Mức 3% vượt quá mục tiêu lạm phát 2% do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đề ra. Lần cuối cùng Nhật Bản ghi nhận mức lạm phát 3% là vào năm 1991.
Theo Sputnik News, giá cả ở Nhật Bản đã tăng trong 13 tháng liên tiếp, chủ yếu do tăng giá năng lượng – mặt hàng mà Nhật Bản phải nhập khẩu với số lượng lớn và do tỷ giá hối đoái giữa đồng yên với đô la Mỹ giảm mạnh.
Hôm 20/10, giá trị của 1 đô la Mỹ đã vượt mốc 150 yên Nhật lần đầu tiên kể từ năm 1990. Sáng 21/10, con số này dao động trong khoảng 150,14 đến 150,17 yên đổi 1 đô la Mỹ.
Theo một cuộc thăm dò do Tokyo Shoko Research tiến hành, việc tỷ giá hối đoái giảm sâu đang gây bất lợi cho các công ty Nhật Bản. Ở mức 143 yên/đô la Mỹ, hơn 54% công ty Nhật Bản thừa nhận rằng hoạt động kinh doanh đang chịu tác động tiêu cực. Chỉ 2,5% số công ty tham gia khảo sát nói rằng tỷ giá hối đoái thấp có lợi cho hoạt động kinh doanh của họ.
Nguyên nhân chính khiến đồng yên tiếp tục giảm giá là do sự khác biệt mạnh mẽ trong cách tiếp cận của các ngân hàng trung ương Mỹ và Nhật Bản đối với chính sách tiền tệ.
Giá trị đồng yên đã giảm liên tục kể từ mùa hè, nhưng đà giảm đã tăng tốc vào tháng 9, khiến chính phủ phải can thiệp và bơm tiền để mua vào 2,8 nghìn tỷ yên sau khi tỷ giá hối đoái giảm xuống 145,9 yên/đô la Mỹ.
Kể từ đầu năm đến nay, nhiều quốc gia - trong đó có Nhật Bản, đã phải đối mặt với tình trạng lạm phát gia tăng, một phần do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga về hoạt động quân sự của nước này ở Ukraine.