Lại cho kinh doanh vàng qua tài khoản

Giá vàng trong nước hôm qua giảm, dù giá thế giới tăng, do tác động từ chính sách mới của NHNN. Ảnh: Minh Đức
Giá vàng trong nước hôm qua giảm, dù giá thế giới tăng, do tác động từ chính sách mới của NHNN. Ảnh: Minh Đức
TP - Hôm qua 6-10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 32, sửa đổi Thông tư 11, đưa ra gói giải pháp đặc trị thị trường vàng. Theo đó, có 5 ngân hàng được kinh doanh vàng qua tài khoản, đồng thời cơ quan quản lý ấn định giá bán vàng bình ổn không chênh lệch quá 400.000 đồng/lượng so với thế giới...

> Đầu cơ vàng nằm ở đâu?

Giá vàng trong nước hôm qua giảm, dù giá thế giới tăng, do tác động từ chính sách mới của NHNN. Ảnh: Minh Đức
Giá vàng trong nước hôm qua giảm, dù giá thế giới tăng, do tác động từ chính sách mới của NHNN. Ảnh: Minh Đức.

5 ngân hàng được kinh doanh vàng tài khoản

Thuốc trị cơn khát thị trường đầu tiên được tính đến đó là hàng trăm ngàn lượng vàng có thể sẽ được các ngân hàng bán ra thị trường từ nguồn vàng huy động thông qua hình thức cấp hạn ngạch (quota).

Theo đó, lượng vàng mà mỗi ngân hàng bán ra thị trường được ấn định cụ thể trong hạn ngạch. Kèm theo là giấy phép đặc biệt cho phép các tổ chức tín dụng được mở tài khoản vàng ở nước ngoài để bảo hiểm rủi ro với quy mô mua/bán tương đương số vàng bán/mua tại thị trường nội địa.

Theo một nguồn tin, đã có tên 5 ngân hàng được NHNN cấp phép bán vàng gồm: DongA Bank, ACB, Techcombank, Eximbank và Sacombank cùng với Cty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) bán vàng bình ổn giá.

Một trong những tiêu chí quan trọng để NHNN “chọn mặt gửi vàng” 5 NHTM kể trên là phải đảm bảo điều kiện về chỉ số an toàn trong hoạt động. Khoảng 6 tấn vàng được chuẩn bị nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường sau khi NHNN cho phép các đơn vị này được giao dịch vàng tài khoản trở lại.

NHNN cho phép mở lại dịch vụ mua bán vàng tài khoản theo nguyên tắc cân bằng trạng thái bán thực tế và mua vàng tài khoản ở nước ngoài trong vòng 24 giờ. Việc mở - đóng trạng thái có thể linh hoạt theo cung cầu thị trường và được giải quyết rất nhanh.

NHNN sẽ có tổ chuyên trách giám sát liên tục hàng ngày tài khoản vàng ở nước ngoài cũng như cập nhật lượng vàng bán ra trong nước của từng ngân hàng. Trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý sẽ cấp hạn ngạch nhập vàng đủ mức, con số ước tính chừng 10 tấn.

Chênh lệch giá không quá 400.000 đồng/lượng

Để giải quyết căn bệnh “làm giá”, cơ quan quản lý sẽ ấn định mức chênh lệch của giá vàng trong - ngoài nước là 400.000 đồng/lượng quy đổi theo tỷ giá chính thức (đã tính các chi phí gia công vàng miếng, phí giao dịch ngoại tệ...). Khi thị trường ổn định, tức chênh lệch giá dao động xung quanh mức trên, các ngân hàng sẽ đóng trạng thái vàng nước ngoài.

Về nguồn ngoại tệ nhập vàng, cơ quan quản lý có thể xem xét hỗ trợ một phần nhu cầu. Đổi lại, các tổ chức tín dụng phải cam kết bán vàng ra ngay khi chênh lệch giá nội - ngoại vượt quá 400.000 đồng/lượng. Những ngân hàng đã cam kết mà không bán ra, hoặc bán cầm chừng, hoặc chỉ bán một phần số lượng đã được cấp, sẽ bị rút giấy phép ngay lập tức.

Cũng theo Thông tư 32, quy định về việc chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng tại Thông tư 11 ngày 29-4-2011, cũng được sửa đổi, theo hướng khi thị trường vàng có biến động, NHNN cho phép tổ chức tín dụng được chuyển đổi tối đa 30% số dư tồn vàng huy động, quy thành tiền trong thời hạn nhất định. Quy định này, tạo cơ chế linh hoạt hơn cho việc huy động vàng trong dân không bị thành vốn “chết”.

NHNN khẳng định, với việc áp dụng cơ chế chuyển đổi một phần vàng tồn quỹ thành tiền và mở tài khoản vàng ở nước ngoài của NHTM, dự kiến mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới sẽ nhanh chóng được thu hẹp, đồng thời sẽ hạn chế các tác động bất lợi của việc biến động giá vàng đối với thị trường ngoại tệ...

Giá vàng giảm, lãi suất huy động vàng tăng

Phản ứng về chính sách mới trên của NHNN, hôm qua, giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh. “Nếu lúc sáng mức chênh với giá vàng thế giới và trong nước khoảng 2,6 triệu đồng/lượng thì đến cuối chiều mức chênh chỉ còn khoảng 2 triệu đồng/lượng.

Chốt cuối ngày giá vàng trong nước còn 43,65- 44,05 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra), dù giá thế giới tăng. Khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đang dần được rút ngắn”- Giám đốc một DN kinh doanh vàng cho biết.

Đến thời điểm 4 giờ chiều ngày 6-10 đã có hơn 4 tấn vàng (hơn 106.600 lượng), được bán ra thị trường.

Theo ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng Kinh doanh SJC, SJC đã bán ra hơn 20.000 lượng vàng, lượng mua vào không đáng kể...

Bà Nguyễn Thị Cúc, tổng giám đốc PNJ cho biết công ty đã bán ra 3.500 lượng vàng vào buổi sáng, mức cao nhất trong tuần.

Nhận xét về việc các ngân hàng tham gia bán vàng bình ổn thị trường, ông Trần Trọng Quốc Khanh, Giám đốc Trung tâm vàng Ngân hàng Á Châu khẳng định, việc này chắc chắn sẽ góp phần co hẹp khoảng cách giá trong nước và thế giới.

Ông Khanh lưu ý yếu tố cung - cầu trên thị trường sẽ ít nhiều quyết định biên độ của giá vàng.

Liên quan đến việc cho mở lại kinh doanh vàng trên tài khoản, hiện rất nhiều ý kiến trái chiều. Đa số đều cho rằng đây là giải pháp không mới, bởi năm 2010 có tổng cộng 11 ngân hàng thương mại và 8 doanh nghiệp được kinh doanh vàng tài khoản quốc tế.

Thời điểm 2010 khi NHNN ban hành văn bản đóng cửa sàn vàng, giao dịch trên tài khoản trong nước cũng như nước ngoài cũng bị chấm dứt theo.

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Tập đoàn Doji nhận xét: “Việc liên thông giá vàng trong nước với thế giới qua kênh mua - bán này là rất cần thiết. Doanh nghiệp hay ngân hàng sẽ yên tâm bán vàng ra ngay khi dân có nhu cầu bởi họ biết chắc có thể mua ngay một lượng tương đương trên tài khoản. Điều này sẽ kéo khoảng cách chênh lệch giá trong nước và thế giới sát lại”.

Nhìn nhận gói giải pháp mà cơ quan quản lý công bố, giám đốc một sàn vàng trước đây nói: “Nếu sử dụng các thuốc trên đúng như dự tính, chắc chắn sẽ tạo ra sự lưu thông vàng trên thị trường thay vì để “vàng chết” như hiện nay. Việc mua bán trên tài khoản theo vị này là sự phát triển chung của các nền kinh tế, chỉ cần quản lý tốt, NHNN sẽ khống chế được cơn lũng loạn giá vàng của các doanh nghiệp bên ngoài”.

Đón trước tín hiệu cho phép chuyển hoá 30% số vàng tồn dư của các ngân hàng khi huy động thành tiền trong một thời gian nhất định, thị trường vàng mấy ngày qua, các ngân hàng đều nâng lãi suất huy động vàng. Cụ thể, SCB huy động kỳ hạn 1 tháng: 1,8%/năm: 2 tháng: 2,2%/năm; 6 - 9 tháng: 2,5%/năm; HDBank: 3 tháng: 2%/năm; Eximbank: 1,5%/năm cho mọi kỳ hạn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG