Cái gì của Caesar hãy trả lại cho Caesar. Dân mỹ thuật thường hay nhắc đến câu ngạn ngữ ấy như một sự nhắc nhở nghiêm cẩn về bản quyền sáng tác?
Tôi bâng khuâng khi đọc lại những dòng di bút của họa sĩ Bùi Trang Chước.
… Mẫu Quốc huy từ trang trí họa tiết đến nội dung bố cục trình bày hoàn toàn giống mẫu của tôi mà quá trình tôi đã làm từ năm 1953 đến đầu 1955 và đã được Trung ương sơ duyệt.
Khi xem đến tên tác giả là Trần Văn Cẩn, điều đó đã làm cho tôi suy nghĩ thắc mắc vì nghĩ rằng nếu như mẫu Quốc huy này do sự đóng góp chung của tập thể họa sĩ mỗi người một phần tạo nên thì theo tôi:
1. Là không nêu tên ai cả vì đó không phải là việc riêng mà là vinh dự chung cho giới mỹ thuật.
2. Nên đề tên tác giả chủ yếu đã đóng góp xây dựng nên mẫu đó. Còn đã dựa vào mẫu của người khác thì từ đầu đến cuối chỉ có một việc là sửa chữa về chi tiết cho hoàn chỉnh mà đề tên riêng một tác giả thì vô hình chung đã phủ nhận bao công lao của người khác đã xây dựng nên. Điều đó là hết sức vô lý.
Ngày 15 tháng 4 năm 1973, tôi có viết đơn lên Thủ tướng Phạm Văn Đồng về việc này. Nhưng không biết lá đơn của tôi có đến được tay Thủ tướng hay không?
Tôi có hỏi chị Thủy, bằng cách nào mà gia đình vẫn giữ được những mẫu phác thảo Quốc huy quý giá này. Chị Thủy bảo, cha chị từ năm nảo nao đã bỏ chúng vào cái ống tre có lèn vôi cục chống ẩm. Hoàn cảnh kháng chiến tản cư cũng như sau này chiến tranh phá hoại xê dịch nhiều nơi nhưng đi đâu ông cũng kè kè theo người. Vì cụ công tác ở ngành ngân hàng nên tất cả những mẫu phác thảo Quốc huy, cụ thực hiện trên nền giấy của ngân hàng có hoa văn chìm nên sau này Viện Khoa học hình sự của Bộ Công an xác định những phác thảo này không thể làm giả hoặc làm mới được.
Tập hồ sơ dày cộp cứ như bảo tàng thu nhỏ về người họa sĩ tài năng Bùi Trang Chước. Bao nhiêu là dấu ấn ông để lại trên các biểu tượng quan trọng của đất nước, đặc biệt là mẫu Quốc huy Việt Nam.
Ông còn là tác giả của những bức tranh sơn khắc độc đáo như “Phong cảnh vịnh Hạ Long”, “Khu gang thép Thái Nguyên”, “Thủy điện Thác Bà”, “Phong cảnh chùa Thầy”…
Họa sĩ Bùi Trang Chước đã tham gia giảng dạy, đào tạo ra nhiều thế hệ họa sĩ kế cận như Ngọc Linh, Lê Lam...Họa sĩ Ngọc Linh, 82 tuổi, một học trò ưu tú của cố họa sĩ Bùi Trang Chước viết: “Ngoài Quốc huy, họa sĩ Bùi Trang Chước còn là người vẽ gần như tất cả những mẫu huân chương hiện nay như Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Quân công các loại...
Cụ cũng là tác giả của hàng loạt biểu trưng đang được sử dụng rộng rãi như biểu trưng Tổng Công đoàn (nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), biểu tượng ngành Thương binh, Liệt sĩ 27-7... Rồi bức phù điêu có hình Bác Hồ được đúc bằng vàng để đồng chí Phạm Tuân mang theo khi bay vào vũ trụ. Mẫu ấy đã được các yếu nhân Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Tùng duyệt”.
Họa sĩ Ngọc Linh nhớ lại ấn tượng đầu tiên về người thầy đáng kính: “Tham gia học họa ở Chiến khu Việt Bắc, lần đầu tôi biết đến thầy Chước qua lời giới thiệu của thầy Tô Ngọc Vân: “Đây là thầy rất giỏi về trang trí đồ họa, từ giờ, thầy sẽ dạy các em”. Tôi nhớ những giờ giảng dạy chú tâm, miệt mài của thầy Chước. Thầy trò chúng tôi đã sống như một gia đình vậy”.
Qua họa sĩ Ngọc Linh, bây giờ tôi mới hay, họa sĩ Bùi Trang Chước từng được Trung tâm Tiểu sử quốc tế Cambridge của Anh vinh danh vì sự nghiệp cống hiến của ông cho hội họa. Ông cũng có tên trong danh sách “Danh nhân quốc tế” của tổ chức Who’s Who (Ai là Ai) xuất bản lần thứ 13 (năm 1999) và trong danh sách “Những người xuất chúng vì quốc tế” xuất bản lần thứ 7 (năm 1998). Ông còn được Nhà nước Lào tặng Huân chương ISALA cao quý.
Tháng 9/2001, hoạ sĩ Lê Lam có bài “Người vẽ Quốc huy” đăng trên báo Nhân dân cuối tuần và nhiều tờ báo khác, rằng hoạ sĩ Bùi Trang Chước là người sáng tác và thực hiện các phác thảo Quốc huy...
Rồi hàng chục lá đơn của gia đình do chị Bùi Minh Thủy thảo kèm những tài liệu gốc do gia đình có được hoặc sưu tầm được lần lượt được chuyển đến những cá nhân và cơ quan có trách nhiệm…
Chị Thủy nhớ lần ấy tiếp được giấy mời của Bộ Văn hóa. Chị không nhớ đây là lần thứ mấy, chị nhận được giấy mời gặp của cơ quan chức năng. Những là Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an, Cục Bản quyền Tác giả Bộ Văn hóa…
Lâu nay, vấn đề tác giả Quốc huy Việt Nam đã được đề cập trên các phương tiện thông tin và được dư luận quan tâm đặc biệt. Xuất phát từ đòi hỏi đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 3/10/2002, Bộ Văn hóa-Thông tin đã thành lập tổ tư vấn với sự tham gia của các nhà chuyên môn, nghệ sĩ có uy tín; sưu tầm tư liệu, nhân chứng, tổ chức các buổi làm việc gặp gỡ thân nhân, bạn bè của cố họa sĩ Bùi Trang Chước và cố họa sĩ Trần Văn Cẩn. Việc giám định tư liệu được thực hiện nghiêm túc với sự giúp đỡ của Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an.
Bộ Văn hóa- Thông tin đã kịp thời có công văn thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề tác giả của mẫu Quốc huy Việt Nam, trong đó khẳng định: “Mẫu Quốc huy là một cống hiến chung của giới Mỹ thuật Cách mạng Việt Nam, trong đó phải kể đến công lao của họa sỹ Bùi Trang Chước - người đã vẽ những mẫu Quốc huy để làm cơ sở lựa chọn, hoàn thiện và họa sỹ Trần Văn Cẩn - người đã chỉnh sửa hoàn thiện mẫu Quốc huy theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo để trình Quốc hội phê duyệt”.
Vậy là đã rõ, mẫu Quốc huy được sáng tác bởi đồng tác giả là hai họa sĩ Bùi Trang Chước và Trần Văn Cẩn.