Năm 2024 sẽ bứt phá
Kết thúc năm 2023, dù tăng trưởng GDP dừng ở mức 5,05%, thấp hơn mục tiêu đề ra, nhưng xu hướng phục hồi vẫn tiếp diễn, ngày càng rõ nét. “Kinh tế Việt Nam là điểm sáng của kinh tế thế giới”, khẳng định này được Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh tại hội nghị tổng kết Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa qua. Dự báo năm 2024 tiếp tục khó khăn và có thể khó hơn năm 2023, nhưng không khí đổi mới sáng tạo những ngày đầu năm đã tạo động lực, truyền cảm hứng với niềm tin năm 2024 sẽ đạt kết quả cao hơn năm trước.
Ngay từ những ngày đầu năm mới, Chính phủ ban hành 2 nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội. 2024 được xem là năm bứt phá để thực hiện thành công kế hoạch 5 năm 2021-2025. Ngày đầu tiên của năm mới tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) chính thức khởi công. Hệ thống đường cao tốc trục Bắc - Nam dần hoàn thiện, tổng chiều dài cao tốc cả nước gần 1.900km.
Việt Nam có lợi thế về lực lượng lao động trẻ trong phát triển kinh tế. Ảnh: Như Ý |
Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, tăng trưởng toàn cầu 2024 tiếp tục chậm lại, GDP thế giới có thể tăng 2,4%, đánh dấu năm thứ ba liên tiếp giảm tốc. Trong bối cảnh ấy, WB dự báo, tăng trưởng GDP Việt Nam cao hơn đáng kể mức trung bình toàn cầu, sẽ đạt khoảng 5,5%, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, chỉ thấp hơn Philippines (5,8%). Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, GDP năm 2024 của Việt Nam dự kiến tăng 5,8%, đứng thứ hai trong khu vực. Quỹ VinaCapital đánh giá, kinh tế Việt Nam sẽ trở nên mạnh mẽ hơn trong năm 2024, nhờ sản xuất phục hồi, tâm lý người tiêu dùng được cải thiện. Theo đó, VinaCapital kỳ vọng, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tăng lên 6 - 6,5%.
“Trong nội tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy đầu tư tư nhân đang ở mức rất thấp. Cùng với đó, xu hướng chững lại trong chi tiêu của người tiêu dùng. Đây là những yếu tố cần thời gian để phục hồi. Thị trường bất động sản cũng gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần có nhiều chính sách để hỗ trợ các lĩnh vực này”.
Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cấp cao của WB tại Việt Nam
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6% trong năm 2024. Ngân hàng UOB (Singapore) cũng đưa ra dự báo ở mức 6%. Tại diễn đàn kịch bản kinh tế Việt Nam 2024, ông Suan Teck Kin, Giám đốc điều hành khối Nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu (UOB) dự báo, một số động lực tăng trưởng chính như xuất khẩu, thu hút FDI có triển vọng tươi sáng. Việt Nam được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu, đang ở vị thế tốt để tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). “Hiện nay, Việt Nam có lợi thế về lực lượng lao động trẻ, tiếp thu công nghệ nhanh; tuy nhiên, cần khai phá thêm các lợi thế cạnh tranh khác bởi sẽ sớm phải đối mặt với già hoá dân số. Cụ thể, Việt Nam nên xác định các lĩnh vực thế mạnh muốn tập trung thu hút FDI, từ đó có chiến lược và giải pháp phù hợp”, ông Suan Teck Kin khuyến nghị.
Khai thác các động lực mới
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, chuyên gia UOB khuyến nghị Việt Nam đầu tư nhiều hơn cho giáo dục và khoa học công nghệ. Hiện, Việt Nam là một trong những quốc gia dành ít ngân sách cho các hoạt động giáo dục, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng, tay nghề của người lao động.
GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cho rằng, năm 2024, dự báo những “làn gió ngược” sẽ giảm, tuy nhiên tất cả các con số dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước, các khu vực đều thấp hơn năm 2023. Trong khi đó, Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6% - 6,5%, cao hơn năm 2023. “Điều đó cho thấy chúng ta cần nỗ lực rất lớn mới có thể đi ngược lại xu thế”, ông Cường nhận định. Theo đó, nếu Việt Nam chỉ trông chờ vào kinh tế thế giới, hay nguồn lực xuất khẩu, thì khó có thể vượt lên, đi ngược với xu thế chung.
Nhấn mạnh vai trò thu hút đầu tư, ông Cường cho rằng, năm 2024 có lẽ là cơ hội hiếm có, không lặp lại, cần tranh thủ để chớp lấy. Chính sách để thu hút các nhà đầu tư vào nước ta chưa đủ, mà cần đồng hành với họ; Đặc biệt, cần cải cách mạnh về thể chế, tạo ra môi trường pháp lý, tạo cơ hội chứ không phải tháo gỡ”. Ngoài các động lực mới, GS.TS Hoàng Văn Cường cũng lưu ý rằng không thể bỏ qua các động lực tăng trưởng bấy lâu nay - đầu tư công. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm không dừng lại ở đầu tư cốt lõi về hạ tầng giao thông, mà cần chuyển đổi mạnh mẽ sang các lĩnh vực về hạ tầng khác, khoa học công nghệ, chuyển đổi số.
Để tạo đà tăng trưởng cho năm nay, chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh, cần củng cố, làm mới các động lực tăng trưởng hiện hữu, chú trọng cơ cấu lại nền kinh tế sau giai đoạn dài chùng xuống vì đại dịch, chậm trễ xử lý doanh nghiệp, dự án yếu kém. “Quan trọng hơn, cần phát huy, khai thác các động lực tăng trưởng mới, đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế, nhất là hướng dẫn thực hiện các luật đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, tổ chức tín dụng, các luật sửa đổi khác, cơ chế hỗ trợ trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu…”, ông Lực kiến nghị.