Kỳ thú, ma mị những di tích, địa danh xứ Huế gợi nhắc ‘chúa sơn lâm’

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Huế từng có đấu trường giữa voi và hổ độc nhất vô nhị trên thế giới. Đây cũng là vùng đất hội tụ yếu tố phong thủy “tả Thanh Long”, “hữu Bạch Hổ” hết sức đặc biệt. Đất Huế cũng từng ghi dấu về sự tồn tại của “chúa sơn lâm” đầy ma mị, đáng sợ.

Hữu Bạch Hổ - cồn Dã Viên

Ở Huế, hễ nhắc đến Dã Viên nhiều người lại liên tưởng tới cồn Hến. Cồn Hến, cồn Dã Viên được xem là hai yếu tố địa lý phong thủy cực kỳ quan trọng của Kinh thành Huế xưa, nay là Quần thể di tích Cố đô Huế - Di sản văn hóa thế giới.

Kỳ thú, ma mị những di tích, địa danh xứ Huế gợi nhắc ‘chúa sơn lâm’ ảnh 1

Cồn Dã Viên - "hữu Bạch Hổ" trong yếu tố phong thủy Kinh thành Huế

Mặc dù chỉ là một cồn cát nhỏ, nhưng với sứ mệnh “hữu Bạch Hổ” (cùng với “tả Thanh Long” - cồn Hến) trong chức năng phong thủy của Kinh thành Huế, cồn Dã Viên từ rất lâu đã trở nên nổi tiếng.

Cũng như cồn Hến, cồn Dã Viên được hình thành từ sự bồi lắng phù sa của sông Hương. Cồn có chiều dài 890 mét, rộng 185 mét, với diện tích khoảng 107.970m2.

Không ai biết cồn Dã Viên xuất hiện cụ thể trên sông Hương từ thời gian nào, song theo sử sách, cồn đã có từ thời các chúa Nguyễn.

Kỳ thú, ma mị những di tích, địa danh xứ Huế gợi nhắc ‘chúa sơn lâm’ ảnh 2

Cồn Dã Viên từng được dùng để tổ chức trận thư hùng sinh tử giữa hàng chục con voi và hổ dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát

Đáng chú ý, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, đây là nơi từng dùng để tổ chức trận thư hùng sinh tử giữa hàng chục con voi và cọp.

Kỳ thú, ma mị những di tích, địa danh xứ Huế gợi nhắc ‘chúa sơn lâm’ ảnh 3

Cầu đường sắt mang tên Bạch Hổ (bên trái)

Vào năm 1908, một chiếc cầu sắt bắc qua sông Hương được xây dựng và đi vào hoạt động, để nối tuyến tàu hỏa Bắc-Nam xuyên Việt. Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An (Huế), cây cầu được đặt tên là cầu Dã Viên, vì phần giữa của đoạn đường sắt này đã được xây dựng ngay trên mặt đất của cồn Dã Viên.

Kỳ thú, ma mị những di tích, địa danh xứ Huế gợi nhắc ‘chúa sơn lâm’ ảnh 4

Cầu đường bộ mang tên Dã Viên bắc qua "hữu Bạch Hổ" cồn Dã Viên

Tuy nhiên, có lẽ do quan niệm cồn Dã Viên trong yếu tố phong thủy là "bạch hổ" của Kinh thành Huế, nên người dân địa phương vẫn gọi công trình ấy là cầu Bạch Hổ. Cho đến ngày nay, cây cầu đường sắt này vẫn được gọi là cầu Bạch Hổ. Cầu sắt Bạch Hổ chạy song song với một cây cầu đường bộ bằng bê tông cốt thép có tên là Dã Viên, được xây dựng từ năm 2009.

Hổ Quyền

Di tích Hổ Quyền nằm tại phường Thủy Biều, thành phố Huế, là một trong những công trình kiến trúc độc đáo trong hệ thống Quần thể Di sản Cố đô Huế - Di sản văn hóa thế giới. Công trình được xây dựng dưới thời nhà Nguyễn. Đây được xem là đấu trường độc đáo dùng để tổ chức những trận tử chiến giữa voi và hổ cho nhà vua, đình thần và dân chúng xem, đồng thời, huấn luyện cho voi có thêm kỹ năng chiến đấu.

Kỳ thú, ma mị những di tích, địa danh xứ Huế gợi nhắc ‘chúa sơn lâm’ ảnh 5

Hổ Quyền - đấu trường voi và hổ độc nhất vô nhị trên thế giới

Kỳ thú, ma mị những di tích, địa danh xứ Huế gợi nhắc ‘chúa sơn lâm’ ảnh 6
Kỳ thú, ma mị những di tích, địa danh xứ Huế gợi nhắc ‘chúa sơn lâm’ ảnh 7

Một góc lòng chảo đấu trường Hổ Quyền xứ Huế

Là đấu trường lộ thiên hình vành khăn, Hổ Quyền được kết cấu bởi hai vòng tường thành hình tròn đồng tâm. Vòng thành trong cao 5,9m, vòng thành ngoài cao 4,75m; cả hai vòng tường cộng với dải đất ở giữa tạo thành một bề dày 4m ở đỉnh và 5m ở chân thành. Mặt trên của dải đất cao bằng vòng tường ngoài, tạo thành con đường chạy vòng tròn chỉ gián đoạn ở khán đài vua ngồi. Công trình có chu vi 145m, đường kính lòng chảo 44m.

Kỳ thú, ma mị những di tích, địa danh xứ Huế gợi nhắc ‘chúa sơn lâm’ ảnh 8
Kỳ thú, ma mị những di tích, địa danh xứ Huế gợi nhắc ‘chúa sơn lâm’ ảnh 9

Ngày nay, di tích đấu trường Hổ Quyền đã trở thành di tích lịch sử cấp Quốc gia

Hổ Quyền là công trình có kiến trúc độc đáo không chỉ của Việt Nam mà còn của cả thế giới. Năm 1998, Hổ Quyền đã được công nhận là di tích cấp Quốc gia.

Kỳ thú, ma mị những di tích, địa danh xứ Huế gợi nhắc ‘chúa sơn lâm’ ảnh 10
Kỳ thú, ma mị những di tích, địa danh xứ Huế gợi nhắc ‘chúa sơn lâm’ ảnh 11

Dấu tích những khu nhốt hổ đấu trước khi thả ra tử chiến với voi

Năm 2021, UBND thành phố Huế đã triển khai dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phục vụ chỉnh trang cụm di tích Hổ Quyền và di tích Voi Ré (cách Hổ Quyền khoảng 400m thuộc phường Phường Đúc, thành phố Huế).

Kỳ thú, ma mị những di tích, địa danh xứ Huế gợi nhắc ‘chúa sơn lâm’ ảnh 12
Kỳ thú, ma mị những di tích, địa danh xứ Huế gợi nhắc ‘chúa sơn lâm’ ảnh 13

Di tích Hổ Quyền trong giai đoạn trùng tu, tôn tạo, nhằm phát huy giá trị và khai thác hiệu quả cho mục đích phát triển du lịch

Đến nay, UBND thành phố Huế đã phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu và đang hoàn thành các thủ tục để tiến hành triển khai thực hiện dự án. Sau khi hoàn thiện hệ thống hạ tầng sẽ tổ chức di dời 42 hộ bị ảnh hưởng, thu hồi đất để bố trí tái định cư. Dự kiến cuối năm 2022 sẽ hoàn thành dự án hạ tầng kỹ thuật và chỉnh trang khu vực dân cư cụm di tích Hổ Quyền - Voi Ré.

Ngã ba Tam Dần

Hai năm lại đây, vùng Tam Dần (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh TT-Huế) là địa danh được nhiều người nhắc đến, gắn với nỗi ám ảnh đau thương về thảm nạn sạt lở đất thủy điện Rào Trăng 3 kinh hoàng và công cuộc cứu hộ, cứu nạn người mất tích đầy cam go nguy hiểm, kéo dài lịch sử qua hàng chục tháng trời tại TT-Huế.

Với người dân địa phương, động Tam Dần lại là một cái tên rất đáng sợ, vì đây là lãnh địa một thời của “chúa sơn lâm”.

Kỳ thú, ma mị những di tích, địa danh xứ Huế gợi nhắc ‘chúa sơn lâm’ ảnh 14

Ngã ba Tam Dần, cái tên đầy ma mị, đáng sợ một thời đối với người dân địa phương. Bởi nơi đây từng ghi nhận có sự xuất hiện của hổ

Theo ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh TT-Huế, cái tên động Tam Dần chẳng biết có từ bao giờ, nhưng theo các vị cao niên các xã Phong Mỹ, Phong Sơn, Phong Xuân (huyện Phong Điền), từ những năm 1980 trở về trước, người đi rừng vẫn thường xuyên thấy hổ xuất hiện tại đây.

Cũng tại khu vực này, bản thân ông Tuấn và nhiều nhà nghiên cứu động vật hoang dã nhiều lần đi khảo sát phục vụ công tác bảo tồn đã bắt gặp dấu vết của “chúa sơn lâm”.

Cụ thể, vào năm 1997, khi đi khảo sát ở vùng núi Phong Điền, các chuyên gia về động vật hoang dã và cán bộ, nhân viên kiểm lâm địa phương đã ghi nhận hai dấu chân của hổ trưởng thành và hổ con. Theo đó, khu vực khảo sát có ít nhất 3 - 4 cá thể hổ, gồm hổ trưởng thành và hổ con.

Riêng ở vùng động Tam Dần, theo truyền thuyết là động “Ba Con Cọp”, khi khảo sát tại đây cũng ghi nhận có dấu vết của hổ.

Kỳ thú, ma mị những di tích, địa danh xứ Huế gợi nhắc ‘chúa sơn lâm’ ảnh 15

Vùng động Tam Dần, theo truyền thuyết dân gian là động “Ba Con Cọp” - nơi đây là nỗi ám ảnh một thời của người đi rừng bởi "chúa sơn lâm" luôn rình rập

Đáng chú ý, vào tháng 5/1998, lực lượng Kiểm lâm TT-Huế từng giải cứu thành công một cá thể hổ con bị nhóm buôn bán động vật hoang dã trên đường vận chuyển ra Bắc tiêu thụ bằng xe taxi. Cá thể hổ con này vốn bị lâm tặc đánh bẫy ở vùng Chín Chàng gần động Tam Dần. Sau đó, hổ được giải cứu và nhân giống thành công.

MỚI - NÓNG
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
TPO - Chiều 16/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có văn bản gửi các bộ, ngành chức năng đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác quản lý thị trường vàng. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an phối hợp trong tổ chức hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC để đảm bảo hoạt động đấu thầu được an toàn, hiệu quả.