Kỳ vọng nhiệm kỳ Chính phủ mới

0:00 / 0:00
0:00
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo bỏ phiếu tại Quốc hội
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo bỏ phiếu tại Quốc hội
TP - “Ngay từ kỳ họp thứ 5, tôi đã ủng hộ Thủ tướng sử dụng quyền lực của Hiến pháp để thực hiện công tác điều hành, thậm chí có thể đình chỉ luôn chức vụ nào đó. Anh làm việc không tốt thì ngồi yên đó, tôi giao việc cho người khác. Tất nhiên, điều đó đòi hỏi ở một Thủ tướng bản lĩnh, linh hoạt, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng trao đổi với PV Tiền Phong.

Dấu ấn đặc biệt

Tuần này, Quốc hội tiếp tục kiện toàn nhân sự bộ máy Nhà nước, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Cá nhân ông đánh giá gì về những người đã được Quốc hội bầu và sẽ được bầu?

Những người được giới thiệu để Quốc hội bầu đều từng kinh qua các hoạt động khác nhau trong bộ máy Nhà nước. Họ đều thể hiện được bản lĩnh chính trị và chuyên môn, có đủ năng lực, phẩm chất và sức khỏe để tham gia công việc ở tầm cao. Đặc biệt, sản phẩm của các vị lãnh đạo để lại đều rất tốt. Từ lãnh đạo ở cấp địa phương cho đến Trung ương, họ đều để lại dấu ấn riêng với những kinh nghiệm quý giá, cùng những kết quả rất đáng ghi nhận. Ngoài dấu ấn cá nhân, họ đã để lại dấu ấn bằng những sản phẩm cụ thể.

Chẳng hạn như ở Quảng Nam, quê hương và là nơi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng công tác. Từ một tỉnh rất khó khăn, bây giờ đã trở thành địa phương phát triển tương đối tốt.

Còn Hà Nội, trái tim của cả nước, nơi tân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm Bí thư Thành ủy, vẫn luôn là “đầu tàu” trên rất nhiều lĩnh vực.

Đảng đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng với tất cả các nhân sự cấp cao trong bộ máy Nhà nước. Ví dụ ông Nguyễn Xuân Phúc đã trải qua một thời kỳ lãnh đạo Chính phủ, đương đầu với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Ông Nguyễn Xuân Phúc đã được giới thiệu để được bầu làm Chủ tịch nước là rất xứng đáng.

Có thể nói, Chính phủ nhiệm kỳ này đã để lại một nền tảng vững chắc cho nhiệm kỳ tiếp theo.

Hôm nay tân Chủ tịch nước,

Thủ tướng tuyên thệ

trước Quốc hội

Tiếp tục chương trình nghị sự, hôm nay 5/4, Quốc hội tiến hành bầu tân Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau khi tuyên thệ nhậm chức, tân Chủ tịch nước trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ. Chiều cùng ngày, sau khi được Quốc hội bầu, tân Thủ tướng sẽ thực hiện nghi thức tuyên thệ. Trước đó, ông Nguyễn Xuân Phúc đã được giới thiệu để Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Tiếp tục kiện toàn nhân sự, trong hai ngày 6 và 7/4, Quốc hội miễn nhiệm, bầu thay thế Phó Chủ tịch nước, một số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau đó, Quốc hội tiếp tục kiện toàn bộ máy Chính phủ, miễn nhiệm và bầu thay một số Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ; một số Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia; Phó Chủ tịch và một số Ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh.

LUÂN DŨNG

Quốc hội trực tiếp giám sát hoạt động của Chính phủ và “chấm điểm” qua việc lấy phiếu tín nhiệm. Theo ông, những tiêu chí cụ thể nào để đánh giá tập thể Chính phủ, Thủ tướng cũng như các Bộ trưởng?

Đối với Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, sẽ căn cứ vào những chỉ tiêu mang tính tổng quát. Quốc hội đã đặt ra 13 chỉ tiêu tổng quát và sẽ giám sát Thủ tướng. Ngoài ra Quốc hội còn giám sát hình ảnh Thủ tướng và những vấn đề có liên quan đến cá nhân Thủ tướng. Vì chúng ta có hai chế định là Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Nhưng đối với các bộ trưởng, trưởng ngành, Quốc hội chủ yếu giám sát vào sản phẩm trực tiếp của họ. Chẳng hạn, với Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, bao giờ cũng phải căn cứ vào chỉ tiêu tạo việc làm, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Chỉ tiêu thứ hai là vấn đề an sinh xã hội. Người ta sẽ nhìn vào việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ để lấy chỉ tiêu tổng hợp ấy đưa vào chỉ tiêu chung của chính phủ.

Chúng ta có gần 30 bộ, ngành, nhưng Quốc hội chỉ ban hành 13 chỉ tiêu. Vì thế, có những chỉ tiêu cần nhiều bộ, ngành cùng tham gia vào. Điều này phụ thuộc vào quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và các hoạt động của các ngành do tư lệnh ngành đó nắm giữ.

Ưu tiên phát triển kinh tế

Từ thực tế điều hành, theo ông làm gì để tránh tình trạng “quả bóng trách nhiệm” đá qua đá lại giữa các bộ ngành?

Cái đó phụ thuộc vào một số vấn đề, trong đó có thể chế, chỉ đạo điều hành của Chính phủ và Thủ tướng. Khi có vấn đề, lĩnh vực nào đó cần giải quyết ngay, lúc đó, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng vô cùng quan trọng. Thủ tướng có thể yêu cầu dừng vấn đề này lại để ưu tiên vấn đề kia; có thể yêu cầu tăng ngân sách cho lĩnh vực này, giảm ngân sách ở lĩnh vực kia; hoặc ưu tiên phục vụ cho địa phương này mà cắt giảm địa phương khác…

Việc trực tiếp điều hành của Thủ tướng rất quan trọng. Chỉ đạo của Thủ tướng thông qua các quyết định, ý kiến chỉ đạo mà cấp trưởng ngành và các địa phương phải tuân thủ. Nếu không tuân thủ nghĩa là anh chống đối, vi phạm pháp luật. Ngay từ kỳ họp thứ 5, tôi đã ủng hộ Thủ tướng sử dụng quyền lực của Hiến pháp để thực hiện công tác điều hành, thậm chí có thể đình chỉ luôn chức vụ nào đó. Ông làm việc không tốt thì ngồi yên đó, để tôi giao việc cho người khác. Với Chủ tịch UBND cấp tỉnh chẳng hạn, không làm được việc, Thủ tướng có thể đình chỉ, giao việc cho cấp phó.

“Tôi tin bộ máy Chính phủ, Quốc hội mới sẽ có được nhiều thành công hơn, hoàn thành tốt nhiệm vụ; đáp ứng được mong muốn, kỳ vọng, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân”

Ông Lưu Bình Nhưỡng

Kỳ vọng nhiệm kỳ Chính phủ mới ảnh 1

Thủ tướng là người chịu trách nhiệm, mà lại không giao quyền thì không được. Còn nếu Thủ tướng không làm được việc, lúc đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Với những việc vượt thẩm quyền, Thủ tướng sẽ báo cáo Ban Bí thư, Bộ Chính trị, để đình chỉ chức vụ một ai đó, chuyển sang chức vụ khác, rồi báo cáo trước Quốc hội. Đồng thời cũng phải khơi gợi về văn hóa từ chức, thậm chí Thủ tướng cũng có thể gợi ý cho những ai không làm được việc thực hiện văn hóa này… Tất cả những điều đó đòi hỏi một Thủ tướng bản lĩnh, linh hoạt, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Theo ông, những công việc quan trọng nhất mà bộ máy Chính phủ mới cần phải thực hiện trước tiên là gì?

Trước hết phải rà soát lại toàn bộ công việc, sử dụng bộ máy tham mưu, giúp Thủ tướng đánh giá lại toàn bộ hệ thống của mình và hệ thống chỉ tiêu, nhiệm vụ. Sau đó phân loại theo hướng ưu tiên, rồi đưa ra tập thể Chính phủ xem xét, quyết định.

Ưu tiên đầu tiên của chúng ta đương nhiên phải là phát triển kinh tế.

Với nông nghiệp, cần phải tiếp tục củng cố, coi là một lĩnh vực được ưu tiên, dồn khoa học công nghệ vào để giữ được vị thế của chúng ta như một “chị nuôi” của toàn thế giới. Nông nghiệp cần giải quyết vấn đề trước mắt, song cũng phải tính đến các phương án lâu dài: 10 năm sau, trong tay anh sẽ có bao nhiêu sản phẩm, thu nhập trên đầu người bao nhiêu?

Bên cạnh đó, phải tập trung vào lĩnh vực giao thông, có định hướng lâu dài và quy hoạch hệ thống công trình ngầm, để giao thông trở thành mạch máu quốc gia. Đồng thời sớm rà soát về hệ thống hàng không, xem xét mở cửa đường bay trở lại, để khơi thông du lịch, đón nhà đầu tư nước ngoài sau đại dịch. Tất nhiên, những khó khăn, bức xúc còn tồn tại trong nhiệm kỳ trước vẫn cần phải quyết liệt xử lý, tập trung giải quyết dứt điểm 12 đại dự án thua lỗ, cần thiết bán hết, cho thuê hết, dành nguồn lực cho giao thông vận tải.

Nhiệm vụ thì rất nhiều, nhưng để thực hiện thành công, phải củng cố ngay công tác cán bộ. Trên cơ sở các nhiệm vụ đề ra, phải đi tìm người thực hiện nhiệm vụ đó. Ưu tiên nhiệm vụ nào cần phải cán bộ thực thi nhiệm vụ đó phù hợp. Nếu xác định được nhiệm vụ rồi, mà không có nguồn lực con người sẽ không có thành công.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG