Trần lãi suất tiết kiệm và một loạt mức lãi suất điều hành khác được Ngân hàng Nhà nước giảm từ ngày 18/3 với kỳ vọng giảm áp lực vay cho doanh nghiệp, khơi thông tín dụng. Đồng tình với chủ trương này, Phó giáo sư Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, cho rằng đây là tín hiệu tích cực, tạo cơ hội giúp lãi suất cho vay giảm. Tuy nhiên, theo ông, mặt bằng lãi suất cho vay hiện vẫn khá cao so với khu vực (đang ở mức 2-3%). Ông nhận định, Việt Nam nên tiếp tục điều chỉnh hệ lãi suất nhằm giúp doanh nghiệp tăng cường năng lực cạnh tranh.
Về phần mình, các doanh nghiệp lại thấy họ cần nhiều biện pháp hơn chỉ là một công cụ đã được dùng đi dùng lại nhiều lần như hạ lãi suất. Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM cho rằng, nay lãi suất không phải là rào cản với doanh nghiệp. Các doanh nghiệp lớn, đủ điều kiện vay thì đa phần không có nhu cầu. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa, đối tượng chính muốn tiếp cận vốn ngân hàng thì lại vướng ở khâu xét duyệt.
Do vậy, theo ông, hạ lãi suất huy động ngắn hạn xuống 6%, có chăng là giúp ngân hàng giảm chi phí trả lãi tiền gửi, còn lại khó giúp tín dụng khơi thông. "Chỉ khi nào chính sách hạ lãi suất này đi đồng bộ với các giải pháp khác như giảm tồn kho, cải thiện năng lực của doanh nghiệp nhỏ và vừa... mới có tác động tích cực với nền kinh tế", ông Hưng nói. Lãnh đạo một công ty sản suất nhựa tại Tân Bình (TP HCM) cũng mô tả các doanh nghiệp đang sản xuất cầm chừng, do tiêu thụ hàng rất chậm.
Việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 - tháng Tết Nguyên đán - tăng thấp nhất trong 5 năm cũng phần nào phản ánh chuyện doanh nghiệp "không cần tiền" khi cầu trong nước đang quá yếu. Hơn một lần, các chuyên gia trong và ngoài nước đã từng cảnh báo nếu lạm phát còn giảm thêm, nền kinh tế có thể đứng trước những nguy cơ trì trệ sâu.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cũng nói thẳng: "Vấn đề với khách hàng của tôi không phải lãi suất mà là vay vốn để làm gì". Ông phân tích, dù lãi suất hạ nữa, nếu không kích cầu thì doanh nghiệp vẫn chưa thể khắc phục. Ngoài công cụ chính sách tiền tệ, theo ông nên có những biện pháp khác như sớm nới "room" cho nhà đầu tư ngoại trên sàn chứng khoán để thu hút các nguồn đầu tư khác với lãi suất rẻ hay đẩy mạnh đầu tư công...
Lần giảm lãi suất này, Ngân hàng Nhà nước chỉ yêu cầu hạ với các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng, đây cũng là những kỳ hạn ưa thích của các nhà đầu tư có tiền, sẵn sàng chờ thời cơ để chuyển dịch vốn sang các loại tài sản khác như vàng, chứng khoán, bất động sản...
Hiện thị trường chứng khoán rất hưng phấn với những lần tạo đỉnh mới liên tục của chỉ số Vn-Index từ đầu năm. Những tin vui từ sàn chứng khoán được nhiều chuyên gia kỳ vọng sẽ lan tới người gửi tiền, đặc biệt khi khoản lãi tiết kiệm của họ chỉ còn 6% một năm - một tỷ suất sinh lời khá thấp với mọi nhà đầu tư. Cụ thể, ngày 17/3, trong ngày giao dịch đầu tiên sau khi có thông tin lãi suất hạ, Vn-Index đã tạo mốc kỷ lục mới trên 600 điểm.
Với vàng, dù cả năm 2013, kim loại này mất giá 25% nhưng không ít người vẫn đang chờ một đợt sóng mới để mua bán. Riêng với bất động sản, người dân có thể đến lúc cân nhắc đến việc đem tiền đi mua nhà thay vì "cố thủ" gửi tiền ở ngân hàng để chờ giá xuống thêm.
Nếu thực sự có những sự chuyển dịch này, nhiều chuyên gia lại nhìn nhận đây là một tín hiệu tốt. Theo ông Trương Văn Phước - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia - giảm lãi suất lúc này là bước đi sớm và tích cực. "Nếu người gửi tiền thấy lãi suất ở mức 6-7% thấp quá, họ mua nhà hay đổ vào chứng khoán cũng tốt. Chúng ta vẫn liên tục nói cần niềm tin của thị trường. Đầu tư vào chứng khoán sẽ tạo ra một kênh hút vốn tốt. Tương tự với bất động sản, phần lớn nợ xấu đang nằm trong đó, nếu giải quyết được cũng là tín hiệu hay", ông Phước nói.
Bên cạnh đó, khi lãi suất ngắn hạn giảm, trước mắt có thể là cơ hội tốt để giảm lãi suất cho vay tiêu dùng. Bình luận về việc này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến lại cho rằng nếu những khoản vay này thực sự được hưởng lãi suất rẻ hơn cũng phù hợp với chủ trương hiện nay. "Để kích thích sản xuất hay thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cần phải có chính sách khuyến khích tiêu dùng", ông nói.
Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân Ngân cũng dự đoán, với việc lãi suất hạ, người dân sẽ ít cân nhắc hơn trong việc chi tiêu và gửi tiết kiệm. Hoặc họ có thể rút tiền ra đầu tư, kinh doanh hoặc tiêu dùng. Điều này sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng và tăng tổng cầu. Ông cũng chia sẻ thêm, bên cạnh việc giảm lãi suất cần phải kèm theo nhiều giải pháp đồng bộ như giải quyết tồn kho và nợ xấu... thì mới giải được bài toán tín dụng.
Theo Thanh Lan - Lệ Chi