Kỳ thú vùng đất núi lửa

0:00 / 0:00
0:00
Vườn cây ăn trái trồng trên đá bazan
Vườn cây ăn trái trồng trên đá bazan
TP - Buôn Choah - vùng đất sơn thủy hữu tình, núi non hùng vĩ cùng truyền thống văn hóa, đậm đà bản sắc của các dân tộc anh em. Ở đó còn có miệng núi lửa Nâm P’lang tọa lạc... Tuy nhiên, những tiềm năng, thế mạnh đó chưa được khai thác, phát huy hiệu quả.

Qua miền cổ tích

Buôn Choah còn gọi là buôn Cát (xã buôn Choah, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông), trước đây chủ yếu là người Êđê sinh sống, họ lấy bãi cát bồi từ sông Krông Nô đặt tên buôn. Xã vùng sâu của huyện Krông Nô là nơi tọa lạc của khu công viên địa chất núi lửa toàn cầu.

Trên đường từ thành phố Buôn Ma Thuột đến buôn Choah (nơi có quần thể hang động núi lửa), chúng tôi được nghe ông Lê Hoàng Cơ, Tổng giám đốc Cty Du lịch Thương mại Đam San, người đam mê khám phá, nhiều lần dẫn các đoàn đi trải nghiệm, tìm hiểu về vùng đất, hang động núi lửa Đắk Nông, chia sẻ: bao năm qua người dân nơi đây sống bên cây lúa, uống nước dòng sông, sống hồn hậu, nghĩa tình.

Họ yêu con đường là những tảng đá cháy không phải vì nắng thiêu mà do tác động của núi lửa tạo thành, khá thú vị, lạ lẫm. Đặc biệt những vườn cây ăn trái trồng trên đá sai trĩu quả. Dù là đồng lúa hay vườn cây khi thu hoạch cho năng suất cao khó ngờ. Nơi đây có tiềm năng du lịch, tài nguyên nông nghiệp hấp dẫn, phải kết hợp tất cả thế mạnh của vùng làm ra sản phẩm để thu hút khách du lịch, nâng cao chất lượng đời sống của người dân.

Điều làm nên nét đẹp thơ mộng cho vùng đất này là cánh đồng lúa trải dài bất tận, trở thành nét đặc trưng cho đời sống vật chất và tinh thần người dân nơi đây. Hương lúa phất lên nhẹ nhàng qua cánh mũi cùng vạt nắng vàng rơi xuống tận chân đồi, chị Nguyễn Thị Yên (thôn Thanh Sơn, xã buôn Choah) bày tỏ, mọi người gọi cánh đồng lúa ở buôn Choah là vựa lúa vàng trời, bởi giống lúa ST24 có chất lượng gạo ngon, năng suất cao.

Năm 1996, gia đình chị vào đây lập nghiệp, lúc này bà con trồng giống lúa RVT. Năm 2016 chính quyền thử nghiệm trồng giống ST24, bây giờ nhân ra cả cánh đồng. Nhà chị có 2 ha trồng giống lúa này, một năm 2 vụ cho thu 14 tấn/ha cùng 2 sào cây ăn trái: Mít, dừa, vải và 10 con bò, mỗi năm tổng thu nhập 300 triệu đồng.

Kỳ thú vùng đất núi lửa ảnh 1

Hang mới phát hiện có chiều dài gần 1 km

Dòng sông Krông Nô hiện ra trước mắt. Chiếc phà lớn tiến sát bờ, nhóm 45 người của một công ty trong màu áo đồng phục đỏ thắm khuân vác hành lý lên phà. Hơn vài phút di chuyển, chạm bờ, từng nhóm lần lượt được bố trí lên 5 chiếc công nông đợi sẵn từ bao giờ.

Chiếc công nông rồ ga lên dốc, mọi người ngạc nhiên khi thấy hai bên đường vườn cây đu đủ, bơ… tạo thành mảng xanh đẹp mắt, áp vào vùng đá bọt xám đen. Và chính nông dân còn thấy bí ẩn, trên cánh đồng, rẫy nương chỉ đá và đá, vậy mà những vườn cây ăn trái vẫn lên xanh cho những vụ mùa bội thu. Mọi người quên đi cái mệt nhọc của nóng gắt, thấy đất trời nơi đây mê hoặc một cách lạ thường.

Sự hối hả của cuộc sống cứ vậy lắng dần, trước mắt lấp lánh hàng vạn sắc màu chao qua đảo lại vây quanh chân núi tĩnh lặng đến mênh mông. Mảnh đất này nhiều năm phù sa bồi lắng, nay trở thành nơi màu mỡ nhất của xã buôn Choah.

Dòng sông Krông Nô bồi đắp từ dòng nước đến sản vật đôi bờ cho khí chất người địa phương hồn hậu, giữa bao la đất trời. Câu chuyện truyền thuyết về nàng A Tây và chàng A Yong được các già làng kể bên ché rượu cần nồng men lưu truyền bao đời nay. Rằng, tình yêu của họ bị cách trở do nhà cô gái quá nghèo, không có lễ vật để bắt chàng trai về làm chồng.

Đôi trai gái tuyệt vọng gieo mình xuống sông quyên sinh. Cô gái hóa thành dòng sông Krông Ana (sông mẹ), chàng trai hóa sông Krông Nô (sông cha). Dòng sông Sêrêpốk là sự hòa quyện vĩnh hằng của mối tình thủy chung. Dòng sông đã nuôi dưỡng và tạo nên một nền văn hóa không trùng lặp với bất kỳ đâu. Khi ở đây có một kỳ quan phát lộ làm mê hoặc cả nhân loại.

Bí ẩn hang dơi

Xe chở đoàn dừng lại giữa vườn cây ăn trái, bên cạnh chòi trông rẫy của người dân. Len lỏi qua vườn vải trĩu quả, chúng tôi đi bộ hơn một cây số trên các lối mòn đầy đá bọt lởm chởm, do dung nham nóng chảy từ miệng núi lửa phun ra đã đông cứng lại thành đá. Những đôi chân thoăn thoắt đến cánh đồng đá bazan trải rộng ngút tầm mắt. Con người như lọt thỏm giữa không gian bao la lộng gió, mệt mỏi vơi đi phần nào. Chạm thềm đá nham thạch nơi hang mới được phát hiện, từng phiến đá vây lại thành vòm cửa khổng lồ.

Theo vệt đèn pin loang loáng, chúng tôi dò dẫm trên nền đá lởm chởm tiến sâu vào hang dài gần 1 km. Trong những ngách hang sâu thẳm tối đen, mùi ẩm ướt xộc thẳng vào cánh mũi. Thế giới trong hang mát lạnh xua tan khí nóng bên ngoài. Vệt đèn pin lướt nhanh trên vô số nhũ đá, dấu vết của núi lửa đã ngủ say làm mọi người sững sờ kinh ngạc.

Hang chúng tôi đang khám phá, trải nghiệm là hang mới được phát hiện. Người dân bản địa nói rằng, hang động quanh vùng này nhiều lắm, trong đó toàn dơi có gì lạ đâu. Trước khi biết đến hang Chư Blúk, những người dân quanh đây vẫn thường gọi là hang Dơi. Nếu có du khách tới tham quan, những hang động này không phải là điểm đầu tiên họ giới thiệu, bởi sự hoang sơ, vị trí khó tìm, dịch vụ chưa phát triển. Vì vậy, điều này đã góp phần giữ gìn sự tinh khôi nguyên thủy của hang đến tận bây giờ.

Rời hang, ánh hoàng hôn đổ dài. Trên dòng sông Krông Nô, những chiếc thuyền bập bềnh của người dân chài thả lưới, giăng câu. Người phụ nữ khoe con cá lăng tầm 3kg vùng vẫy trên tay, xuôi theo dòng nước trở về sau khi đánh thả được chiến lợi phẩm. Lâu lâu, những chiếc thuyền máy chở cát xé nước chạy qua làm mặt sông xao động mạnh. Để rồi, thoáng chốc ngay đó qua rồi sông lại đằm trong êm ả, phẳng lặng...

Hệ thống hang động núi lửa tại huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông là một hệ thống hang động núi lửa trong đá bazan dài 25km, trải dài từ miệng núi lửa buôn Choah dọc theo chiều dài sông Sêrêpôk đến khu vực thác Đray Sáp. Công viên địa chất Đắk Nông được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu năm 2020, góp phần quảng bá mạnh mẽ du lịch, thu hút khách trong và ngoài nước ưa khám phá. Đây là công viên địa chất toàn cầu thứ ba ở Việt Nam.

MỚI - NÓNG