI - NÓNG