Làm gì để có tiền đi phượt khắp thế giới?

Làm gì để có tiền đi phượt khắp thế giới?
Nhiều người hỏi tôi làm thế nào để có tiền đi du lịch khắp thế giới. Liệu có phải tôi trúng số? Hay tôi có cha mẹ giàu có, sẵn sàng trả tiền cho mọi chi phí? Hay tôi có tiền nhờ bán tài sản hoặc đầu tư vào thị trường chứng khoán?

> Bé 9 tuổi đi lậu máy bay 2.400 km - (07/10)

> Những 9X tài năng khiến thế giới nể phục - (07/10)

Sự thật là tôi chỉ làm một công việc bình thường – một công việc mà ít ai nghĩ rằng nó đủ để trang trải chi phí cho một người suốt ngày đi du lịch như tôi. Tôi là dịch giả tự do đã vài năm nay. Và dưới đây là tất cả những thông tin về cách mà tôi đã trở thành một dịch giả tự do, liên tục thay đổi địa điểm.

Mức lương của tôi không có gì đặc biệt so với trình độ học vấn và kinh nghiệm làm việc của mình – như nhiều người sống ở London hay Paris nhận xét. Tuy nhiên, tôi không sống ở London hay Paris. Với mức lương ở một nước phương Tây, bạn hoàn toàn có thể sống tốt ở những quốc gia có chi phí sống rẻ hơn ở châu Âu, châu Á hay Nam Mỹ. Vậy là bạn có thể làm việc ít hơn mà vẫn được tận hưởng cuộc sống ở các quốc gia khác.

Brendan Lewis, chàng trai 31 tuổi gắn bó cuộc đời với những chuyến đi phượt triền miên
Brendan Lewis, chàng trai 31 tuổi gắn bó cuộc đời với những chuyến đi phượt triền miên.

Máy tính là văn phòng làm việc của bạn

Nhiều người làm việc bằng máy vi tính nhưng vẫn phải đến văn phòng. Nếu bạn thuyết phục được ông chủ cho phép bạn làm việc tại nhà, đặc biệt là nếu bạn chịu nhận lương thấp đi một chút (vì không phải mất những chi phí như đi lại), thì bạn hoàn toàn có thể làm việc ở bất cứ nơi nào mình muốn.

Bạn thậm chí có thể đi khắp nơi mà vẫn có một công việc bình thường, miễn là đảm bảo chất lượng công việc. Hãy áp dụng với công việc hiện tại của bạn hoặc tìm một công việc mới, hoặc điều hành công ty của riêng bạn trên đường đi du lịch. Làm việc tự do không khó như bạn nghĩ. Thậm chí, bạn có thể vào danh mục tìm kiếm việc làm dành cho dân du cư.

Tất nhiên là sẽ có nhiều thách thức và mạo hiểm khi chọn cuộc sống này. Nhưng việc bị mắc kẹt với công việc mà bạn không hề thích thú và luôn tự hỏi “nếu mình làm khác… thì sao” thì còn mạo hiểm với sức khỏe của bạn và gây căng thẳng hơn là sống đúng cuộc sống mà bạn mong muốn.

Tất nhiên, có nhiều công việc mà bạn không thể làm việc bằng máy vi tính. Bạn không thể dạy dỗ con cái thông qua Internet hay chăm sóc cha mẹ già yếu bằng một cái click chuột. Nếu công việc của bạn nghiêng về lao động chân tay thì bạn vẫn có thể tìm được việc làm trong lĩnh vực của mình ở một đất nước khác, đặc biệt là nếu ngôn ngữ không phải là rào cản lớn với bạn.

Thậm chí, nếu bạn có gia đình, bạn cũng có thể trở thành dân du mục bằng những chuyến du lịch tuần. Tuy nhiên, một số người từ bỏ ý định thuyết phục người thân rằng kiểu sống này không khó như mọi người vẫn nghĩ, bởi vì có quá nhiều lý do được đưa ra.

Bạn có thể dạy tiếng Anh

Nếu bạn không tìm được một công việc mơ ước, hay một công việc đúng chuyên môn, công việc mà bạn làm tốt nhất nhưng ngôn ngữ bản địa của bạn là tiếng Anh, thì bạn có thể dạy tiếng Anh. Thậm chí, ngôn ngữ bản địa không phải là tiếng Anh thì bạn vẫn có thể dạy nếu bạn sử dụng nó tốt. Đó cũng là một lý do tốt để thuyết phục ai đó thuê bạn.

Bạn không cần phải có bằng cấp chuyên sâu mới có thể dạy tiếng Anh. Bạn hoàn toàn có thể tham gia một khóa học trị giá vài trăm đô la vào dịp cuối tuần và nhận chứng chỉ TEFL (chứng chỉ phương pháp giảng dạy tiếng Anh). Nhiều trường học chấp nhận chứng chỉ này. Tôi từng làm việc cho Viện Wall Street và Berlitz cũng như nhiều trường học khác – những nơi chỉ dựa trên các chứng chỉ này và kinh nghiệm giảng dạy của bạn). Thậm chí, ở nhiều nước, giáo viên tiếng Anh còn được trả cao hơn các công việc khác.

Thậm chí, nếu không có bằng cấp, bạn cũng có thể dạy kèm cho cá nhân bằng cách dán tờ rơi ở các trường đại học, các cửa hàng hay trên các trang rao vặt.

Tôi có một công việc làm qua Internet đã vài năm nay, nhưng trước đó tôi tìm việc mọi lúc mọi nơi khi tôi bước chân đến một quốc gia mới. Tôi từng làm việc trong một nhà nghỉ ở Rome, quản lý một trung tâm yoga ở California, thực tập như một kỹ sư điện ở Paris và tất nhiên là dạy tiếng Anh ở khắp mọi nơi. Đặt chân đến một đất nước khác mà không có nhiều tiền và phải tìm việc thì chẳng bao giờ đơn giản, nhưng với quan điểm và hướng đi đúng, điều đó hoàn toàn có thể làm được, ngay cả trong bối cảnh kinh tế hiện tại.

Tất nhiên, tôi thích công việc làm qua Internet hơn bởi vì tôi có thể làm ở mọi nơi, không cần phải tìm việc mỗi lần di chuyển hay không phải xin visa việc làm.

Brendan Lewis
Brendan Lewis .

Thay vì kiếm nhiều tiền hơn, hãy tiêu ít đi

Hãy tạm quên chuyện “kiếm tiền đô, tiêu tiền rupees”… đi. Mà quan trọng là bạn hãy tiêu ít đi với số tiền bạn có.

Nếu bạn từ bỏ những thói quen nghiện ngập đắt đỏ như hút thuốc, uống rượu bia và tiêu tiền khôn ngoan hơn thì cũng không cần phải kiếm nhiều tiền đến thế. Tôi là người ăn chay và nấu ăn tại nhà bất cứ khi nào có thể, vì thế tôi không cần phải mua các món thịt đắt đỏ (nhất là ở châu Âu) – một lý do lớn giúp tôi cắt giảm ngân sách mua sắm hàng tuần.

Những chuyến bay sẽ không đắt đỏ như bạn nghĩ nếu bạn mua vé sớm hoặc tìm đợt khuyến mại. Nếu bạn bán nhà hay ô tô, bạn cũng sẽ không phải trả tiền bảo hiểm hay chi phí thế chấp hàng tháng. Những thứ buộc tôi phải chi tiền hàng tháng là đồ ăn và tiền thuê nhà.

Chính sách thắt lưng buộc bụng của tôi là để tiết kiệm tiền cho chuyến bay tiếp theo và cho những nhu cầu cần thiết nhất. Ngân sách của tôi đã thay đổi từ khi áp dụng chính sách này, mặc dù tôi vẫn đảm bảo rằng mình đã nhận được những dịch vụ tốt nhất. Nói tiếng địa phương cũng là một cách mặc cả giá tốt nhất khi mua sắm. Nhìn chung, có rất nhiều cách để bạn tiết kiệm tiền khi đi du lịch.

Tất nhiên, cách tốt nhất để tiết kiệm tiền đơn giản là tiêu ít hơn. Bạn có thể sử dụng các trang mạng xin ở nhờ để tiết kiệm tiền nhà. Thay vì mua sách mới, bạn có thể trao đổi sách với người khác, đi nhờ xe để tiết kiệm chi phí.

"8 năm.

416 tuần, gần 3.000 ngày.

Đó là quãng thời gian tôi không có nhà cố định, đi từ nước này sang nước khác, từ nền văn hóa này sang nền văn hóa khác, cứ vài tháng một lần, mang theo tất cả những tài sản mà tôi có. Đó là quãng thời gian quan trọng trong cuộc đời tôi và tôi vẫn đang tiếp tục hành trình này.

Trước đó, tôi đã từng đi du lịch, thường là vào dịp hè ở các bang khác, có lần dành trọn một tháng ở Tây Ban Nha. Trong dịp sinh nhật lần thứ 21 vào năm 2003, tôi rời Ireland. Cách đó vài ngày, tôi tốt nghiệp đại học. Chuyến đi này tôi biết rằng mình chỉ về nhà để “ghé thăm” (tôi chưa từng nhớ nhung những bữa tối Gáng Sinh bên gia đình). Kể từ đó, “bất cứ nơi nào tôi đặt lưng đều là nhà”.

Sau 20 năm đầu đời mài đũng ở trường phổ thông và trường đại học, tôi chẳng học được bất cứ điều gì thực sự quan trọng ở đó. Tôi từng đọc rất nhiều sách và cho rằng mình biết mọi thứ, nhưng sự thật là những điều khiến tôi trở thành một con người như bây giờ là nhờ thời gian 8 năm trải nghiệm trên đường đi. Và tất nhiên tôi vẫn còn rất nhiều điều cần phải học".

Những chia sẻ của Brendan Lewis, chàng trai người Ireland 31 tuổi sau 8 năm đi phượt tính tới năm 2011.

Tính tới bây giờ, Lewis đã có 10 năm chu du khắp thế giới. Theo những chia sẻ trên blog Fluent In 3 Months, anh không có nhiều tiền cho chuyến đi của mình. Lewis làm việc trên đường thông qua Internet và dạy tiếng Anh ở những nơi anh đi qua để có tiền sinh sống. Trang web Fluent In 3 Months cũng là một trang chia sẻ cách học ngôn ngữ do Lewis gây dựng và phát triển nhờ những trải nghiệm của anh ở nhiều nền văn hóa khác nhau.

Theo Nguyễn Thảo
Vietnamnet

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG