Kỷ vật tật nguyền

Minh họa: Huỳnh Ty.
Minh họa: Huỳnh Ty.
TP - Kỷ vật chắc phải là một thứ gì đó ghê gớm lắm, nếu không đẹp thần bí thì chí ít cũng phải nguyên vẹn tròn trịa chứ. Không hẳn, như trong câu chuyện này, kỷ vật là chiếc vòng kiềng đeo cổ bằng vàng bị gãy.

Chiếc vòng kiềng xuất hiện trong một đám cưới làng quê cách đây hai mươi năm. Người đến dự trầm trồ khi bà già năm mươi tuổi bật nắp hộp xốp bọc nhung màu đỏ tía, lấy chiếc vòng đeo vào cổ cô con dâu. Chỉ trong tích tắc, cái vòng gãy đôi.

Bà kể lại một cách ráo hoảnh về giây phút trao quà cưới ấy, ngữ điệu bình thường nhạt nhòa của một người đứt hơi. Có lẽ vì ngay cái tích tắc ấy bà đã chết, theo một nghĩa nào đó. Mấy trăm cặp mắt trong tiệc cưới đã vày vò một phụ nữ năm mươi trên sân khấu. Có chừng đó việc mà làm không xong, huống chi sống kiếp đời với dâu con. 

Đám cưới to nhất vùng hóa thành cái đám thừa mứa, vô duyên. Không có những gã đàn ông loạng choạng rớt bờ dúi bụi, họ nhạt mồm nhạt miệng ra về. Chỉ còn ba người say: ba mẹ chú rể và chú rể.

Ông già năm mươi tuổi, một tay đào vàng bụi bặm trước đấy hai ngày quyết tâm từ giã núi rừng, gom một cú vét cuối cùng thổi được cái vòng kiềng làm quà cưới con trai, giờ cũng sõng soài trên thềm hiên. Chú rể nhận những ly rượu chúc mừng, hay chia buồn tiếc nuối, không kịp bắt tay tiễn bạn đã úp mặt xuống bàn. Bà năm mươi cả đời không đụng giọt rượu, giờ chỉ chuốc dăm chén lảo đảo rớt xuống giường nặng trịch.

Chỉ cô dâu không say, cô bần thần ngồi góc nhà, ngỡ đám đông đưa dâu không tới được nhà trai mà ào tới chỗ tòa án, có hai người gật đầu đồng ý tự nguyện ly hôn. Nhẹ nhàng êm ái vì không có tài sản gì nhiều. À, đúng ra là có một cái vòng gãy đôi có thể chia rất dễ. Nhưng cái vòng đó thất lạc đâu rồi không ai nhớ ra nên coi như khỏi chia. Hay cô dâu tưởng tượng cái đám rước linh đình đi qua nghĩa trang thì mắc kẹt, một người chết trẻ nằm trong quan tài, một người trẻ khác là vợ hoặc chồng bần thần gục xuống. Gãy gọn một tiếng kêu như chiếc đòn gánh bị đứt giữa đường.

Chính xác hai cảnh tượng này cô thấp thoáng thấy được trong mắt những người đi dự đám cưới. Gãy kiềng, rơi nhẫn, tuột khuyên/ trắng tang đứt gánh, chia riêng nẻo đường. Giá mà uống được, thì cô cũng gắng nuốt những chén cay cho đến say.

Sáng hôm sau, những người say đã tỉnh. Chợt thấy mình cần phải bù đắp cho một người mới có mặt trong gia đình này. Ông nói dậy đi bây, cũng phải sống đường hoàng tử tế cho người ta biết.

Bà chứng minh tình thương bù đắp của mình đầu tiên bằng cách trút tất cả phong bì mừng cưới vào một cái túi mang vào cho con dâu. Mẹ cho cả, để dành vốn làm ăn. Cô dâu ước chừng cái túi tiền có thể làm được chục cái vòng kiềng khác. Nhưng chục cái vòng vẹn nguyên sau đám cưới không giá trị bằng một cái vòng trên sân khấu. Tại vì chục cái vòng đó không chịu sự chứng kiến của người đời.

Ngôi nhà rộng thênh, bốn người ở thoải mái. Nhưng có cảm giác mọi sự chuyển động đều dè dặt, mọi chuyện đi đứng đều có chút khép nép co mình lại. Sợ những va chạm có thể làm sứt một góc tường, nứt một cái chậu nhựa, vỡ một cái bình sứ…

Kiêng dè đến mấy cũng có lúc sơ sểnh. Lần chị pha ấm trà cho bố chồng, vụng tay tuột cả ấm xuống nền nhà. Bà luống cuống chạy vào vội vàng gom những mảnh sành như kiểu chính bà là người làm vỡ. Cái ấm này ông rất quý, phải nhờ một người quen mua từ Trung Quốc về. Thôi vỡ rồi thì mua lại cái khác, ông nói không chút tiếc nuối, đồ vật nó cũng đến lúc mỏi mệt rệu rã, can hại chi phải bận tâm.

Anh giã nát mấy lá khoai lang non đắp vào tay vợ cho đỡ phỏng, xuýt xoa an ủi chắc chỉ bị nhẹ thôi, từ nay những thứ nóng và nặng cứ để anh làm.

Dâu mới về nhà, việc bếp núc đúng ra phải kham tất, nhưng bà đã giành hết. Mẹ làm quen rồi, con cứ ngủ cho đủ giấc. Đi chợ cũng chỉ mình bà. Chị chạy theo xin đi cùng. Bà bảo dâu mới về làng ra chợ người ta nhòm ngó, không hay. Một tháng sau ngày cưới, người ta chắc chưa quên cảnh bà mẹ vụng về trên sân khấu. Đời lạ lắm, cái cầu bắc qua sông bị gãy xôn xao ba bữa hết chuyện, cái đập nước mới xây xong đã nứt toác ti vi phản ánh một hai lượt rồi thôi. Người ta không nhớ qua được ngày thứ tư. Thế nhưng cái đám cưới miệt quê xứ này thì nhớ dai, ăn món gì ngon dở ra sao được bàn tán cả tháng trời. Vàng cho bao nhiêu chỉ bao nhiêu lượng khách ước tính được hết. Ít thì bị dèm pha túng bấn, nhiều bị chê cười khoe mẽ. Chừng nào có đám cưới mới, cái đám cưới cũ mới hết bị xoi mói xôn xao. Nhưng chuyện bất trắc trong đám cưới thì khó nguôi được trong một năm.

Chị bảo với chồng nhà mình ai cũng như đang đóng phim, cứ diễn diễn thế nào ấy. Chồng cười, sướng nhất em rồi, được mẹ chồng cưng như nâng trứng. Câu nói của chồng khiến chị bật cười theo, chính anh cũng vừa nói như lời thoại trên ti vi.

Một năm sau ngày cưới, chị sinh thằng cu kháu khỉnh. Bà tỉa cành dâu làm chuỗi cườm cho thằng cu tránh gió máy. Bà mua len đan áo ấm mũ đông. Chị khen mẹ khéo tay quá. Mấy cái việc nữ công bà đâu có tệ, ngon nữa là đằng khác. Không hiểu sao cái lần đó trao kiềng bà sơ ý thế thôi. Ngắm thằng cháu xinh xắn, bà mừng. Ít ra tới lúc này chưa có chuyện gì hệ trọng xảy ra với vợ chồng chúng nó.

Vợ chồng trẻ đôi khi cũng xích mích to tiếng qua lại. Bà xông vào can ngăn, khuyên bên này dỗ bên kia. Hai đứa đánh mẹ đi cho đỡ tức. Bà hét lên, cứ như chính bà là nguyên nhân gây ra chuyện. Lại nghĩ dại, có khi nào vì một lần căng thẳng nào đó mà xảy ra chuyện tan đàn xẻ đám. Nghĩ như vậy, bà thấy hiện lên hình ảnh chiếc vòng bất trắc ngày đám cưới. Lúc đó, người ta sẽ thỏa mãn cái sự nghi ngờ bấy lâu, rằng dân gian bày chuyện cũng có căn cơ, sự trời sắp đặt có báo hiệu hết, đừng đùa.

Tới tối vợ chồng đã làm lành được với nhau, đã cười nói hú hí trong buồng mà bà vẫn còn day dứt. Ông động viên bà, vợ chồng trẻ nông nổi là chuyện thường tình, bà với tui hồi xưa cũng thế thôi. Đến lúc nào thì hết? Có lẽ tới khi ra ở riêng.

Ông bà mua đám đất trong làng, ngay mặt tiền đường liên xã. Gom hết mấy thứ vàng dành dụm xây cho vợ chồng trẻ một cái nhà cấp bốn. Tuy là cấp bốn nhưng kiên cố, lợp ngói đỏ ngon lành, cũng nhứt xóm. Ông yên tâm từ nay vợ chồng con sẽ hết cãi cọ, hoặc nếu có to tiếng qua lại thì bà cũng không nghe thấy, đỡ nặng lòng. Nhưng bà thính, rất thính. Buổi tối nghe tiếng chó sủa bên xóm, chạy qua y chang cảnh con trai say rượu, con dâu nằm úp mặt khóc. Xoong nồi chén bát chổng chơ trước sân.

Mình bà dọn dẹp cất đặt. Cái chén cái dĩa vỡ hoặc sứt mẻ thì gom vứt ngay, nhất quyết không để dấu vết đổ vỡ trước nhà. Chỗ này mặt tiền gần đường sát ngõ, người làng qua về thấy cảnh sẽ đặt điều không hay. Dọn xong bà lủi thủi đi về. Đứng ở đấy chướng mắt, chúng nó vùng dậy ẩu đả lại như chơi. Còn can ngăn ư, bà đã hết lời rồi, chẳng lẽ cứ nhai đi nhai lại cái câu một điều nhịn chín điều lành.

Bà nhiều lúc thấy lòng mình rất mỏng, chỉ một chút xao động nhỏ cũng có thể quặn run lên. Chẳng hạn có hôm sang nhà con, nghe dâu bảo anh ấy đi nhậu chưa về. Bà ngồi chờ, ruột gan nóng bừng theo từng nhịp đồng hồ. Bà tưởng tượng ra cảnh thằng con say trúng gió nằm thẳng cẳng đâu đó. Hoặc con trai chạy xe máy loạng choạng đâm vào cột điện nứt đầu. Bà hỏi con dâu dạo này nó có hay say xỉn không. Con dâu đáp vẫn nhậu đều, anh đi làm mối quan hệ này nọ, kiêng sao được. Tới khi thấy con trai về tận nhà, bà mới yên tâm. Qua được một lần sốt ruột.

Ông bảo chúng nó đã ở riêng, bà ra đấy làm gì để chuốc lo vào thân thêm khổ. Nhưng thói quen khiến bà ngày nào cũng phải ghé qua nhà con ít nhất một lần. Có khi nửa đêm, chỉ cần nghe chộn rộn tiếng chó cắn nhau đầu ngõ, bà lủi thủi lần đi coi. Chẳng có chuyện gì ngoài mấy con chó ngứa răng.

Bà hỏi ông hồi đó ông có chắc là thầy bói bảo chúng nó hợp tuổi không. Ông ngẫm nghĩ một lúc bảo hình như ông thầy nói không xung không khắc, ở với nhau được. Thôi chết rồi, ông thầy nói lưng chừng thế chắc là không hợp tuổi rồi.

Không tin thì bà tự đi mà coi, ông đáp. Và bà đi thật, mình bà đi bộ chục cây số để gặp ông thầy bói nghe nói coi hay. Ông thầy bấm đốt ngón tay nhẩm tính bảo tuổi đó bình thường. Bình thường là sao, sống với nhau được chừng nào? Cũng tùy cơ duyên, tốt lành trăm năm, xui xẻo thì chục, mười lăm năm cũng có. À, mà để coi, hai đứa này trúc trắc kể từ hồi nạp lễ nhận dâu, đúng không? Bà gật đầu, lạnh cả sống lưng. Thầy tiếp, vậy thì hay hục hặc nhau. Bà kể hết chuyện cái vòng kiềng, xin thầy chỉ cách hóa giải giúp. Thầy phán muốn thoát tai ương, phải làm cái lễ cắt đứt quan hệ mẹ con. Ông thầy vẽ lên giấy một cái bùa đưa bà đem về nhà, đợi đúng ngày giờ năm xưa bà sinh thằng con thì đốt cái bùa đó đi.

Sau lần ấy bà chuyển cách xưng hô. Bà xưng tôi, gọi con trai là anh, gọi con dâu là chị. Khách sáo như những người xa lạ. Bà cũng không còn qua về thường xuyên nhà con trai nữa. May có thằng cháu nội năm tuổi ngày nào cũng tới chơi với bà nội. Thằng cu thành kênh kết nối thông tin từ bên nhà về cho bà.

Lâu lâu không thấy mẹ sang chơi, vợ chồng anh chị qua nhà lại bị mẹ làm mặt lạnh nhạt như không quen biết, hỏi bâng quơ một hai câu.

Chị hỏi chồng mẹ dạo này hình như bị bệnh trầm cảm. Chồng bảo có thể là bệnh tuổi già của người hay bận tâm. Những người đó họ mất cả đời lo lắng, nên về già được thảnh thơi bỏ qua mọi chuyện. Cũng đúng.

*

Khi bà nội mất, ông nội lấy cái hộp màu đỏ đưa cho tôi, bảo nửa đời bà đau đầu và suy sụp vì cái này đây. Tới khi ông nội thanh thản qua đời, tôi mới đem cái vòng kiềng đi nhờ người bạn làm nghề kim hoàn hàn lại cho nguyên.

Anh bạn cười bảo cái này hàn lại dễ ợt, nhưng là vàng giả mày ơi, vàng thật năm chỉ nó chắc chắn chứ đâu có gãy dễ như vậy. Người thợ kim hoàn mà nội tôi thuê thổi kiềng ngày đó đã tráo trở. Tôi định đem chuyện này kể cho mẹ biết, để mẹ sẻ chia với sự bất trắc của bà nội hai chục năm về trước. Nhưng nghĩ lại nói ra chỉ làm mẹ thêm một lần nghĩ ngợi. Những thứ giả dối hành hạ người ta như thế là quá nhiều rồi.

Tôi bảo bạn kệ, cứ hàn đi, tuy biết vết thương quá khứ vá cũng không lành được nữa.

Kỷ vật tật nguyền ảnh 1Có những sự việc giản đơn được gán nghĩa quá trọng đại. Có những niềm tin tưởng chừng vu vơ nhưng dai dẳng, ảnh hưởng đến cả một kiếp người. Từ ý niệm này, Hoàng Công Danh đã khai triển cả một thiên truyện ngắn xuyên suốt một cuộc hôn nhân, khiến câu chuyện vợ chồng hết sức tầm thường biến thành ý vị sâu xa. Chung quy không phải ở việc chiếc vòng (rởm) bị gãy, mà là tình mẹ vô bờ.    

 L.A.H

MỚI - NÓNG