Dã Viên muôn thuở

0:00 / 0:00
0:00
Phối cảnh công viên Thiên niên kỷ tại Dã Viên
Phối cảnh công viên Thiên niên kỷ tại Dã Viên
TP - 15 năm trước, cồn Dã Viên từng bị nhăm nhe biến thành khu resort. Ý đồ đó vấp phải phản ứng quyết liệt của báo chí, dư luận, giới chức nên không thành hiện thực. Mới đây, Dã Viên đã được quy hoạch trở thành khu văn hóa đa năng đặc sắc của Huế.

Một ngày tháng 3/2006, trong khi nỗi lo danh thắng đồi Vọng Cảnh ven thượng nguồn sông Hương bị biến thành resort cao cấp chưa kịp lắng xuống sau một thời gian báo chí, ngôn luận quyết liệt lên tiếng bảo vệ, thì lại thêm chuyện xảy ra với Huế, đặc biệt là với một khu đất được xem là có yếu tố phong thủy quan trọng bậc nhất của Cố đô.

Thời điểm đó, tại tỉnh TT-Huế diễn ra cuộc họp gồm đại diện nhiều sở, ngành, cơ quan để nghe nhà đầu tư báo cáo định hướng khái quát dự án xây dựng khu du lịch cao cấp tại cồn Dã Viên.

Ở Huế, hễ nhắc đến Dã Viên nhiều người lại liên tưởng đến cồn Hến. Cồn Hến, cồn Dã Viên được xem là hai yếu tố địa lý phong thủy cực kỳ quan trọng của Quần thể di tích Cố đô Huế.

Dã Viên muôn thuở ảnh 1

Bắc qua cồn Dã Viên và sông Hương có một cây cầu đường bộ cũng mang tên Dã Viên

Theo thuyết trình khái quát của nhà đầu tư, việc hình thành nên khu du lịch cồn Dã Viên sẽ góp phần nâng cao vị thế cho du lịch Huế và Việt Nam. Trong khu du lịch này sẽ có 13 hạng mục, tổ hợp các công trình xây dựng có chiều cao trung bình 3 tầng, khu khách sạn cao 5 tầng, khu hội nghị quốc tế 2 tầng... Mặc dù doanh nghiệp chỉ mới xúc tiến nghiên cứu để đầu tư dự án khách sạn, nhưng khi biết tin, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, giới chức tại Huế đã tỏ ra bức xúc. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân lúc đó nói: “Thật không thể hiểu nổi thái độ của tỉnh đối với di sản văn hóa Huế”. Không lâu trước đó, ông Nguyễn Đắc Xuân cũng là một trong những nhà nghiên cứu văn hóa Huế đã lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ đồi Vọng Cảnh trước nguy cơ di sản văn này có thể biến thành khu resort.

Còn tại cuộc họp nghe đại diện doanh nghiệp thuyết trình định hướng đầu tư khu du lịch cồn Dã Viên, nhiều thành viên thuộc Hội đồng Quy hoạch và Kiến trúc tỉnh TT-Huế đã lên tiếng phản đối chủ trương biến cồn Dã Viên thành khu du lịch. Hội đồng này đã chỉ ra những “vết gợn” của dự án khi tổ chức nghiên cứu, đầu tư tại khu vực chưa có quy hoạch, trong khi, đây lại là địa danh đã đi vào lịch sử buộc tuân thủ nghiêm ngặt Luật Di sản - Văn hóa. Lần đó, các thành viên Hội đồng đã kiến nghị không cấp chứng chỉ quy hoạch cho dự án, đồng thời, đề nghị UBND tỉnh TT-Huế tạm dừng đầu tư, nghiên cứu lập dự án khu du lịch cồn Dã Viên.

Ông Nguyễn Xuân Hoa khi đó là Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin TT-Huế đã kiến nghị tỉnh “không chấp nhận” dự án này. Theo ông Hoa, cồn Dã Viên là một trong hai yếu tố “rồng chầu, hổ phục”, “tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ” gắn liền với hệ thống thành quách, cung điện của Kinh đô Huế. Nơi đây đã từng diễn ra nhiều sinh hoạt giải trí cung đình và là vườn Ngự của vua chứ không đơn giản là “một cù lao nằm giữa dòng sông Hương” và “một ít di tích cũ” như dự án đề cập. Do vậy, biến toàn bộ 107.970m2 cồn Dã Viên thành một khu du lịch hiện đại, có cả khu khách sạn 5 tầng là hoàn toàn không phù hợp… Từ sau lần đó, những ý đồ biến Dã Viên thành khu lưu trú, nghỉ dưỡng với các tổ hợp công trình cao tầng đã dần lùi xa vào dĩ vãng. Dã Viên vẫn là vùng sinh thái, cảnh quan, cây xanh bình yên bao năm qua…

Một thuở tên cầu

Sau này, Dã Viên cũng đôi lần được nhắc tên, gây sự chú ý nhưng trong một chức năng khác.

Cuối tháng 8/2012, sau nhiều tháng năm mong đợi, cây cầu nối đôi bờ sông Hương đi qua khu vực Dã Viên hoàn thành Chuyện trái khoáy là, cầu đã xây xong, đưa vào vận hành khai thác nhưng tên lại không có.

Nhân sự việc này, nhà nghiên cứu Phan Thuận An (Huế) đã đăng đàn góp ý kiến đặt tên cho cây cầu mới. Ông An nêu vấn đề, nên đặt tên cho cầu mới bắc qua sông Hương là Bạch Hổ hay Dã Viên. Theo ông An, trước năm 1868 dưới thời Tự Đức, cồn Dã Viên nằm giữa sông Hương vẫn chưa có tên. Khi xây dựng xong khu vườn ngự, nhà vua mới đặt cho nó cái tên Dữ Dã Viên, sau gọi tắt là Dã Viên. Từ đó, người Huế mới gọi là cồn Dã Viên. Đến năm 1908, khi xây xong cầu đường sắt bắc ngang sông Hương và vắt qua cái cồn này, chính quyền đương thời đặt tên là cầu Dã Viên. Trong hai năm 1955 và 1956, chính quyền sở tại cho xây dựng tại cồn Dã Viên một nhà máy nước và đặt tên là Nhà máy nước Dã Viên. Tên gọi này duy trì cho đến ngày nay.

Với truyền thống đặt tên nhất quán cho những công trình xây dựng tại khu vực này có từ quá khứ, như vườn ngự Dã Viên, cồn Dã Viên, cầu Dã Viên, Nhà máy nước Dã Viên, ông Phan Thuận An đề nghị và hy vọng chính quyền địa phương đồng ý đặt tên cho cây cầu mới là Dã Viên, vì cái này gắn liền với lịch sử, địa lý và diện mạo kiến trúc của khu vực này.

Tháng 12 năm đó, cây cầu được gắn tên là Dã Viên sau khi HĐND tỉnh TT-Huế nhóm họp, lấy ý kiến các đại biểu, giới nghiên cứu.

Chờ “vườn Ngự” ven sông

Tháng 1/2021, cồn Dã Viên đã được phê duyệt vào danh mục các dự án kêu gọi đầu tư xã hội hóa, nhưng “không chấp nhận đầu tư lưu trú”. Đến lúc này có thể thấy, Dã Viên được nhìn nhận và ứng xử với một thái độ khác từ giới lãnh đạo địa phương.

Mới đây nhất, cuối tháng 5/2021, UBND thành phố Huế đã cho công bố phương án quy hoạch, đầu tư tại cồn Dã Viên, với nhiều hạng mục, chức năng phục vụ du lịch, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên. Theo đó, cồn Dã Viên sẽ là công viên Thiên niên kỷ - khu văn hóa đa chức năng, với quy mô 10,5 hecta. Tại đây sẽ tái lập một khu “vườn Ngự” tạo điểm đến hấp dẫn cho du khách, người dân.

Trong một tương lai không xa nữa, tại Dã Viên sẽ hình thành hệ thống đường, cầu đi bộ kết nối với cồn từ phía đường Bùi Thị Xuân, bãi cỏ, rừng cây nhiệt đới, quảng trường, đường dạo trên cao, các điểm ngắm cảnh ven sông, vườn... Khu vườn Ngự tại cồn Dã Viên sẽ có kiến trúc cảnh quan được bố trí kiểu bậc thang, đăng đối như thường thấy tại các lăng tẩm và trong Đại nội Huế. Trước mắt, chính quyền thành phố Huế cho triển khai chỉnh trang phần công viên cây xanh ở khu vực gần cầu Dã Viên. Việc chỉnh trang dự kiến sẽ hoàn thành trong quý 3 này.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.