Làm giàu trên đất quê hương

Làm giàu trên đất quê hương
Bằng quyết tâm cùng với sự cần cù, hai chàng trai miền Tây Quốc Nở và Thiện Tâm đã gầy dựng sự nghiệp ngay tại mảnh đất quê hương trong khi nhiều bạn bè cùng trang lứa phải kiếm việc xa quê.

Làm giàu trên đất quê hương

> Ông chủ trẻ 'chân đất' vươn tầm quốc tế

Bằng quyết tâm cùng với sự cần cù, hai chàng trai miền Tây Quốc Nở và Thiện Tâm đã gầy dựng sự nghiệp ngay tại mảnh đất quê hương trong khi nhiều bạn bè cùng trang lứa phải kiếm việc xa quê.

Nhờ thương hiệu “Nở phóng lúa”, Nở được bà con tín nhiệm nên đặt hàng gặt lúa khi vào vụ thu hoạch - Ảnh: Phi Long
Nhờ thương hiệu “Nở phóng lúa”, Nở được bà con tín nhiệm nên đặt hàng gặt lúa khi vào vụ thu hoạch. Ảnh: Phi Long.

Lập nghiệp với một con bò mẹ và một bê con mua từ 5 triệu đồng vay năm 2006, chàng trai đất Bến Tre Nguyễn Quốc Nở (sinh 1982) bây giờ đã có gia tài với 1ha nuôi tôm, hơn 10ha lúa và một dàn máy làm nông nghiệp.

Quyết không rời quê

Ở ấp An Khương A, xã An Điền, huyện Thạnh Phú (Bến Tre), Quốc Nở được nông dân ở đây gọi bằng tên thân mật “Nở phóng lúa”. “Thằng Nở phóng lúa thì ngon phải biết. Bà con ở đây rất yên tâm vì thằng nhỏ làm rất nhiệt tình” - bác Hai, một nông dân ở đây, giải thích.

Tốt nghiệp THPT, phần đông bè bạn của Nở lên TP học đại học, đi làm công nhân, chỉ còn số ít quyết ở lại bám lấy nghề nông nối nghiệp gia đình, trong đó có Nở. Nhà nghèo, anh em đông nên làm chung ruộng với cha mẹ không giúp chàng thanh niên có sự nghiệp riêng.

Anh tìm đến Ngân hàng chính sách vay 5 triệu đồng để có tiền nuôi bò. Từ những con bò đầu tiên, Nở tích lũy tiền lời mua máy xới đất, rồi tiến tới máy gặt đập. Tiếng lành đồn xa, thương hiệu “Nở phóng lúa” giúp chàng trai Bến Tre liên tiếp nhận được “đặt hàng” của bà con gần xa. Cũng từ những đồng vốn đó, Nở mở rộng sang việc nuôi tôm, cua và đang thu hoạch hơn 10ha lúa mỗi năm.

Cũng giống như Nở, gia đình của Trần Thiện Tâm (sinh 1986) ở xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới (An Giang) gắn bó với đồng ruộng hơn ba đời nay. Tâm kể: “Càng lớn tôi càng quan tâm hơn đến việc làm nông của gia đình, đặc biệt là nỗi vất vả của cha khi những chiếc máy liên tục trở chứng khiến việc cày cấy chậm lại.

Đó cũng là lý do khi tốt nghiệp THPT tôi chọn thi vào khoa chế tạo cơ khí Trường trung cấp Nghề An Giang chứ không lên TP như bạn bè cùng lớp”.

Sau một năm tốt nghiệp cộng với việc đi tìm hiểu thêm về những chiếc máy cày, máy gặt lúa, Tâm bắt tay vào việc mở xưởng ngay tại nhà. Ông Trần Minh Nhân - cha Tâm - nói khi biết con đi tiếp con đường làm nông theo hướng mới rất mừng. “Tui khoái khi nghe nó nói sẽ mở xưởng sửa máy móc và lập nghiệp ở quê” - ông tâm sự.

Khởi sự của Tâm là sửa chữa lỗi của những chiếc máy mà bà con hàng xóm mua dùng làm ruộng nhưng không đạt năng suất cao hoặc hay hư vặt. Đến khi lành nghề, anh tự chế tạo ra những chiếc máy gặt lúa của chính mình với giá thành giảm so với hàng ngoài thị trường. Ông Út Em, một người dân mua máy của Tâm, chỉ nói gọn: “Hàng ngon mà rẻ”.

Tốt nghiệp THPT, Thiện Tâm quyết tâm đi học để về quê lập nghiệp với xưởng sản xuất máy móc phục vụ nông nghiệp. Ảnh: Phi Long
Tốt nghiệp THPT, Thiện Tâm quyết tâm đi học để về quê lập nghiệp với xưởng sản xuất máy móc phục vụ nông nghiệp. Ảnh: Phi Long.

Giúp bạn bè cùng vượt khó

Mỗi lần Nở nhận lời đi gặt lúa cho bà con, anh không quên gọi những người bạn của mình đi làm chung. Anh bí thư chi đoàn ấp đã thành lập hẳn một đội năm anh em cùng chung một tổ làm việc, là những đoàn viên, thanh niên trong ấp. Hơn sáu năm, cả đội gắn bó với nhau như một gia đình nhỏ, chia sẻ cùng nhau công việc và cả những chuyện vui buồn.

Nở nói ngày trước mình cũng tay trắng làm nên, cũng nhờ học hỏi và may mắn nên có được một công việc ổn định cùng sự tín nhiệm của bà con. “Mình đi trước học được bao nhiêu thì chỉ lại cho anh em để cùng nhau mần ăn chứ giấu làm chi”, Nở bảo.

Ngay cả công việc, Nở cùng nhóm thanh niên lập nghiệp trên đất quê chia nhau mỗi người một mảng công việc: người chuyên gặt, đập lúa; người làm máy hút bùn, người làm nghề đánh bắt và cùng hỗ trợ nhau vốn, kiến thức cũng như đầu mối làm ăn cho nhau.

Xưởng của Tâm giờ mỗi năm sản xuất hơn chục chiếc máy phục vụ nhu cầu gặt lúa của bà con trong và ngoài xã với lợi nhuận hơn 100 triệu đồng. Nhưng, theo Tâm cái chính là anh được làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, phục vụ tốt hơn công việc làm nông của bà con và có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm cho bạn bè cùng trang lứa để cùng nhau làm giàu.

Cả Tâm và Nở là hai trong 300 nhà nông xuất sắc vừa được Trung ương Đoàn trao giải thưởng Lương Định Của năm 2012.

Theo Phi Long
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG