Nếu không… tò mò hỏi kỹ, lân la tìm hiểu thì vừa mất đi một đề tài hay, vừa thiếu trách nhiệm của người làm báo.
Tò mò chuyện con nít, giải nỗi lo lớn trên trường
Một sáng tháng 9, trong lúc ngồi trò chuyện về việc học hành của con khi bước vào năm học mới, anh bạn kể con anh và một số bạn trong lớp mấy bữa nay cứ phải nghỉ 2 tiết, đợi bạn học tiếng Anh do giáo viên nước ngoài dạy xong mới học tiếp.
Tôi thắc mắc, giáo viên nước ngoài dạy, tốt quá, sao lại không học? Mới hay đó là môn ngoại khóa, được trường hợp đồng với trung tâm ngoại ngữ bố trí giáo viên sang trường dạy. Phụ huynh và trò đăng ký tự nguyện, trường không ép.
“Nhưng nếu không học, thì các em về chứ đợi gì nữa?”, tôi lại tò mò. Anh bạn mới bảo trường bố trí hai tiết ngoại khóa này chèn ngang vào giờ học môn chính khóa, giống như đang xem phim mà có quảng cáo chạy ngang, phải đợi hết quảng cáo mới được xem tiếp.
Thấy vô lý, tôi bắt đầu tìm kiếm thông tin, gọi điện một số trường và phụ huynh, mới hay câu chuyện chẳng đơn thuần chỉ là không đăng ký học thì ngồi chơi đợi bạn.
Tôi gọi cho một phụ huynh, cả nhà chị đang căng thẳng và xót con vì cháu bé đi học về òa khóc, bảo giờ học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài, những bạn đăng ký học được cô phát sách vở học, còn con chị chưng hửng. “Cháu nó tủi thân, cảm giác như phân biệt đối xử, kêu không muốn đến trường nữa”, chị buồn bã.
Một phụ huynh khác thì bức xúc khi tới tiết học môn ngoại khóa, con chị lại phải ra khỏi lớp. Trong khi đó là giờ chính khóa, nhà trường “chèn sóng” làm ảnh hưởng, mất quyền lợi của học sinh.
Học bán trú, nghĩa là buổi sáng lên học 2 tiết, “ngồi không” đợi bạn học xong 2 tiết, rồi ăn cơm nghỉ trưa, tới chiều mới được học 2 tiết chính khóa rồi về. Nếu không có 2 tiết ngoại khóa này, các em đã hoàn thành 4 tiết chính khóa trong buổi sáng và tan trường.
Càng tìm hiểu mới hay rất nhiều phụ huynh bất bình vì việc chèn môn ngoại khóa đã ảnh hưởng tới giờ học, tâm lý của các cháu không nhỏ. Các trường cũng thừa nhận có tổ chức dạy tiếng Anh với giáo viên nước ngoài và bị phụ huynh phản ứng.
Rà lại các văn bản chỉ đạo của Sở GD&ĐT, Sở yêu cầu “chỉ được tổ chức cho học sinh học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài theo hình thức xã hội hóa ngoài giờ học chính khóa, không chèn vào thời khóa biểu chính khóa”.
Vậy mà nhà trường bất chấp, để bao học trò phải chịu ấm ức, tủi thân. Phụ huynh cũng rơi vào tình cảnh tréo ngoe, bởi có gia đình khó khăn không có tiền cho con theo học, có nhà đã đăng ký cho con học ở trung tâm bên ngoài.
Vụ chặn xe cứu thương 0 đồng vào chở thi thể tại Đà Nẵng khiến dư luận phẫn nộ |
Thời điểm đó, tại Đà Nẵng, chưa có báo nào phản ánh vấn đề này. Liên hệ với Sở GD&ĐT, tôi cũng nhận được câu trả lời vòng vo. Ngay trong chiều hôm đó, Tiền Phong đưa bài phản ánh đầu tiên “Chèn môn học xã hội hóa vào buổi chính khóa, trò lủi thủi ra ngoài nhìn các bạn học”.
Ngay ngày hôm sau, Sở GD&ĐT đã có văn bản thông tin cụ thể cho báo chí về việc này. Nội dung nhấn mạnh các trường chỉ được tổ chức ngoài giờ học chính khóa, không chèn trong thời khóa biểu chính khóa, nghiêm cấm các trường gợi ý, ép buộc học sinh tham gia. Việc tổ chức phải đảm bảo quyền lợi học tập, an toàn và phù hợp tâm, sinh lí học sinh…
Khi có văn bản này, các trường tổ chức sai đã lập tức dừng học môn ngoại khóa lại. Giờ học chính khóa đã trả về đúng chỗ. Vậy là những học trò non nớt cấp Tiểu học hết những buổi vật vờ tủi thân đợi bạn, hết cảm giác như bị “tách” ra khỏi lớp. Phụ huynh cũng an lòng khi con không phải đối mặt với những xáo trộn tâm lý, cảm xúc ở trường.
Và đặc biệt hơn, khi Tiền Phong thông tin liên tục sự việc này, không ít giáo viên trải lòng rằng đây không chỉ sai mà còn không hiệu quả, thậm chí có giáo viên nước ngoài còn không nhiệt tình.
Mặt khác, nhiều thầy cô đáng ra kết thúc tuần dạy vào sáng thứ 6 thì nay bị đùn ra cả buổi chiều, làm lỡ dở biết bao kế hoạch của họ. Nhưng không một ai dám gọi phản ánh trực tiếp với báo chí, vì sợ bị đì, tẩy chay, xếp loại và đánh giá thấp…
Hỏi tới nơi, viết tới cùng
Chắc hẳn bạn đọc còn nhớ vụ “Nhân viên trung tâm pháp y chặn xe chở thi thể” ở Đà Nẵng gây bức xúc. Một buổi chiều, tôi nghe tin có vụ chặn xe cứu thương. Lân la hỏi nhiều nguồn tin, thì ra đó là xe đến chở thi thể đang nằm tại Trung tâm pháp y TP Đà Nẵng, nạn nhân là cô bé quê tận Hải Dương, bị tai nạn và tử vong trên tuyến đường ven biển Đà Nẵng. Lúc này mọi thông tin vẫn đang mập mờ, nhất là chỉ một chiều từ phía người nhà nạn nhân.
Tôi gọi cho Giám đốc Trung tâm pháp y, không nghe máy. Gọi Sở Y tế, cũng không được. Tìm mãi mới có số của một bác sĩ là trưởng kíp trực hôm xảy ra vụ việc, vị này xác nhận.
Đúng như lời người nhà nạn nhân kể, khi nghe tin dữ, cả nhà khăn gói từ Hải Dương vào Đà Nẵng, đến trung tâm pháp y nhận thi thể. Nhưng vừa tới nơi thì bị nhân viên tên D, chặn lại, đòi chuyển 14 triệu đồng chi phí khám nghiệm tử thi vào tài khoản.
Khi tôi liên hệ với tài xế lái xe cứu thương 0 đồng hôm ấy, anh kể lại toàn bộ vụ việc bị chặn xe, gây gổ ra sao. Và xót xa nhất, là câu chuyện trên quãng đường từ Đà Nẵng về đến Hải Dương. Người nhà kể với anh chạy vạy được mấy chục triệu để mua vé máy bay bay vào Đà Nẵng, mua quan tài, chi phí khâu may tử thi, khâm liệm… Xong xuôi hết trong túi chỉ còn vỏn vẹn hơn 300 ngàn. Vậy mà xe 0 đồng tới, bị chắn ngang, ép đi xe dịch vụ 16 triệu. Tài xế cũng phải thốt lên: “Đừng làm tội thêm người khác lúc khó khăn, mất mát nữa”.
Lúc bối rối cả nhà vội chuyển tiền, đến sau mới biết khoản này không phải do gia đình chi trả. Nhà khó khăn, họ phải nhờ các nơi liên hệ giúp một xe cứu thương 0 đồng tới chở thi thể về, nhưng xe tới thì ông D này chặn lại, gây gổ, đóng cửa không cho xe vào. Nhân viên này còn yêu cầu phải dùng xe dịch vụ tại đây với giá 16 triệu đồng.
Những thông tin ban đầu sau khi kiểm chứng, xác minh đã được Tiền Phong đăng trên online, khi đa số các báo đều chưa có.
Vụ việc gây bức xúc, phẫn nộ, với trách nhiệm của người làm báo, tôi thấy nếu chỉ dừng lại ở đây, thì vụ việc có thể chìm xuồng, và nhân viên kia hay những người vô lương tâm khác sẽ tái diễn hành vi này.
Tôi tiếp tục hỏi Sở Y tế, hỏi lãnh đạo thành phố về vụ việc, cách xử lý.
Sau loạt bài phản ánh của Tiền Phong, nhân viên trung tâm pháp y đã bị cơ quan xử lý. Nhân viên này cũng gọi cho người nhà để xin lỗi.
Trách nhiệm của người làm báo, không chỉ là đưa cái tin ban đầu và kết thúc, mà cần phải đeo bám, làm rõ, phơi bày, đấu tranh đến tận cùng với cái sai, để những người vi phạm và cơ quan chức năng không thể làm ngơ hoặc chối bỏ trách nhiệm.
Sau phản ánh của Tiền Phong, giờ học tổ chức sai quy định, ngang nhiên trong môi trường học đường đã dừng lại. Kết thúc chuỗi ngày ấm ức, bất bình mà không dám lên tiếng của rất nhiều học trò và thầy cô.