VƯỢT INDONESIA
Tổng cục Du lịch tổng kết năm 2019, thông báo nhiều kết quả khả quan. Du lịch đón khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế (tăng trên 16% so với năm 2018), phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa (tăng trên 6%). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 720.000 tỷ đồng (tăng hơn 16%). Lãnh đạo Bộ VHTTDL đánh giá cao kết quả của ngành, bởi đây là lần đầu Việt Nam vượt Indonesia. Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, đánh giá, đây là mức tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều bất ổn và ảnh hưởng tới du lịch toàn cầu.
Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch châu Á- Thái Bình Dương, hết quý II năm 2019, Việt Nam đứng thứ 10 trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đón khách cao nhất châu Á- Thái Bình Dương, vượt qua Indonesia để đứng thứ tư Đông Nam Á, sau Thái Lan, Malaysia và Singapore. Trong giai đoạn 2015-2019, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng hơn hai lần, từ 7,9 triệu lượt lên 18 triệu lượt, mức bình quân đạt hơn 22%/năm.
Ông Khánh đánh giá, năm 2019, nhiều địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch, kiểm soát, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch để phục vụ du khách tốt hơn trong các dịp lễ tết, mùa cao điểm. Thừa Thiên- Huế, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Ninh Bình, Quảng Nam, Thanh Hóa, Nghệ An... đã làm tốt công tác này.
Trong buổi làm việc tại Tổng cục Du lịch vừa qua, Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá, kết quả của ngành du lịch là sự nỗ lực rất lớn thể hiện “tinh thần và ý chí Việt Nam”. Nửa đầu năm 2019, cả ngành du lịch khá lo lắng vì có những tháng khách quốc tế sụt giảm nghiêm trọng, thậm chí nhiều người nghĩ tới kịch bản xấu nhất là không hoàn thành chỉ tiêu. Tuy nhiên, bốn tháng cuối năm, du lịch bứt phá ngoạn mục, trong đó hai tháng cuối đạt con số kỷ lục - đón khoảng 1,8 triệu khách quốc tế.
THÁO GỠ ÐIỂM NGHẼN
Tiếp đà tăng trưởng từ mấy năm nay tạo nên dư địa phát triển cho du lịch, lãnh đạo Tổng cục Du lịch nhắc tới mục tiêu cũng là áp lực của ngành trong năm mới: Đón khoảng 20,5 triệu khách quốc tế, phục vụ 90 triệu lượt khách nội địa và đạt mức tổng thu du lịch trên 830 nghìn tỷ đồng.
Vừa qua, Chính phủ gia hạn miễn thị thực cho công dân Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Belarus khi nhập cảnh vào Việt Nam. Thời hạn miễn tới 31/12/2022, với thời hạn tạm trú tại Việt Nam không quá 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Quyết định tạo động lực không nhỏ cho ngành du lịch thu hút khách quốc tế, bởi visa lâu nay vẫn được coi là rào cản khá lớn. Tuy nhiên, chính sách thị thực vẫn là một trong các điểm nghẽn cần tháo gỡ, theo đánh giá của nhiều chuyên gia du lịch. Một số điểm nghẽn về chất lượng sản phẩm, nguồn nhân lực, môi trường du lịch bền vững cũng cần được quan tâm, tháo gỡ.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nêu tín hiệu năng lực cạnh tranh tăng 12 bậc trong 4 năm qua, tuy nhiên, ngành du lịch cần lưu ý khắc phục hạn chế ở một số lĩnh vực cụ thể. Chỉ số cạnh tranh về giá đứng 22/140, chỉ số tài nguyên văn hóa và dịch vụ công xếp thứ 29/140 nhưng vẫn chưa thể bằng các quốc gia trong khu vực như Singapore, Malaysia hay Indonesia. Bên cạnh đó, một vài chỉ số của Việt Nam được đánh giá rất thấp như mức độ ưu tiên cho ngành du lịch chỉ đạt 100/140, hạ tầng du lịch ở mức 106/140, bền vững về môi trường đứng 121/140.
Lãnh đạo Tổng cục Du lịch cũng thừa nhận một số hạn chế, bất cập của du lịch trong năm qua: Chưa tạo được sản phẩm mang thương hiệu quốc gia; môi trường du lịch còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ; môi trường tự nhiên bị ô nhiễm tại một số thành phố lớn; vấn đề xử lý rác thải tại một số khu du lịch biển; an toàn thực phẩm và an toàn giao thông còn nhiều bất cập; công tác xúc tiến, quảng bá còn thiếu bài bản; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện yêu cầu ngành du lịch cần có nhiều giải pháp thu hút khách quốc tế ngay từ đầu năm, chủ động các giải pháp ứng phó kịp thời trước diễn biến thời sự. Năm qua, ngành du lịch thực hiện chuỗi hoạt động hợp tác quốc tế để thu hút du khách như hợp tác song phương quảng bá, xúc tiến tại các thị trường trọng điểm như tại Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc... Du lịch cũng chú trọng tới các thị trường tiềm năng như Ấn Độ.
Tại Giải thưởng Du lịch thế giới lần thứ 26, du lịch Việt Nam thăng hạng với nhiều giải thưởng. Lần đầu tiên Việt Nam được gọi tên trong hạng mục “Điểm đến di sản hàng đầu Thế giới 2019”. Các giải thưởng hàng đầu trong khu vực và thế giới gồm: Điểm đến Golf tốt nhất thế giới 2019, Điểm đến hàng đầu châu Á 2019, Điểm đến Golf tốt nhất châu Á 2019, Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019, Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á 2019.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, ngành tập trung một số nhiệm vụ trong năm 2020 để đạt mục tiêu đón hơn 20 triệu khách quốc tế: Phổ biến và triển khai Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, đưa Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch vào hoạt động, đẩy mạnh quảng bá du lịch nhân Năm Chủ tịch ASEAN 2020, cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư vào du lịch, phát triển đa dạng hóa sản phẩm.