Cô đơn trong chính nhà mình - Bài cuối:
Lạc lối vì cha mẹ thiếu quan tâm
> Trẻ cô đơn có nguy cơ tự tử
> Sống 'bụi' tại gia
> Tôi là người cha tồi
> Nỗi khổ con nhà giàu
Khi Trần Định Th. (17 tuổi, phường Xuân Hà, Thanh Khê, TP Đà Nẵng) tự ý bỏ học từ hồi lớp 6 (trường THCS Lê Thị Hồng Gầm), bà Trần Thị Xuân S. (48 tuổi), mẹ Th., chỉ biết quát nạt, thậm chí dùng đòn roi để ép buộc con đến trường nhưng bất thành. “Nó học mất gốc từ lúc nào mà tôi cũng không biết. Đến khi lên lớp 6, thầy cô hỏi gì nó cũng lắc đầu. Nhìn chúng bạn tiến bộ, Th. bất mãn bỏ học”, bà S. kể. Thay vì tìm hiểu, động viên con, tìm gia sư để phụ đạo kiến thức, bà S. chỉ quen dọa nạt, nhiếc mắng khiến Th. càng sống bó mình trong sự tự kỷ, chán nản.
Phải đến khi tham dự diễn đàn Vai trò trách nhiệm của gia đình trong việc quản lý, giáo dục thanh thiếu nhi do Thành Đoàn Đà Nẵng phối hợp tổ chức, bà S. mới giật mình nhận ra ngay đến việc con muốn học nghề gì bà cũng không biết. “Ban tổ chức đưa cho tôi bản đăng ký để điền nguyện vọng học nghề cho con. Lúc đó tôi chẳng biết điền gì vì có bao giờ hỏi nó muốn làm nghề gì đâu?, bà S. nói.
Trong khi đó, Th. tâm sự rằng muốn học sửa chữa điện thoại di động, nhưng gia đình cứ ép làm những việc mình không thích. Th. từng theo anh trai đi phụ hồ, nhưng công việc cực quá nên chỉ trụ được vài bữa. Sau đó, Th. học nghề đánh inox với chú họ, rồi sửa xe máy... nhưng không theo đến cùng vì không hợp sở thích. Th. sống cô lập trong sự trách móc của mọi người, nhiều lúc bất mãn theo chúng bạn chơi bời, phá phách.
Cùng cảnh ngộ, bà Nguyễn Thị T. (48 tuổi, trú P.Vĩnh Trung, TP Đà Nẵng) từng bất lực nhìn con trai Trương Minh H. bỏ học ngay từ năm lên lớp 7 (trường THCS Chu Văn An, Đà Nẵng). Những ngày đi họp phụ huynh, bà đỏ mặt nghe thông báo tình hình học lực, hạnh kiểm của con. Tối đó, căn nhà lại vang tiếng nhiếc mắng, khóc thét của H. vì bị cha mẹ tra khảo, thậm chí đánh đập. Trông H. nhỏ nhắn, dè dặt, sống né tránh, biệt lập dù đang tuổi cắp sách đến trường. “Rơi vào tình cảnh thất học, thất nghiệp em cũng hối hận lắm. Giá như hồi đó em được sự chăm lo của gia đình, có được sự uốn nắn kịp thời chắc em hiểu hơn về những hệ lụy bây giờ”, H. tâm sự.
Học làm cha mẹ
Thành Đoàn Đà Nẵng từng tổ chức các tour đưa thanh niên chậm tiến đi tham quan trại giam, nhà giáo dưỡng để cảnh tỉnh, thay đổi nhận thức, giúp các em hiểu hơn về hệ lụy, hậu quả của những việc sai trái nếu mình mắc phải. Tuy nhiên, theo anh Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng, nếu bản thân gia đình, cha mẹ không tác động vào con cái, không giáo dục đúng cách thì các em khó chuyển biến tích cực. Gia đình cần tham gia nhiều hơn các buổi hướng dẫn kỹ năng, học cách làm cha mẹ…
Anh Nguyễn Thành Nhân, Giám đốc Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam, cũng cho rằng cha mẹ hãy bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất như động viên, hỏi chuyện con mỗi ngày; cần gắn kết được với con trong bữa ăn, buổi xem phim và hãy lắng nghe con nhiều hơn, thay vì áp đặt, gây sức ép. “Không chỉ bạn trẻ cần trải nghiệm để tích lũy kỹ năng mà ngay các bậc cha mẹ cũng cần trải nghiệm, cần nhập vai con để biết chúng muốn gì, thích gì, qua đó định hướng cái tốt - xấu”, anh Nguyễn Thành Nhân nói.
“Tham dự diễn đàn về, tôi thấy thật áy náy. Hóa ra lâu nay mình chỉ biết nhiếc mắng con thay vì dạy con đúng cách. Những câu chuyện tâm lý mà các chuyên gia kể khiến chúng tôi giật mình. Mình chỉ cho con tiền bạc mà bỏ mặc con cũng là có lỗi lớn.” - Bà Nguyễn Thị T. mẹ của Trương Minh H. |