Đôi khi lịch sử cũng có những câu chuyện buồn trong việc ghi nhận công lao của những người cống hiến thầm lặng…
Và nữa, sự hiểu lầm cùng nhầm lẫn rằng tác giả mẫu Quốc huy là của cụ Trần Văn Cẩn ấy, nay may mắn được đánh dấu chấm hết phải kể đến động thái tích cực, đôn đáo của các họa sĩ Ngọc Linh, Lê Lam, Thục Phi và các học trò của họa sĩ Bùi Trang Chước khởi xướng và bền bỉ phối hợp với gia đình cố họa sĩ trong việc trả lại tên tác giả đích thực của Quốc huy.
Cụ Trần Văn Cẩn mất năm 1994, trước họa sĩ Bùi Trang Chước 2 năm. Nhưng suốt cả thời gian có thể nói là dằng dặc ấy từ cuối những năm 50, cụ Cẩn đã không có một hồi âm nào về việc này…
Không thể không nghĩ đến sự im lặng đáng… ngại ấy. Giá như cụ chỉ cần mang máng về cái văn bản trước một năm mẫu Quốc huy được duyệt thì sự thể có lẽ đã khác? Văn bản ấy mang số 237/MT ngày 24/11/1954 của Ban Mỹ thuật ngành Văn nghệ trung ương thuộc Bộ Tuyên truyền (văn bản ấy lại do chính họa sĩ Trần Văn Cẩn ký) gửi Bộ Tuyên truyền.
Nội dung viết: “Khoảng trung tuần tháng 10/54, chúng tôi có gửi sang quý Bộ 15 mẫu Quốc huy để quý Bộ đưa trình Thủ tướng phủ xem và cho ý kiến quyết định. Chúng tôi chờ đợi đã lâu mà chưa có tin tức gì về việc đó. Gần đây vụ Lễ tân bên Thủ tướng phủ có cho người sang giục luôn nên chúng tôi cử họa sĩ Bùi Trang Chước, tác giả những mẫu ấy sang đề nghị quý Bộ cho biết tin tức về các mẫu đã được chọn. Cũng đề nghị quý Bộ trao lại cho họa sĩ Chước những mẫu đã gửi để đem về sửa lại và hoàn thành”.
Bây giờ đang ở thời điểm đặt dấu chấm hết cho sự nhầm lẫn Quốc huy ấy, tôi chợt nhớ một ngày thu năm 1975. Cộng tác viên của Ban Văn Nghệ báo Tiền Phong là nhạc sĩ Cao Việt Bách tới toà soạn chơi. Nhạc sĩ thoáng thấy trên bàn làm việc của anh Đăng Trung, Trưởng Ban Văn Nghệ có bài thơ "Năm 1911, Bác Hồ từ Sài Gòn ra đi cứu nước", với câu đầu tiên Tiếng hát từ thành phố mang tên Người. Câu thơ ấy bỗng gây sự xáo động như một dư chấn trong tâm hồn người nhạc sĩ tài hoa này.
Nhạc sĩ Cao Việt Bách bộc bạch ngay với anh Đăng Trung cái dự định mới lóe về một ca khúc mới. Anh Đăng Trung cũng nhiệt thành đồng cảm ngay và chia sẻ với nhạc sỹ những thi tứ, câu chữ về ca từ cho ca khúc mới đó. Và chỉ trong buổi sáng ấy, ca khúc Tiếng hát từ thành phố mang tên Người đã phôi thai rồi hoàn chỉnh vào buổi chiều khi nhạc sĩ ngồi trước cây đàn piano tại nhà riêng.
Và, ca khúc "Tiếng hát từ thành phố mang tên Người" ra đời (nhạc Cao Việt Bách, lời: Cao Việt Bách - Đăng Trung). Ca khúc ấy đã được đưa ngay vào dàn dựng và lan tỏa khắp nước. Bao nhiêu là cái bắt tay và những lời chúc mừng nồng nhiệt với nhà báo Đăng Trung khi công chúng và bạn đọc gặp anh. Bởi mỗi lần phát ca khúc ấy, các phát thanh viên đều trân trọng và trịnh trọng một tổ hợp từ “nhạc Cao Việt Bách, lời: Cao Việt Bách - Đăng Trung”.
Một thời gian sau, cũng tại cái Ban Văn Nghệ trên gác 3 của báo Tiền Phong ấy, anh Đăng Trung đã khẩn thiết lẫn tha thiết đề nghị nhạc sỹ Cao Việt Bách là nên bỏ tên Đăng Trung đi vì đóng góp của anh về phần lời cũng chỉ là bình thường. Mà phần nhạc vạm vỡ, hoành tráng khoát hoạt của nhạc sĩ là yếu tố quyết định để thăng hoa lên những ca từ ấy.
Nhạc sĩ Cao Việt Bách mãi mới chấp thuận lời đề nghị khiêm nhường ấy. Và tôi cũng không rõ về sau này và thời điểm nào, cái tên Đăng Trung đã khuất đã rời đi mỗi khi các xướng ngôn viên giới thiệu ca khúc Tiếng hát từ thành phố mang tên Người.
Nhưng với nhạc sĩ tài danh Văn Cao thì hơi phiền toái. Mùa thu năm 1991, tôi được lãnh đạo báo Tiền Phong cử viết về sự kiện “Tiến quân ca có… hai tác giả”.
Nhà riêng của nhạc sĩ Văn Cao ở phố Yết Kiêu. Tôi ngồi hầu chuyện và hầu cả rượu nhạc sĩ suốt cả một buổi. Tác giả của những Thiên Thai cùng Trường ca sông Lô… ấy suốt buổi chỉ khẽ nhấp thứ rượu trắng do bà Nghiêm Thị Băng, phu nhân của nhạc sĩ thửa riêng. Và đọc thơ. Thơ của Văn Cao khi ấy đương là của hiếm, ít người biết vì ông chưa cho in. Ý chừng như cái vấn đề cái việc tranh công tranh lời như lúc đầu tôi tới nhà để đặt vấn đề với chủ nhân ấy xen vào nó làm hỏng, làm mất cái nhã cái đẹp của một sáng thu Hà thành vậy? Tôi cũng loáng thoáng biết được, người nhà nhạc sĩ cùng luật sư đang tính đến lộ trình của một phiên tòa…
Kể ra thì dài nhưng khi gặp nguyên đơn là ông Đ. Thì ông hồn nhiên rằng, ông vốn chơi thân với Văn Cao. Và lần ấy Văn Cao nói vui, nếu cậu thích thì tớ cho cậu đứng phần lời Tiến quân ca đấy. Thế rồi một bản in vội có tên ông Đ. từ cái sự hồn nhiên ấy của ông Đ. Và việc ầm ĩ sau này đã xảy ra…
Cũng may, những đồn thổi đàm tiếu này khác đã nhanh chóng tan biến. Cũng như một phiên tòa nào đó đã không xảy ra trước cái uy cùng tài danh Văn Cao và sự công tâm, công bằng của bạn đọc!
“Của Caesar, trả về Caesar; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”. Thiên chúa là cách nói khác của lãnh địa, của thứ lao động sáng tạo nhọc nhằn nhưng vinh quang. Có lẽ xứ nào, thời nào cũng thế luôn nghiêm cẩn, riết róng lẫn nằm lòng câu ngạn ngữ ấy trước mắt giới lao động nghệ thuật?