Khảo sát của PV Tiền Phong cho thấy, lãi suất của hầu hết ngân hàng đang giảm so với những tháng cuối năm 2022. Trong đó, nhóm Big 4 (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank), lãi suất tiền gửi tiết kiệm cho các kỳ hạn từ 6, 9, 12, 24 tháng dao động 6,0 - 7,4%/năm.
Với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất huy động của một số ngân hàng vượt mức 9%/năm. Tiêu biểu như PVCombank lãi suất tiết kiệm online 9,5%/năm, lãi suất tiết kiệm tại quầy cao nhất chỉ 9,3%/năm. Ngân hàng Saigonbank niêm yết lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng ở mức 9,4%/năm.
Tại kỳ hạn 12 tháng, chỉ còn một số ngân hàng duy trì lãi suất tiết kiệm trên 9% như: KienlongBank, NamABank, DongABank; BaoViet Bank và Bắc Á Bank niêm yết 9,4%/năm; OCB và MSB cùng niêm yết 9,3%/năm.
Trong các kỳ hạn, lãi suất huy động kỳ hạn 12, 18, 24 tháng có mức lãi suất cao nhất. Cá biệt, có ngân hàng niêm yết lên tới 10%/năm như Ngân hàng Đông Á.
Lãi suất huy động giảm, lãi suất cho vay “hạ nhiệt”. Ảnh minh hoạ |
Cùng với việc giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay có dấu hiệu "hạ nhiệt", thanh khoản các ngân hàng cũng thuận lợi hơn.
Ông Nguyễn Khắc Phú (ở Hà Nam) có nhu cầu vay vốn nhập hàng để kịp buôn bán dịp đầu năm mới. Vào thời điểm tháng 11/2022, khi đề xuất vay 100 triệu đồng, ông Phúc phải chờ hơn 1 tháng do thanh khoản ngân hàng căng thẳng. Sang đầu tháng 1/2023, nhân viên ngân hàng gọi điện cho tôi cho biết có thể nhận khoản vay 300 triệu đồng.
“Bước sang đầu tháng 1/2023, nguồn vốn vay ngân hàng dễ dàng hơn giai đoạn cuối năm 2022. Lãi suất cho vay cũng giảm dần. Khoản vay của tôi có lãi suất gần 12%/năm”, ông Phú cho biết.
Với nhu cầu vay vốn mua ô tô cá nhân, anh Lê Xuân Đức (Long Biên, Hà Nội) cho biết, bước sang đầu năm 2023, nhân viên showroom ô tô chào mức lãi suất giảm từ 1-2%/năm (tuỳ từng ngân hàng) so với cuối năm 2022. Theo anh Đức, tháng 10/2022, lãi suất vay mua ô tô của một số ngân hàng vượt mốc 14%/năm, tuy nhiên đầu năm 2023 giảm xuống khoảng 13%/năm.
Trước đó, trong cuộc họp với Hiệp hội ngân hàng, đại diện ngân hàng đồng thuận cam kết đưa lãi suất huy động về không quá 9,5%/ năm (tính cả khuyến mãi).
Cuối tháng 12/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước gửi văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng đối với nền kinh tế, hạn chế tối đa rủi ro kỳ hạn. Trong đó, tập trung cấp tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao); các động lực tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Thủ tướng (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu); xây dựng khu công nghiệp; cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân.