Thanh khoản căng
Vụ phát hành chứng chỉ tiền gửi với kỳ hạn dài từ 5 – 7 năm đi kèm mức lãi suất lên tới gần 9% của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) khiến các ngân hàng và người gửi tiền nhớn nhác. Với kỳ hạn 7 năm, chứng chỉ tiền gửi của Sacombank có lãi suất lên tới 8,88% năm; còn kỳ hạn 5 năm lên tới 8,48%/năm - được xem là cao nhất thị trường thời điểm hiện tại.
Liên tục những ngày gần đây, cập nhật thị trường ngân hàng của các công ty chứng khoán như HSC, SSI, BVSC, MBS… đều nhắc tới lãi suất ngân hàng có dấu hiệu tăng và thanh khoản đôi khi “thiếu” một cách khó hiểu (thể hiện qua lãi suất trên thị trường liên ngân hàng chỉ giảm nhẹ sau Tết rồi lại đột ngột tăng). Bản tin của HSC cuối tuần đã chỉ ra: Từ đầu năm tới nay, các ngân hàng nhóm cổ phần Nhà nước huy động vốn với lãi suất cao nhất là 6,5- 6,8%/năm với các kỳ hạn dài, còn nhóm cổ phần lớn, có thanh khoản tốt cũng chỉ huy động ở quanh vùng 7 – 7,5%/năm. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng nhỏ huy động vốn cao nhất quanh 8%/năm.
Tin từ BVSC (Cty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt) nhấn mạnh: Sức ép tăng lãi suất trong năm nay sẽ lớn hơn so với năm 2016. “Trong khi thanh khoản hệ thống ngân hàng không quá dư thừa, mặt bằng lãi suất huy động đã có sự nhích nhẹ tại khá nhiều ngân hàng thương mại, (nhóm có quy mô vừa và nhỏ như: Oceanbank tăng lãi suât kỳ hạn 6 tháng, 11 tháng, 12 tháng lên mức 7,3%/năm; OCB tăng lãi suất huy động lên cao nhất ở mức 7,8%...)”, BVSC cho biết.
Sức ép bủa vây
Theo một lãnh đạo cao cấp của NHNN, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 2/2017 đạt xấp xỉ 2% so với cuối năm ngoái, trong khi cùng kỳ năm 2016 và 2015, mức tăng này chỉ quanh 0,6%. Cơ cấu tín dụng theo kỳ hạn tiếp tục duy trì ổn định kể từ tháng 12/2014, trong đó tín dụng ngắn hạn chiếm 45% tổng tín dụng, còn lại tín dụng trung và dài hạn chiếm 55%.
Nhóm phân tích SSI cũng mổ xẻ cho thấy: Một điều tương đối khó hiểu là tín dụng sau khi đã tăng gần 4% vào tháng 12/2016 lại tiếp tục tăng gần 2% vào tháng 1. “Chúng tôi cho rằng, mức độ tăng trưởng tín dụng thực không lớn như con số báo cáo, vì vậy áp lực thanh khoản từ chênh lệch tín dụng với huy động là không cao”, nhóm phân tích
SSI viết.
Thực tế, áp lực lạm phát tăng ngay trong hai tháng đầu năm (tổng mức tăng là 0,7%) cũng là nhân tố buộc các ngân hàng phải xem xét điều chỉnh biểu lãi suất khi kỳ vọng của người gửi tiền thay đổi. Nhân tố nữa là áp lực bên ngoài đến từ lộ trình tăng lãi suất của FED. Dự kiến sau quyết định tăng ngày 15/3 vừa qua, FED sẽ có thêm hai lần tăng lãi suất nữa trong năm nay và ba lần nữa trong năm 2018.
Lãi suất tăng, ngân hàng có dấu hiệu chịu sức ép về thanh khoản? Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, lãi suất tăng còn do các ngân hàng đang cân đối, sắp xếp lại cơ cấu nguồn vốn khi Thông tư 06 yêu cầu giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 60% xuống mức 50%. Thông tư có hiệu lực kể từ đầu năm 2017.
“NHNN chắc đang theo dõi sát và nếu cần, không còn cách nào khác ngoài bơm tiền qua thị trường mở để hỗ trợ thanh khoản. Nhưng nếu không cẩn thận, lại rơi vào tăng cung tiền - đẩy lạm phát lên. Do đó, họ phải điều tiết rất khéo, đảm bảo cả mục tiêu ổn định lãi suất mà không kích thích lạm phát bùng lên”, ông Hiếu nói.
“Nếu trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ trong nước vẫn duy trì ở mức 0%, rất có thể dòng kiều hối và đầu tư gián tiếp sẽ đảo chiều ở mức nhất định. Hệ quả là tỷ giá sẽ lại biến động và nếu muốn ngăn điều này xảy ra, lãi suất tiền đồng phải ở mức đủ hấp dẫn để người gửi tiền vẫn nắm giữ VND”
Bản tin ngày 20/3 của BVSC