"Đầu và giữa tuần, khách gửi xe chưa đông lắm nhưng từ thứ 5, thứ 6, lượng khách đi du lịch nội địa dịp cuối tuần tăng cao nên bãi đỗ thường chật kín ô tô", anh Nguyễn Văn Thành (SN 1976), chủ bãi trông xe Thành Hùng nói.
Người đàn ông này tiết lộ, trước khi dịch COVID-19 bùng phát, lúc cao điểm, gia đình anh trông giữ tới 60 chiếc ô tô. Còn ngày thường, trung bình có khoảng hơn 30 chiếc.
Đợt giáp và sau Tết, bốn người gồm vợ chồng anh, người em trai và người anh rể làm việc không xuể, "trắng đêm" nhận và trả xe cho khách hàng. Đến nay, gia đình anh Thành đã có hơn 7 năm gắn bó với nghề trông giữ xe.
Chuyển nghề nông sang trông "bốn bánh"
Vợ chồng anh Thành cũng như nhiều hộ dân khác ở làng Tân Trại, xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn trước đây chủ yếu mưu sinh bằng nghề nông, cả năm quanh quẩn bên những cánh đồng trồng hoa màu và lúa.
Năm 1995, khi nhà ga nội địa T1 (thuộc sân bay Nội Bài) được xây dựng, một phần ruộng của gia đình nằm trong diện đất quy hoạch bị thu hồi. Thời điểm xây ga quốc tế T2, gia đình anh chỉ còn lại hơn 200 m2 đất ruộng. Vì diện tích chẳng đủ cày cấy, anh Thành và vợ đành bỏ không, chuyển làm nghề tự do.
Năm 2014, thấy nhiều người lái ô tô riêng từ nội đô ra sân bay nhưng không biết gửi ở đâu, anh Thành bàn với em trai tận dụng mảnh vườn bố mẹ để lại, cải tạo thành bãi trông xe. Ban đầu, họ sử dụng một phần đất, đem nâng nền, láng bê tông làm sàn rồi dựng cột, thiết kế mái che với sức chứa 10 chiếc ô tô.
Sau này, nhu cầu khách gửi đông hơn, mấy anh em quyết định mở rộng quy mô, tận dụng mảnh đất 2.000 m2 từng trồng cây cối, rau màu không hiệu quả để xây dựng cơ sở vật chất, làm thành bãi. Người đàn ông vốn chỉ quen việc đồng áng, nay chuyển từ làm nông sang trông "bốn bánh" đã thành thạo lái ô tô, nhận đưa đón và trả xe mỗi ngày cả vài chục chuyến.
Thời gian đầu chủ yếu khách mới, gia đình anh Thành thường chụp lại công tơ mét, kiểm tra các hạng mục của xe trước khi nhận trông. Sau này, khách gửi quen, thấy yên tâm nên thường giới thiệu cho bạn bè, người thân có nhu cầu.
Chi phí trông xe tại bãi là 60.000 đồng/chiếc, bao gồm cả đưa đón khách miễn phí hai chiều. Đợt dịch Covid-19 năm ngoái, các đường bay chưa mở, công việc trông xe của gia đình anh Thành "đóng băng" hơn nửa năm.
"Bây giờ, khách gửi xe đông, trung bình mỗi ngày hơn 30 chiếc. Lúc cao điểm, cả nhà tôi bốn người, gồm hai vợ chồng, em trai và anh rể làm không xuể, bận bịu bất kể sáng sớm hay đêm khuya. Có lúc tôi còn sợ nghe điện thoại vì khách liên hệ gửi xe quá nhiều. Hiện con gái và con trai tôi cũng học thêm bằng lái xe để phụ giúp bố mẹ", anh Thành nói.
Số lượng xe đông, để phân biệt và dễ ghi nhớ, anh Thành lưu số điện thoại khách theo biển số xe. Anh cũng làm sẵn một cuốn sổ ghi chép ngày giờ giao, nhận xe từ khách.
Người đàn ông này thừa nhận, công việc trông giữ xe có thể mang lại thu nhập cao hơn nhiều so với làm nông nhưng bó buộc thời gian. Trung bình, hai vợ chồng anh kiếm được 20 triệu đồng/tháng, đủ dư dả nuôi hai con ăn học và tích cóp một phần để phòng thân.
"Có tháng cao điểm, trừ chi phí duy trì hoạt động, chúng tôi thu lời được 30, 40 triệu đồng nhưng cũng có khi vắng khách, thu nhập ít hơn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, công việc này thời gian không cố định. Những lúc nửa đêm hay 3,4 giờ sáng có khách gọi, vợ chồng tôi lại bật dậy đi nhận hoặc trả xe", chủ bãi trông xe chia sẻ.
Anh Thành cho hay, kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 hay đầu mùa hè là thời gian cao điểm khách gửi xe nhiều nhất. Lúc ấy, trẻ em được nghỉ hè, các gia đình đi du lịch nghỉ dưỡng rất đông. "Những khách du lịch châu Âu dài ngày hay sang nước ngoài thăm con cái thì gửi xe lâu hơn. Thậm chí một số người vì ảnh hưởng dịch bệnh mà không thể tới lấy xe, gửi ở đây cả vài tháng. Giai đoạn khó khăn như vậy, tôi cũng hỗ trợ và giảm chi phí trông xe cho khách hàng", người đàn ông U50 kể.
Những bữa cơm bỏ dở, những giấc ngủ đêm chập chờn
Là một trong những hộ dân "tiên phong" chuyển đổi từ làm nông sang trông xe "bốn bánh" ở làng Tân Trại, vợ chồng anh Trần Văn Tuấn (SN 1971) và chị Nguyễn Thị Bình (SN 1972) nhiều năm nay đã quá quen cảnh bữa cơm ăn 4, 5 lần chưa xong.
"Khách mới họ tự đưa xe vào bãi nhưng khách quen sẽ gọi chúng tôi ra sân bay lái về. Với khách bay nội địa, giờ giấc khá ổn định nhưng người đi nước ngoài thì giao, nhận xe cả lúc sáng sớm hoặc đêm khuya. Những ngày cao điểm, hai vợ chồng phải ăn tối lúc 10 giờ. Thậm chí, ngày thường, cơm ăn cũng bỏ dở giữa chừng vài lần vì khách gọi", anh Tuấn nói.
Trước đây, chị Bình ở nhà làm nông, anh Tuấn lái taxi trong sân bay. Khi đất ruộng bị thu hồi, họ chuyển sang kinh doanh nhà trọ, xây 7 phòng cho thuê. Năm 2015, thấy tiềm năng phát triển của dịch vụ trông xe, hai vợ chồng anh Tuấn dỡ khu trọ, chuyển hướng làm bãi giữ ô tô.
Vì khoảng sân sẵn có của gia đình khá hẹp, anh chị thuê thêm mảnh đất 1.400 m2 ở cạnh nhà với chi phí 7-8 triệu đồng/tháng để mở rộng bãi giữ xe. Họ đầu tư lắp đặt thêm hệ thống trạm sạc xe ô tô điện, phòng khi khách có nhu cầu.
Con cái sống ở xa, nhà chỉ có hai vợ chồng thay nhau trông nom bãi. Họ không thuê thêm người làm việc vì lo ngại nhiều vấn đề phát sinh. Mỗi ngày, gia chủ nhận tới vài chục xe ô tô, có chiếc trị giá cả chục tỷ bạc. Vì chưa có bằng lái nên chị Bình đảm nhiệm việc đưa đón khách ra vào sân bay bằng xe máy, còn anh Tuấn một mình giao, nhận xe.
"Có ngày khách đông, một mình tôi nhận 3, 4 chiếc. Ở sân bay có thời gian đỗ xe cho phép, tôi cứ chạy xe lần lượt xuống hầm rồi lái từng chiếc về nhà. Còn nếu trả một lúc nhiều xe, tôi phải nhờ hàng xóm trợ giúp. Xung quanh các nhà đều làm bãi, có kinh nghiệm nên mọi người nhiệt tình hỗ trợ nhau khi cần. Thậm chí có ngày bãi đỗ kín chỗ, chúng tôi lại san sẻ xe sang nhà nhau để ai cũng đông khách", chủ bãi xe Tuấn Bình cho biết.
Vì đặc thù công việc, đôi vợ chồng tuổi ngoài 50 thường xuyên "trắng đêm", còn những bữa cơm cũng liên tục bị gián đoạn. Chỉ cần khách gọi, dù lúc nửa đêm hay tờ mờ sáng, họ vội bật dậy ra sân bay.
"Có khi đưa khách ra sân bay, họ quên đồ trên xe, tôi lại chạy về nhà lấy. Hay dịp Tết, khách gửi xe đông, vợ chồng tôi phải tranh thủ qua thăm họ hàng, người thân dù nội ngoại hai bên đều sống ở gần đây. Thậm chí, tôi gần như phải hạn chế nhậu nhẹt, phần vì bận rộn, phần vì muốn khách yên tâm", anh Tuấn cho hay.
Ngoài nhận trông xe, đưa đón khách ra sân bay, người đàn ông có kinh nghiệm lái xe đường dài đôi khi còn kiêm cả vai trò thợ sửa chữa, tài xế "bất đắc dĩ". Khi phát hiện xe gặp vấn đề về kỹ thuật như hỏng hóc, xịt lốp..., anh Tuấn sẽ chụp ảnh "báo cáo" khách rồi đem đi sửa hoặc tự xử lý nếu khách yêu cầu. Nhiều khách gửi xe lâu, không nhờ được ai giúp, anh lại vượt cả trăm cây số tới giao xe cho khách tận nhà.
Anh H. (đến từ Quảng Ninh) - một vị khách gửi xe tại làng Tân Trại đã nhiều năm chia sẻ: "Chi phí trông xe ở đây khá rẻ, chỉ 60.000 đồng/ngày, bằng 1/4 mức giá ở sân bay mà khách hàng cũng chủ động được việc đi lại.
Đặc biệt, các bãi xe ở đây đều có sân rộng, mái che và nhiều camera đảm bảo an toàn, tránh tình trạng va quệt. Chủ bãi cũng nhiệt tình hỗ trợ khách khắc phục các sự cố ở xe và đưa đón khách hai chiều ra sân bay hoàn toàn miễn phí".
Link gốc: https://dantri.com.vn/doi-song/la-lung-ngoi-lang-o-ha-noi-dan-doi-doi-nho-trang-dem-canh-o-to-20220216223521151.htm?