Không sợ hi sinh
Khác với những lần gặp trước, lần gặp này bà Hồ Thị Đức, mẹ của Anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương nhớ nhớ, quên quên. Năm nay gần 90 tuổi, bà Đức sống cùng người con trai út ở thôn Đơn Sa, phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình). Câu chuyện của bà Đức về người con cả đã hi sinh vì bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc cứ chắp nối, không đầu, không cuối. “Bà bắt đầu bị lẫn khoảng 1 năm trở lại đây, có khi cả tên của mình cũng không nhớ, nhưng 2 di vật mà anh Phương để lại là bức chân dung và lá thư cuối cùng thì bà cất giữ cẩn thận lắm” - ông Trần Văn Hồng kể.
Trần Thị Thủy, con gái Anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương nối gót cha phục vụ trong lực lượng Hải quân |
Đúng như ông Hồng nói, khi được hỏi về lá thư cuối cùng của anh Phương, bà Đức chậm rãi đứng lên, mở tủ, lấy bức thư được gói ghém cẩn thận mang ra. Nhìn lá thư bị úa vàng và nét chữ bắt đầu mờ dần, hai mắt bà Đức ngấn lệ. Ông Hồng kể, Tết Nguyên đán năm 1988, anh Phương được nghỉ phép về quê đón Tết với gia đình. Đến ngày mồng 10 tháng Giêng, anh trở lại đơn vị để chuẩn bị cho chuyến công tác đặc biệt ra Trường Sa. “Đáng ra là không có lá thư này, vì trước đó mấy ngày anh Phương đã gửi thư về nhà lúc tàu rời bến lên đường ra Trường Sa. Nhưng chuyến tàu ấy đi được 1 ngày thì phải quay lại bờ vì gặp bão lớn, anh Phương lại tranh thủ viết lá thư này gửi về nhà” - ông Hồng kể.
Bức thư đề ngày 8/3/1988, được viết từ quân cảng Cam Ranh (Khanh Hoà). Sau những lời hỏi thăm ân cần, gửi lời chúc sức khỏe ba mẹ và các em, anh Phương thông báo tình hình căng thẳng ngoài quần đảo Trường Sa. “…Nếu như ba mẹ nghe đài, xem báo thì sẽ biết hiện nay cả nước đang tập trung về Trường Sa; các đơn vị Hải quân đang tập trung sức người, sức của để chi viện cho Trường Sa. Riêng đơn vị lại đang báo động chiến đấu khẩn cấp, vì thế mà tình hình hiện nay rất nghiêm trọng”.
Ông Hồng nhận định, hình như anh Phương đã linh cảm được điều không lành trong chuyến ra Trường Sa lần đó. “Tối nay hoặc tối mai con lại đi tiếp. Đối với con, nhiệm vụ lên đường bảo vệ Tổ quốc, dù có hi sinh con cũng không sợ… Trước lúc ra đi con chỉ dặn ba mẹ như thế này, khi ba mẹ nhận được bức thư này thì không phải viết thư trả lời cho con nữa. Con không nhận được đâu. Bởi vì con đi chưa biết ở chỗ nào. Không có địa chỉ và ba mẹ cũng đừng trông thư con nữa…” - những dòng thư xúc động nhưng đầy quyết tâm của người lính Trần Văn Phương trước lúc ra trận.
Bà Hồ Thị Đức, mẹ của Anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương nay không còn minh mẫn |
“Lớp cha trước, lớp con sau”
Đúng như trong lá thư cuối cùng anh Phương gửi về nhà, Trường Sa rất đang khốc liệt. Rạng sáng ngày 14/3/1988, đảo phó Gạc Ma, Trung uý Trần Văn Phương cùng đồng đội rời tàu dầm mình trong nước biển mang theo dụng cụ và vật liệu xây dựng đảo. Là chỉ huy, anh Phương nhận lãnh trách nhiệm giữ lá cờ Tổ quốc, biểu tượng của chủ quyền quốc gia.
Cũng trong sáng đó, quân Trung Quốc nhiều lần đổ bộ, tấn công đảo Gạc Ma. Cuộc chiến không cân sức xảy ra, gần 50 người lính công binh trong tay chỉ có xà beng, cuốc xẻng, các chiến sỹ hải quân Việt Nam nắm tay nhau tạo thành vòng tròn giữ đảo, mà sau này trở thành biểu tượng “vòng tròn bất tử”. Trong lúc giằng co với quân địch để giữ lá cờ Tổ quốc, một phát đạn của địch xuyên qua đầu trung úy Phương. Anh gục xuống, tay vẫn cầm chắc ngọn cờ Tổ quốc, lá cờ phủ lên thi thể anh, bồng bềnh trong nước loang máu…
“Ba mẹ sinh được 3 anh em trai, anh Phương là anh cả. Anh Phương là người tài hoa, học giỏi, chữ đẹp, vẽ cũng đẹp và chơi đàn ghi ta rất hay. Ngày chưa nhập ngũ, anh ấy luôn gánh vác việc nhà giúp ba mẹ và rất có trách nhiệm với các em. Sau này khi nhập ngũ, mỗi dịp về phép là anh lại tranh thủ, khi thì lợp lại mái nhà, khi thì gánh đất tôn nền sân để đến mùa mưa không còn ngập nước…”
Anh trai ngã xuống, càng đau xót, càng nhớ thương thì ông Hồng càng căm thù quân xâm lược sâu sắc, nhiều đêm ngủ mơ thấy mình thành người lính Hải quân, chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo, trả thù cho người anh yêu quý… Và thật bất ngờ, nguyện vọng của ông Hồng được lực lượng Hải quân ghi nhận và ông trở thành người lính thực thụ. “Năm 1990, sau một thời gian huấn luyện, lần đầu tiên tôi được ra Trường Sa với nhiệm vụ vận tải hàng hoá chi viện cho Quần đảo Trường Sa. Khi đi ngang qua Gạc Ma, nơi anh trai mình hi sinh, lòng tôi như dao cắt, chỉ ước được ôm súng lao lên đó, trả thù cho anh…”.
Ông Trần Văn Hồng, thắp hương lên bàn thờ anh trai mỗi khi về thăm nhà |
Năm 1992, trước nguyện vọng của gia đình, ông Hồng cùng đồng đội của liệt sỹ Trần Văn Phương đã bốc phần mộ của anh từ Trường Sa về an táng tại nghĩa trang quê nhà. Năm 2001, hơn 10 năm phục vụ trong lực lượng Hải quân, ông Hồng chuyển sang Cảnh sát biển vùng 2, mang quân hàm Trung tá cho đến nay.
Ông Hồng tiết lộ, không chỉ ông mà con gái duy nhất của liệt sỹ Trần Văn Phương hiện cũng đang công tác trong lực lượng Hải quân. Theo ông Hồng, anh Phương không hề hay biết mình đã để lại giọt máu cùng người vợ trong chuyến về nghỉ phép năm đó. “Cháu Thuỷ sinh ra không biết mặt bố, nhưng lạ thay ngay từ nhỏ cháu đã có ước mơ sau này nối gót bố vào lực lượng Hải quân. Khi vừa tốt nghiệp cao đẳng Việt Nam học, cháu xin vào làm thống kê ở huyện Trường Sa (Khánh Hoà). Và trong chuyến đầu tiên ra Trường Sa thăm chiến trường xưa của bố, cháu Thuỷ đã xung phong vào lực lượng Hải quân” - ông Hồng nói.
Bức thư cuối cùng của liệt sỹ Trần Văn Phương gửi về nhà trước khi hi sinh |
Đại úy Trần Thị Thủy (SN 1988) kể: “Năm 2010, trong chuyến đầu tiên ra thăm Trường Sa, tận mắt nhìn thấy nơi ba từng chiến đấu và ngã xuống thì ước mơ từ thủơ nhỏ của em lại càng cháy bỏng. Trên đường về lại đất liền, em mạnh dạn viết đơn tình nguyện xin vào lực lượng Hải quân và nguyện vọng của em được cấp trên chấp thuận. Thật may mắn, em được biên chế vào đúng Lữ đoàn Hải quân 146 - nơi bố em từng sống và chiến đấu”.
Thủy cho biết thêm, Thủy kết duyên với một người lính Hải quân cùng quê Quảng Bình và có với nhau 2 con gái. Thuỷ vẫn thường kể cho 2 con nghe về sự hi sinh anh dũng của ông ngoại, về ý nghĩa thiêng liêng của biển đảo quê hương… với hi vọng các con tiếp tục nối bước ông cha giữ gìn bờ cõi của Tổ quốc.