TPHCM:

Lạ mà quen với 'Quận 1- Sống động Sài Gòn'

TPO - Những con đường, góc phố, công trình kiến trúc cổ ở Quận 1, nơi sôi động bậc nhất TPHCM có thể quen thuộc với nhiều người nhưng khi những nơi ấy là một phần của sản phẩm du lịch, du khách trải nghiệm sẽ có những giây phút lắng lòng, cảm nhận nhiều hơn giá trị văn hoá của thành phố 300 năm tuổi.
Lạ mà quen với 'Quận 1- Sống động Sài Gòn' ảnh 1

Theo đó, du khách và người dân sẽ cùng khám phá nét đẹp văn hoá - lịch sử với các dấu mốc độc đáo trong chặng đường hơn 300 năm tuổi của Thành phố, từ Sài Gòn - Gia Định đến TPHCM hiện nay qua các công trình kiến trúc nổi tiếng như: Bưu điện Trung tâm, Nhà thờ Đức Bà, khách sạn Intercontinatal, Nhà hát Thành phố, Công viên Bến Bạch Đằng, Cột cờ Thủ Ngữ, cầu Thủ Thiêm 2...

Lạ mà quen với 'Quận 1- Sống động Sài Gòn' ảnh 2

Du khách đang được nghe giới thiệu về cà phê, một hình ảnh khác lạ của Bưu điện Thành phố.

Lạ mà quen với 'Quận 1- Sống động Sài Gòn' ảnh 3

Anh Lại Văn Mạnh (ngụ TP Thủ Đức) tranh thủ thưởng thức ly cà phê miễn phí trước cổng Bưu điện trung tâm: "Quá hay, quá vui, quá phấn khởi cho sự phục hồi sau đại dịch của TPHCM. Trước khi tham gia tour này, tôi tranh thủ đạp xe vòng quanh trung tâm, hít thở không khí. Theo hướng dẫn viên, tôi mới được ngắm nhìn TPHCM từ nhiều góc độ. Tôi được trải mình dưới hàng me xanh của Đường sách TPHCM. Tôi được khám phá những công trình kiến trúc có tuổi đời trên 100 năm".

Lạ mà quen với 'Quận 1- Sống động Sài Gòn' ảnh 4

Một vị khách trong tour ngẫu hứng cùng ban nhạc.

Lạ mà quen với 'Quận 1- Sống động Sài Gòn' ảnh 5

Du khách thưởng thức một tách cà phê pha đúng chuẩn.

Lạ mà quen với 'Quận 1- Sống động Sài Gòn' ảnh 6

Cà phê đường sách Nguyễn Văn Bình, một địa chỉ ưa chuộng của giới trẻ.

Lạ mà quen với 'Quận 1- Sống động Sài Gòn' ảnh 7

Dừng lại trước bảng thông tin về toà nhà của Sở VH-TT TPHCM, du khách hiểu thêm khi xưa kia, bót Catinat có căn hầm sâu dưới mặt đất. Các xà lim lớn, nhỏ mà mật thám Pháp đã giam giữ nhiều tù nhân chính trị. TPHCM hơn 300 năm tuổi thì đường Đồng Khởi đã tồn tại ngót nghét 2/3 chặng đường lịch sử ấy. Do người Pháp xây vào thế kỷ 19, đường Đồng Khởi từng mang tên đường số 16, Catinat, Tự Do và hiện nay là Đồng Khởi. Trong phạm vi chỉ 630m, con đường chạy thẳng từ sông Sài Gòn lên đến nhà thờ Đức Bà, thời Pháp thuộc gọi là “rue Catinat” in đầy dấu chân các tướng tá, chính trị gia, thương nhân, ngôi sao điện ảnh, văn sĩ, nhà báo...

Lạ mà quen với 'Quận 1- Sống động Sài Gòn' ảnh 8
Kế đến, du khách hướng về ngã tư Lê Thánh Tôn-Đồng Khởi để đến với toà nhà UBND TPHCM. Công trình nổi tiếng này đã hơn trăm tuổi, là điểm nhấn kiến trúc ở trung tâm TPHCM, thu hút nhiều khách du lịch. Trụ sở UBND TPHCM được xây từ năm 1898 đến 1909 mới hoàn thành. Công trình do kiến trúc sư Femand Gardès thiết kế, riêng phần trang trí ban đầu do họa sĩ - điêu khắc gia Ruffier đảm trách.
Lạ mà quen với 'Quận 1- Sống động Sài Gòn' ảnh 9

Công trình được thiết kế theo dạng lầu chuông đúc cao - kiểu kiến trúc phổ biến ở miền Bắc nước Pháp. Thiết kế mặt đứng công trình có sự pha trộn của nhiều phong cách kiến trúc châu Âu như bố cục mặt bằng kiểu kiến trúc Phục hưng, trang trí phù điêu kiểu Baroque và Rococo, các cửa sắt kiểu Art Nouveau. Từ năm 1975, toà nhà toạ lạc ở số 86 đường Lê Thánh Tông (phường Bến Nghé, Quận 1), là trụ sở của UBND TP HCM. Công trình này vừa được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.

Lạ mà quen với 'Quận 1- Sống động Sài Gòn' ảnh 10

Vòng qua ngã tư Đồng Khởi- Công trường Lam Sơn, du khách sẽ đi ngang qua nhà hàng của khách sạn Continental Sài Gòn. Khách sạn này càng thêm nổi tiếng khi xuất hiện trong một số cảnh quay chính bộ phim "Đông Dương" của đạo diễn Wargnier. Phim được công chiếu trên toàn thế giới vào năm 1992, đoạt hai giải thưởng điện ảnh lớn là Oscar và Quả Cầu Vàng.

Lạ mà quen với 'Quận 1- Sống động Sài Gòn' ảnh 11

Năm 2002, vẻ đẹp lộng lẫy theo thời gian của khách sạn Continental Sài Gòn một lần nữa tỏa sáng trong bộ phim "Người Mỹ trầm lặng" do Phillip Noyce làm đạo diễn. Khách sạn Hotel Continental Saigon cũng là nơi nhà văn Graham Greene sống trong thời gian ông viết cuốn tiểu thuyết cùng tên vào năm 1951, khi ông di chuyển giữa Sài Gòn và Bến Tre.

Lạ mà quen với 'Quận 1- Sống động Sài Gòn' ảnh 12
"Sài Gòn chợt nắng, chợt mưa. Mới mưa đó rồi tạnh đó, thật là thú vị", một du khách chia sẻ sau khi núp mưa, ra phố đi bộ Nguyễn Huệ chụp ảnh lưu niệm.
Lạ mà quen với 'Quận 1- Sống động Sài Gòn' ảnh 13
Bà Mai Thị Hồng Hoa, Phó Chủ tịch UBND Quận 1 cho biết, Quận 1 được xem là địa phương sở hữu nhiều tài nguyên du lịch văn hóa như các di tích, bảo tàng, các sự kiện lễ hội của Thành phố, hệ thống các cơ sở lưu trú hiện đại, cao cấp, văn hóa ẩm thực phong phú, đa dạng. "Chương trình ra mắt giới thiệu sản phẩm du lịch hôm nay được diễn ra trong bối cảnh Quận 1 nói riêng và Thành phố nói chung đang từng bước thực hiện Chiến lược phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, trong đó ngành du lịch đang triển khai giai đoạn 3 của quá trình khôi phục các hoạt động du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn với COVID-19", bà Hoa nhấn mạnh.
Lạ mà quen với 'Quận 1- Sống động Sài Gòn' ảnh 14
Du khách hướng về cột cờ Thủ Ngữ. Cột cờ Thủ Ngữ ngay từ khi xây dựng vào năm 1865 đã có cấu trúc đặc biệt: Ngoài cột cờ cao bên sông Sài Gòn, tổng thể công trình này còn có ba tầng giật cấp. Phần dưới cùng là nền cao, phía trên xây một ngôi nhà bao quanh chân cột cờ và gian chính giữa cao hơn có phần mái hình bát giác.
Lạ mà quen với 'Quận 1- Sống động Sài Gòn' ảnh 15
Bên trong nhà lưu niệm cột cờ thường xuyên diễn ra các chương trình giao lưu âm nhạc phục vụ du khách.
Lạ mà quen với 'Quận 1- Sống động Sài Gòn' ảnh 16

Cột cờ Thủ Ngữ được xây dựng vào tháng 10/1865 tại khu vực Ngã ba rạch Bến Nghé - sông Sài Gòn, đối diện với Bến Nhà Rồng (địa chỉ hiện nay: số 2 đường Tôn Đức Thắng, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1). Cột cờ có chức năng báo hiệu cho tàu ra vào cảng Nhà Rồng và cũng là tín hiệu để tàu bè đi trên sông Sài Gòn biết nơi đây nếu cần ghé vào để khỏi lạc xuống Cần Giờ hoặc ra Vũng Tàu.

Tên gọi "Thủ Ngữ" có thể hiểu theo nghĩa: thủ = giữ, ngữ = án ngữ, tức cột cờ này án ngữ ngay lối đường thủy ra vào với chức năng báo hiệu cho tàu bè. Cách hiểu này trùng với tên gọi ban đầu người Pháp gọi cột cờ này là "Mât des signaux" (cột tín hiệu).

Theo bà Mai Thị Hồng Hoa, tài nguyên du lịch chỉ mãi là tài nguyên nếu như không đầu tư, khai thác, trùng tu, quản lý và kết nối thành các tour tuyến, sản phẩm du lịch. Do đó, việc UBND Quận 1 phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là là đơn vị Lữ hành Fiditour khảo sát xây dựng 2 tour du lịch trên địa bàn Quận 1 không chỉ nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh về du lịch, hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng mà còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử và tài nguyên du lịch của Quận 1. Đây còn là hoạt động rất có ý nghĩa, là một trong những “chìa khóa” giúp ngành du lịch Quận 1 “như chiếc lò xo bị nén bật lên mạnh mẽ” trong trạng thái bình thường mới sau đại dịch COVID-19.

Tin liên quan