Lách luật trông trẻ tại nhà

0:00 / 0:00
0:00
TP - Gần 1 năm nay, trường mầm non đóng cửa, trẻ không được đi học, giáo viên thất nghiệp. Tuy bị cấm dạy học ở nhà để phòng chống dịch nhưng “bụng đói đầu gối phải bò”, nhiều giáo viên đã tìm đủ cách lách luật để trông trẻ kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình. Điều đó cũng xuất phát từ nhu cầu thực tế của phụ huynh nếu không sẽ phải nghỉ việc, trông con.

Có cung ắt có cầu

Anh Trần Văn Nam ở Khu đô thị Times City, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, gần một năm qua nếu không gửi trẻ “chui” thì vợ chồng anh không biết xoay xở ra sao. Dịch bùng phát, Hà Nội đóng cửa trường mầm non đầu tiên nhưng bố mẹ vẫn phải đi làm kiếm tiền, công ty không thể thông cảm cho phụ huynh mãi được.

Lách luật trông trẻ tại nhà ảnh 1

Bao giờ trẻ được đến trường là câu hỏi của nhiều phụ huynh Hà Nội

May mắn, anh Nam tìm được lớp tại gia của một giáo viên mầm non trường tư mất việc. Lớp chỉ là phòng khách nhà cô giáo ước chừng 20 mét vuông với 5-6 trẻ theo học với giá 5 triệu đồng. “Từ 7 giờ sáng, bố mẹ đưa con đến cô cho ăn sáng, tổ chức các hoạt động vẽ vời, chơi đồ chơi, học hát, chiều bố mẹ đón về. Lo sợ bị phát hiện nên cô đóng kín cửa cả ngày, không dám dẫn học sinh xuống sân chung cư chơi”, anh Nam nói.

Bà Vũ Nguyệt Ánh, Hiệu trưởng Trường mầm non Linh Đàm, quận Hoàng Mai (Hà Nội) nói, không có học sinh đồng nghĩa với không có nguồn thu để trả lương giáo viên. Những tháng đầu, từ nguồn tiền dự trữ nhà trường có chi trả nhưng rồi cũng cạn. Hiệu trưởng chấp nhận không lấy lương để chia ra cho mỗi giáo viên thêm được một ít. Đã có những cuộc họp rớt nước mắt nhưng không có phương án. Đằng sau giáo viên là cuộc sống của con cái, gia đình nên rất lo giáo viên bỏ việc, sau này trường sẽ rất khó khăn hoạt động vì đào tạo, bồi dưỡng được những người giỏi, có kinh nghiệm không dễ.

Tương tự, có 2 con đều trong độ tuổi mẫu giáo, chị Lê Thụy Mai, quận Hai Bà Trưng dù đã có giúp việc nhưng quanh quẩn trong căn hộ 80 mét vuông nhiều ngày rất bức bí. “Cứ 10 phút con sẽ chạy ra ôm chân đòi xem tivi, không cho sẽ lèo nhèo, ăn vạ ầm ĩ rất mệt mỏi. Cách đây 2 tháng, tôi đã gom thêm 4 bạn khác và mời cô giáo mầm non về nhà dạy 2 giờ/ ngày. Từ ngày có cô tổ chức các hoạt động học chữ, học hát, múa... con hoạt bát, vui vẻ hẳn ra. Sau mỗi buổi học, bạn nào cũng xinh tươi vì được cô tết cho đủ kiểu tóc, khác hẳn vẻ đầu xù tóc rối khi ở với người giúp việc. Tuy nhiên, trước Tết con mắc COVID-19 không rõ nguồn lây nên dừng học đến nay”, chị Mai nói.

Nhiều phụ huynh phải thừa nhận, gần 1 năm qua nếu không có những lớp trông trẻ của “bà hàng xóm”, cô giáo mầm non thất nghiệp… thì chỉ có mất việc. Trẻ cần có người trông là nhu cầu thực tế của đại đa số gia đình trẻ. Chỉ khi gửi được con cho ai đó mới có thể yên tâm đi làm. Một số gia đình không có điều kiện nên dù con chỉ ở chừng 5-7 tuổi cũng để các trẻ tự trông nhau. Tuy nhiên, để trẻ ở nhà có nguy cơ tai nạn thương tích rất cao. Thực tế, năm ngoái đã có học sinh tử vong vì bị điện giật trong khi bố mẹ ra ngoài.

Nhiều rủi ro

Những ngày giáp Tết Nguyên đán, nhiều phụ huynh gửi con ở nhà cô giáo mầm non N.T.T.L ở một chung cư, quận Hoàng Mai tá hoả khi nhận được thông báo: “Gia đình cô giáo có 3 người F0. Do đó, cha mẹ nên test nhanh cho trẻ và tạm thời giữ trẻ ở nhà”.

Ở trong nhóm cư dân của chung cư, cô giáo đăng thông tin nhận trông trẻ ngay từ khi trường học đóng cửa với giá 120 nghìn đồng/cháu gồm ăn trưa. Ban đầu, chỉ có 2-3 trẻ nhưng dần dà nhu cầu phụ huynh cao lên, lớp học có thời điểm lên hơn 20 em. Cô L. phải gọi thêm 2 cô giáo nữa đến hỗ trợ, trong đó chia ra theo 2 nhóm tuổi để hoạt động gồm nhóm trẻ nhỏ chỉ trông và chơi; nhóm 5 tuổi gồm hoạt động chơi và dạy chữ tiền tiểu học. Chưa kể, một số phụ huynh trong chung cư có con đã học lớp 1 nhưng vì trực tuyến con không nắm được bài cũng được gửi đến để cô giáo mầm non dạy chữ với giá 150 nghìn đồng/buổi. Toàn bộ hoạt động ăn ngủ của hơn 20 đứa trẻ gói gọn trong phòng khách nên khá ầm ĩ, chật chội. Buổi trưa, cô L. mua ghế kê hết cả 2 phòng ngủ của gia đình để cô trò có giấc nghỉ trưa.

Cuối tháng 11/2021, Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân ( Hà Nội) có văn bản yêu cầu giáo viên các trường ký cam kết không tổ chức hoạt động chăm sóc trẻ tại nhà riêng trong thời gian học sinh nghỉ học chống dịch. Sau đó, một “làn sóng” giáo viên trường mầm non tư thục đã xin nghỉ việc để tự do trông trẻ kiếm tiền trang trải chi phí trong gia đình. Có nhiều cô hoàn cảnh khó khăn như: thuê trọ, nuôi bố mẹ già, con nhỏ… Hiệu trưởng nhiều trường tư thục ở Hà Nội cũng cho biết, có từ 4-5 người xin nghỉ hẳn việc, đa số đã làm việc khác chờ trường học mở cửa. Hà Linh

“Nhà cô chật chội, không có nhiều hoạt động như ở trường. Có lần được về sớm, 4 giờ chiều đón con sớm vẫn thấy cô trò ngủ trưa cho thấy hoạt động không theo giờ giấc khoa học nào cả nhưng vẫn phải gửi nếu không vợ chồng phải thay nhau nghỉ việc”, chị Thái Thị Thanh có con 2 tuổi nói.

Không riêng cô L., nhiều phụ huynh cho biết, họ còn nhận được điện thoại của cô giáo ở trường con “mời” đến gửi trẻ tại lớp cô tổ chức có đầy đủ hoạt động như ở trường do các cô đến trông nom, chăm sóc với giá tiền “mềm” hơn. Tuy nhiên, phụ huynh ngại đưa đón con xa nên vẫn lựa chọn gửi lớp nhà bà hàng xóm hoặc cô giáo trong chung cư, lớp gần nhà.

Chị Nguyễn Thu Hà ở Kim Giang, Thanh Xuân kể, gia đình có 2 con ở nhà cũng thuê cô giáo mầm non đến nhà vừa dạy con vừa giúp việc nhiều tháng nay với mức lương 6 triệu đồng/ tháng. Cô giáo trẻ nhanh nhẹn, thạo việc nhà lại dạy con nhiều hoạt động khiến cả nhà rất vui vẻ. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán cô giáo vừa làm được 2 ngày thì gọi điện báo mẹ và chồng cô có kết quả mắc COVID-19, cô xin phép nghỉ chờ kết quả xét nghiệm PCR.

MỚI - NÓNG