Mặt trái Bệnh viện công tự chủ tài chính:
Lạm dụng thuốc và kỹ thuật cao
> Quỹ bảo hiểm y tế: Nguy cơ âm hàng nghìn tỷ đồng
> Lương tâm & lương tháng
Giảm hách dịch
Ông Nguyễn Nam Liên- Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, mặt được nổi bật của quyền tự chủ tài chính theo Nghị định 43 là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tăng thu nhập cho cán bộ công nhân viên. Chất lượng khám chữa bệnh thể hiện ở cải cách thủ tục rút ngắn thời gian khám chữa bệnh, giảm tiêu cực, khắc phục thái độ ban ơn, hách dịch từ lâu đã ăn sâu trong một bộ phận cán bộ bác sỹ.
Bộ Y tế cho rằng cơ chế giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính từng bước phát huy tính năng động, khuyến khích và tạo điều kiện cho nhiều đơn vị phát huy các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư, mua sắm trang thiết bị hiện đại, giúp nhân dân được tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật cao ngang tầm các nước có nền y học phát triển.
Nhưng...
Tuy nhiên, mặt trái của cơ chế tự chủ tài chính ở các bệnh viện công lập cũng đã bộc lộ.
Trong hội thảo mới đây về thực hiện cơ chế tự chủ, Bộ Y tế thừa nhận, qua khảo sát 18 bệnh viện, phát hiện có hiện tượng thái quá khi các bệnh viện đằng sau việc đẩy mạnh công tác xã hội hoá, đã mua sắm nhiều trang thiết bị hiện đại. Huy động vốn đầu tư mở rộng các dịch vụ kỹ thuật cao, một mặt, giúp bệnh nhân có cơ hội được khám chữa bệnh với chất lượng tốt hơn song, mặt khác, dẫn đến tình trạng lạm dụng kỹ thuật cao để máy móc đầu tư được nhanh chóng khấu hao. Kéo theo lạm dụng các dịch vụ có mức thu cao, là lạm dụng thuốc, xét nghiệm. Giám đốc một bệnh viện lớn tại Hà Nội thừa nhận “tình trạng lạm dụng thuốc, lạm dụng xét nghiệm làm gia tăng chi phí điều trị của bệnh nhân”. Thu nhập tăng thêm ở các bệnh viện tự chủ dựa vào nguồn thu viện phí trực tiếp cũng đặt ra vấn đề về đạo đức nghề nghiệp. Việc chỉ định xét nghiệm, dịch vụ kỹ thuật cao không cần thiết, hoặc kê đơn thuốc để lấy hoa hồng về bản chất là các hình thức kinh doanh kiếm lợi trên bệnh nhân, một người trong ngành y tế chua xót nói.
Thực hiện tự chủ tài chính cũng làm nảy sinh các tiêu cực khác. Theo phân tuyến của Bộ Y tế, một số kỹ thuật điều trị có thể được thực hiện ở cả tuyến trên và tuyến dưới. Tuy nhiên, do mức thu ở tuyến dưới thấp, chưa bù đắp đủ chi phí, xảy ra tình trạng tuyến dưới chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Điều này không những làm giảm khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của cộng đồng mà còn khiến phí vận chuyển tuyến cao hơn chi phí điều trị tuyến dưới.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, lộ trình đổi mới cơ chế tài chính do ngành y tế đề xuất, xây dựng chia ra thành ba giai đoạn triển khai từ nay đến 2016, chứ không phải thực hiện ngay. Giá các dịch vụ y tế do các bệnh viện đề xuất lên chỉ là giá tham khảo, còn việc đưa ra giá dịch vụ y tế phải do hội đồng thẩm định độc lập, chứ không phụ thuộc giá của các bệnh viện. Việc đổi mới cơ chế tài chính của ngành y tế phải đảm bảo bệnh nhân chấp nhận được và trên tinh thần công bằng trong thụ hưởng dịch vụ y tế. |