Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm 2018, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 9,52%. Dù mức tăng này mới đạt hơn nửa chỉ tiêu năm 2018 nhưng tăng tín dụng là một trong những nguyên nhân đẩy lạm phát lên cao. Hiện nay, lạm phát Việt Nam chịu rất nhiều sức ép. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung làm đồng USD tăng mạnh, khiến Việt Nam phải nhập khẩu lạm phát do nhập khẩu nguyên liệu. Hơn nữa, năm 2019, xu hướng lạm phát toàn cầu đã và đang xuất hiện. Một số quốc gia có lạm phát âm như Nhật Bản, hiện nay đã đạt mức 1%. Giá lương thực, nguyên vật liệu như xăng dầu trên thế giới phục hồi mạnh.
Bối cảnh trong nước, các đợt tăng giá xăng dầu liên tiếp (lần tăng gần nhất ngày 6/10) sẽ khiến lạm phát sẽ tăng mạnh vào các tháng thứ 2, thứ 3 sau khi tăng giá và kéo dài hơn một năm sau. Không những chịu sức ép tăng giá từ xăng dầu thế giới, từ 1/1/2019, Việt Nam áp dụng kịch trần mức thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng này sẽ làm giá xăng dầu lên cao. Bởi đây là mặt hàng thiết yếu, là đầu vào quan trọng của các ngành kinh tế, tác động giá cả của hàng loạt mặt hàng khác.
Trước nguy cơ lạm phát gia tăng, cơ quan chức năng cần tiếp tục kiểm soát tín dụng để chống lạm phát, đồng thời giảm bớt lượng sức ép thanh khoản, thu hẹp chênh lệch tín dụng/GDP. Việt Nam có tốc độ cung tiền rất lớn, trước đây lên tới 20%, hiện nay ở mức khoảng 15-16%/năm. Với tốc độ cung tiền như vậy chỉ 5-6 năm, cung tiền tăng gấp đôi khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế không theo kịp.
Việt Nam đã vượt qua giai đoạn suy giảm và đang lấy lại tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên, chúng ta cần hướng vào tăng trưởng bền vững, thực chất, tránh tăng trưởng dựa quá nhiều vào tín dụng như trước đây. Mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm nay gần như đã đạt được. Vì vậy, chính sách tiền tệ cần chuyển hướng từ hỗ trợ tăng trưởng sang thận trọng với lạm phát, vì sức ép lạm phát là nguy cơ lớn nhất của nền kinh tế trong những tháng cuối năm 2018.
Năm 2018 có thể không cần thúc đẩy tăng tín dụng lên 15-16% như những năm trước, chúng ta có thể tăng ở mức 10% để phòng ngừa lạm phát. Những tháng cuối năm 2018, chúng ta không nhất thiết phải cố gắng thúc đẩy đạt mục tiêu tăng tín dụng 16% sẽ gây rủi ro cho nền kinh tế.
Mặc dù, tăng trưởng của Việt Nam không hề xấu, con số Chính phủ báo cáo đã vượt kế hoạch.
Chúng ta nên phòng ngừa lạm phát bởi nếu để lạm phát xảy ra, rất khó kiểm soát. Khi lạm phát xảy ra, dùng chính sách thắt chặt tiền tệ như tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát phải trả giá rất nhiều. Bởi khi tăng lãi suất sẽ giết chết doanh nghiệp và làm giảm tăng trưởng trong dài hạn.