Biết giúp đỡ người yếu thế
Khi được MC đề nghị chia sẻ những câu chuyện riêng của bản thân đã làm được, khiến bạn vui, nhiều cánh tay giơ lên. Phía dưới hội trường, một em học sinh lớp 7 ở Bắc Từ Liêm vui vẻ kể: “Em luôn nỗ lực học giỏi và đạt được nhiều kết quả tốt trong các cuộc thi. Em rất tự hào về điều đó. Nhưng điều em thấy hạnh phúc nhất là từ 2 năm nay, em tham gia cùng một đoàn thiện nguyện vào các bệnh viện hát cho các bệnh nhi nghe, giúp các bạn ấy xoa dịu nỗi đau. Thấy các bạn bị bệnh nặng, suốt ngày phải tiêm, lại không được đến trường em thương lắm”. Cả hội trường vỗ tay hưởng ứng, cổ vũ cho một hành động đẹp.
Phạm Hiếu Thảo, Trường THCS Hồng Hà, Đan Phượng chia sẻ, các bạn trong Liên đội cũng tổ chức nhiều chương trình thiện nguyện giúp đỡ người nghèo, các bạn có hoàn cảnh khó khăn. “Bọn em thường thu gom giấy vụn, ve chai, tiết kiệm tiền tiêu vặt để gây quỹ. Những việc làm đó tuy nhỏ nhưng chúng em ai cũng thấy vui. Vì đã phần nào thực hiện lời Bác Hồ dạy: Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/Tùy theo sức của mình”, Hiếu Thảo bộc bạch.
Ngô Mai Anh, học sinh trường THCS Chu Văn An, cứ cuối tuần lại kêu gọi các bạn đạp xe vòng quanh Hà Nội để bảo vệ môi trường. “Tuổi nhỏ nhưng nếu có tình yêu thực sự với Hà Nội, các bạn vẫn có thể làm được nhiều việc có ích. Đơn giản như không vứt rác bừa bãi, không nói bậy, chửi tục, hay ra đường gặp người lớn chào hỏi, thể hiện thái độ thân ái với khách du lịch nước ngoài cũng là những hành động làm cho Hà Nội đẹp hơn”, Mai Anh nhắn nhủ.
Giúp bạn, bảo vệ môi trường
Nguyễn Trung Kiên, học sinh lớp 8A, Trường THCS An Dương (Tây Hồ) có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Mẹ Kiên đi xuất khẩu lao động xa nhà nhiều năm. Mình bố Kiên nuôi 2 anh em ăn học và bà nội đã ngoài 90 tuổi. Dù khó khăn, nhưng Kiên luôn nỗ lực từng ngày để học tốt và làm một người tốt. Trong nhiều năm liền, Trung Kiên là học sinh giỏi toàn diện, liên tục được vinh danh là chỉ huy đội giỏi của quận và thành phố. Sau mỗi buổi học, Kiên thường ở lại trường tập hợp những bạn học lực còn kém để kèm cặp. Nhiều bạn trong trường nhờ sự giúp đỡ của Kiên mà tiến bộ rõ rệt.
Phí Đăng Long là một trong những học sinh cá biệt trong lớp Kiên. Kiên kể, những ngày đầu mới vào lớp, Long mải chơi, kết quả học không tốt. “Em bắt chuyện làm thân với Long rồi rủ Long tham gia học nhóm với mình. Sau một thời gian học chung, Long tiến bộ rõ rệt. Hai năm trở lại đây, Long là học sinh giỏi của lớp”, Trung Kiên hào hứng nói.
“Em bắt chuyện làm thân với Long rồi rủ Long tham gia học nhóm với mình. Sau một thời gian học chung, Long tiến bộ rõ rệt. Hai năm trở lại đây, Long là học sinh giỏi của lớp”.
Nguyễn Trung Kiên, học sinh lớp 8A, Trường THCS An Dương, Tây Hồ
Không dừng lại ở đó, mấy năm nay, Kiên còn tham gia dọn dẹp vệ sinh, dạy thêm cho các em nhỏ tại lớp học tình thương dành cho trẻ em khuyết tật trên địa bàn quận Tây Hồ. Ngoài ra, Kiên và Liên đội của mình đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Bản thân Kiên cũng là người rất tích cực tham gia các phong trào Kế hoạch nhỏ, thiếu nhi chung tay tiết kiệm… “Những việc em làm chỉ đơn giản, nhỏ thôi nhưng em thấy mình sống có ý nghĩa hơn khi chung tay mang lại niềm vui, hạnh phúc cho những người xung quanh”.
Tạ Hằng Nga, học sinh lớp 6A, Trường THCS Nguyễn Văn Huyên, Hoài Đức (Hà Nội), lại có cách làm khác. Nga là cô bé đam mê các điệu chèo. Nhận thấy khu vực mình sinh sống, rác rưởi còn bị vứt bừa bãi, ý thức bảo vệ môi trường của mọi người còn kém, Hằng Nga sáng tạo một cách tuyên truyền bảo vệ môi trường vô cùng độc đáo. Đó là hát những điệu chèo, kết hợp đọc ráp chứa đựng nội dung bảo vệ môi trường. “Nếu chỉ hát chèo riêng thôi chắc ít người thích nghe, nhưng em chế thêm đọc ráp, hầu hết các bạn thích thú mê như điếu đổ, cứ bắt em hát cho nghe suốt. Vì thế, những nội dung tuyên truyền bảo vệ môi trường dễ vào lòng người một cách tự nhiên”, Nga chia sẻ.
Từ những bài hát của Nga đã tạo nên sự thay đổi đặc biệt. Các bạn nhỏ ở địa phương Nga đã có ý thức giữ gìn môi trường. “Đặc biệt, cứ thấy ai xả rác ra đường là các bạn ấy tự tay nhặt rác, miệng hát bài hát tuyên truyền bảo vệ môi trường. Bài hát cứ thế được tuyên truyền rộng rãi trong người dân. Dần dần người lớn cũng bắt tay làm cùng”, Nga nói.