Lai Châu - Phên dậu vững bền, bài cuối: Du lịch cất cánh từ Sin Suối Hồ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đến Lai Châu phải về Sin Suối Hồ, để nghe nghe Hảng A Xà kể về hành trình nỗ lực từ bản nghiện hút đói nghèo thành điểm du lịch cộng đồng ASEAN điển hình của người Mông.
Lai Châu - Phên dậu vững bền, bài cuối: Du lịch cất cánh từ Sin Suối Hồ ảnh 1
Du khách chụp ảnh kỉ niệm cùng các bé gái người Mông ở chợ phiên Sin Suối Hồ. Ảnh: LỘC LIÊN

Từ đất nghiện hút thành bản du lịch ASEAN

Đặt chân tới Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ) trong buổi sáng xuân mưa lất phất, chúng tôi nhanh chóng được người dân chỉ tới nhà của Hảng A Xà. Đó là khu nhà gỗ lợp tôn với chiếc cổng gỗ cao sừng sững. Hai bên cổng treo những miếng gỗ hình chiếc thớt. Hỏi ra mới biết người Mông ở Sin Suối Hồ thường dùng dụng cụ sinh hoạt trong nhà làm cổng, như một nét biểu trưng cho văn hoá dân tộc.

Hầu hết vật dụng trong nhà của A Xà và người dân bản Sin Suối Hồ đều chủ yếu sử dụng vật liệu là gỗ, cỏ tranh và đất. Gỗ dùng để làm cột, tre làm đòn tay, lợp mái và thưng vách. Ngôi nhà để nền đất, có ba gian, hai chái, mái chảy. A Xà bảo, nếu thấy nhà nào mà có một đến hai gian sẽ biết đây là gia đình mới tách ra ở riêng, còn khó khăn về kinh tế, bố mẹ còn sống, chưa phải làm nhiệm vụ thờ cúng tổ tiên. Nhà khá giả làm nhiều gian hơn với vật liệu tốt và cấu trúc kiên cố hơn.

Do nằm tựa sườn núi, dưới chân đỉnh Sơn Bạc Mây nên quanh năm khí hậu nơi đây mát mẻ, không cần dùng tới điều hòa. Dọc bản, trước cửa nhà nào cũng có hàng chục chậu địa lan để trang trí. Cảnh sắc Sin Suối Hồ chẳng bao giờ ngừng nao lòng người.

Anh Hảng A Xà (48 tuổi) là người đi đầu trong việc xây dựng bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ. Anh cho biết, những năm 1980 - 1990, cả bản đâu đâu cũng trồng cây thuốc phiện, từ già đến trẻ, trai lẫn gái đều hút thuốc phiện. “Khi vừa tròn 20 tuổi, tôi tự đặt ra câu hỏi: Tại sao các dân tộc khác phát triển được mà người Mông ở Sin Suối Hồ lại không. Tôi nghĩ, để giúp được ai đó trước hết cuộc sống của người dân bản phải đàng hoàng. Điều đó luôn thôi thúc tôi nghĩ cách để thay đổi cuộc sống cho người dân bản”, anh Hảng A Xà kể.

Để hưởng trái ngọt, A Xà, Trưởng bản Vàng A Chỉnh, Vàng A Trứ, Chàng A Hảng trải qua gần 20 năm khó khăn gian khổ. “Việc đầu tiên phải là cai nghiện. Mất tới 10 năm từ năm 1995 - 2005, chúng tôi mới cai xong thuốc phiện, thuốc lào và rượu. Từ năm 2005 - 2010, chúng tôi dành thời gian thay đổi tư duy. Từ năm 2010 - 2015, bà con bỏ ra 5 năm để làm mặt bằng. Đến năm 2015, bản Sin Suối Hồ được tỉnh công nhận là Khu du lịch cộng đồng”, anh Hảng A Xà nói.

Từ năm 2015 - 2020 bản Sin Suối Hồ cử người ra ngoài học lái xe ô tô, hướng dẫn viên, nấu ăn, lễ tân, dọn phòng, pha chế… để nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ khách du lịch. Những công sức, nỗ lực thay đổi của người dân bản Sin Suối Hồ được đền đáp khi ngày càng nhiều du khách ghé thăm và dành tình yêu đặc biệt cho nơi này.

Anh Nguyễn Đức Hoàng, thành viên đội cứu hộ ban đêm quận Kiến An, TP Hải Phòng nhân chuyến từ thiện đến Lai Châu đã chọn Sin Suối Hồ để dừng chân. “Chúng tôi đi qua nhiều bản du lịch cộng đồng ở nhiều tỉnh khác nhau, nhưng ngay khi đặt chân đến nơi đây, dường như mọi mệt mỏi bỗng tan biến. Phong cảnh đẹp và nên thơ, thời tiết hết sức chiều lòng người. Chúng tôi được tìm hiểu phong tục tập quán, sinh hoạt của người Mông”, anh Hoàng chia sẻ.

Thành viên trong đoàn Trần Huy Đức cho biết, trước khi đi, mọi người rất lo lắng vì đoàn có hơn 10 người khiến việc thuê phòng khó khăn và chi phí cao. Tuy nhiên, khi lên đến bản Sin Suối Hồ, họ được bà con đưa đến căn phòng sinh hoạt cộng đồng vô cùng đẹp, nội thất đậm bản sắc văn hóa của người Mông, đầy đủ tiện nghi.

Có lẽ sự thật thà, những màn biểu diễn văn nghệ tuy đơn sơ nhưng đầy tình cảm của người Sin Suối Hồ níu chân du khách. “Bà con Sin Suối Hồ cũng cho chúng tôi cảm nhận được rằng đôi khi hạnh phúc thật giản đơn. Cả ngày lên rẫy làm việc vất vả, mệt nhọc nhưng đêm về vẫn say sưa thổi khèn, ngân nga làn điệu dân ca của người Mông bên bếp lửa hồng, ở họ luôn toát lên tinh thần vui vẻ, yêu đời”, anh Đức nói.

Bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ trở thành điểm du lịch cộng đồng ASEAN. Đi đến nơi nào của Lai Châu bây giờ, ai ai cũng biết về bản Sin Suối Hồ.

Lai Châu - Phên dậu vững bền, bài cuối: Du lịch cất cánh từ Sin Suối Hồ ảnh 2
Thiên nhiên hùng vĩ núi rừng Lai Châu khiến du khách mê mẩn. Ảnh: LỘC LIÊN

Chờ du lịch bứt phá

Nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc lại là cầu nối giữa hai khu du lịch nổi tiếng SaPa và Điện Biên Phủ, tỉnh Lai Châu hội tụ những tinh hoa đặc biệt của miền sơn cước. Khí hậu mang đặc trưng vùng nhiệt đới núi cao Tây Bắc, ngày nắng đêm lạnh thích hợp với hoạt động du lịch nghỉ dưỡng. Chỉ cần bước vào địa phận Lai Châu, cảnh quan hùng vĩ, nên thơ của núi rừng Tây Bắc lập tức in sâu vào tâm trí người chiêm ngưỡng.

Sở hữu quần thể động Pusamcap, động Tiên Sơn, thác Tác Tình, cao nguyên Sìn Hồ, Dào San... đặc biệt là 6/10 ngọn núi hùng vĩ nhất cả nước cũng quần tụ tại đây. “Tỉnh Lai Châu có vị trí địa lý chiến lược trong phát triển kinh tế, giữ vững an ninh quốc phòng khu vực biên giới và sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhân văn phong phú, hấp dẫn để có thể khai thác phát triển nhiều loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp, du lịch thể thao mạo hiểm gắn với chinh phục đỉnh cao”, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Lai Châu Trần Quang Kháng khẳng định.

Với những thế mạnh sẵn có, tỉnh Lai Châu luôn xác định tầm quan trọng của phát triển du lịch. Lai Châu có hơn 100 cơ sở lưu trú với gần 2.300 phòng đủ tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch và 148 nhà hàng. Năm 2022, tỉnh ghi nhận tốc độ tăng trưởng bình quân khách du lịch đạt 55%/năm, tổng doanh thu khách du lịch đến hết tháng 2/2023 đạt hơn 700 tỷ đồng.

Đứng trước việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn với phát triển du lịch, tỉnh Lai Châu chú trọng xây dựng, phát huy tiềm năng của các khu du lịch cộng đồng. Trong đó, 5 điểm du lịch được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển là bản Sin Suối Hồ, bản Vàng Pheo, Bản Thẳm, bản Sì Thâu Chải và bản San Thàng.

Bên cạnh tiềm năng về du lịch văn hoá, tỉnh Lai Châu hướng đến xây dựng du lịch thể thao mạo hiểm (dù lượn) và các tua khám phá, chinh phục các đỉnh núi như đỉnh Pusilung (cao 3.083 m), đỉnh Putaleng (cao 3.049m), đỉnh Bạch Mộc Lương Tử (cao 3.046 m), đỉnh Tả Liên Sơn (cao 2.993m)…

Tiễn chúng tôi rời bản Sin Suối Hồ, Hảng A Xà, Vàng A Chỉnh mong ước Lai Châu thực sự trở thành viên ngọc tỏa sáng trong bản đồ du lịch Việt Nam nói chung và vùng Tây Bắc nói riêng. Để đi đến nơi nào của Lai Châu, người ta cũng bắt gặp một bản du lịch phát triển đầy ấn tượng như Sin Suối Hồ. n

Năm 2023, Lai Châu xây dựng và đưa vào khai thác thêm sản phẩm du lịch mới ở 3 huyện: Tân Uyên, Than Uyên, Sìn Hồ. Tỉnh mong muốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án du lịch lớn như: Khu du lịch sinh thái Vườn Địa Đàng, Khu du lịch thác Tắc Tình (huyện Tam Đường), Khu du lịch nghỉ dưỡng suối nước nóng (huyện Tân Uyên)... đồng thời đẩy mạnh việc sử dụng công nghệ trong công tác quảng bá, xúc tiến thu hút du khách.

MỚI - NÓNG
Anh Trần Ngọc Nam tái cử làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Hà Nam Khoá VI
Anh Trần Ngọc Nam tái cử làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Hà Nam Khoá VI
TPO - Đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam tỉnh Hà Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024 - 2029 đã hiệp thương chọn cử 33 anh chị tham gia Uỷ ban Hội LHTN Việt Nam nhiệm kỳ 2024 - 2029. Anh Trần Ngọc Nam - Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Hà Nam khoá V, tiếp tục được tín nhiệm làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Hà Nam khóa VI.