Dải lụa trời
Vùng rừng núi phía Bắc Việt Nam nổi danh với những con đèo núi nguy hiểm và hiểm trở bậc nhất. “Tứ đại Đỉnh Đèo” gồm Khau Phạ, Pha Đin, Ô Quy Hồ, Mã Pì Lèng là bốn con đèo lớn nhất ở miền núi phía bắc. Hơn 5 năm trở lại đây, cộng đồng mạng dậy sóng với đèo Mẻ Pia, con đèo 14 tầng có hình dạng zích zắc, nguy hiểm vô cùng ở Cao Bằng.
Du khách ngây ngất với dải lụa trời Mẻ Pia |
Đèo Mẻ Pia (còn gọi Khâu Cốc Chà) là một trong những cung đèo nổi tiếng nhất Việt Nam, thuộc tỉnh Cao Bằng. Đèo Mẻ Pia nằm trên quốc lộ 4A có tổng chiều dài chỉ 2,5km nhưng vì độ dốc lớn nên người ta đã chia nó thành 14 khoanh cho đỡ dốc và tạo thành con đường uốn lượn như dải lụa giữa đất trời. Toàn bộ con đèo này đều nằm trên xã Xuân Trường nối liền tới trung tâm Bảo Lạc, huyện có biên giới với Trung Quốc.
Đèo Mẻ Pia uốn lượn với 14 tầng quanh co, khúc khuỷu và ngoạn mục.
Một trong 10 cung đèo nguy hiểm nhất Việt Nam
Theo nhiều người dân địa phương, đèo Mẻ Pia xuất hiện từ thời Pháp thuộc, ban đầu chỉ là con đường đất gồ ghề, hiểm trở dành cho ngựa đi. Sau đó, năm 2009, Nhà nước mới bắt đầu khởi công xây dựng đường nhựa và hoàn thành vào năm 2011. Con dốc quanh co 14 tầng ban đầu chỉ rộng khoảng 40cm nay được xây dựng kiên cố với mặt đường rộng khoảng 5m.
Chính vì sự hiểm trở và uốn lượn như tranh vẽ mà cung đường này luôn là nơi muốn chinh phục nhất của rất nhiều phượt thủ trong và ngoài nước khi đến với vùng Tây Bắc.
Toàn cảnh con đèo 14 tầng |
Thời tiết ở vùng Tây Bắc quanh năm rất dễ xuất hiện sương mù, mặc dù “săn mây” từ trên đỉnh đèo là cảm giác rất tuyệt vời nhưng đường đến Mẻ Pia trong khoảng thời gian này rất nguy hiểm, di chuyển khó khăn.
Thời gian lý tưởng để chinh phục đèo Mẻ Pia là vào khoảng từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau. Đây là khoảng thời gian có ít mưa, rất thuận lợi để đi đường đèo núi. Từ tháng 6 – 9 là khoảng thời gian có mưa nhiều đường đèo núi dễ bị sạt lở, trơn trượt cực kỳ nguy hiểm.
Đèo Mẻ Pia có những khúc cua tay áo dựng đứng, hai bên là núi cao, con đèo này khiến những tay lái có kinh nghiệm nhất cũng phải dè chừng. Đoạn đường trước khi lên đèo dài hun hút, gió mát khiến bạn hiu hiu buồn ngủ, nhưng khi bắt đầu lên đèo thì bạn tỉnh ngủ luôn.
Không giống với các con đèo hùng vĩ ở Việt Nam, chỉ cần lên tới đỉnh là có thể thu vào tầm mắt toàn cảnh con đường uốn lượn phía dưới. Với đèo Mẻ Pia, bạn phải trekking xuyên rừng, leo lên một ngọn núi mới có thể ngắm trọn vẹn con đèo này.
“Một ngày đẹp trời, tôi tình cờ leo lên ngọn núi đối diện, nơi đàn dê thường leo lên kiếm ăn và bất ngờ phát hiện ra toàn bộ con đèo 14 tầng tuyệt đẹp ở bên dưới”, ông Nông Văn Ngoan, bộ đội xuất ngũ
Người đầu tiên khám phá ra địa điểm có thể ngắm trọn con đèo 14 tầng này là ông Nông Văn Ngoan, bộ đội xuất ngũ. Ông Ngoan năm nay ngoài 60 tuổi, chia sẻ: “Tôi vốn là lính trinh sát đặc công, từng đóng quân ở biên giới phía bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn.
Khoảng 5 năm trước, sau khi giải ngũ, tôi về mở quán nước gần nhà, ngay cổng trời Xuân Trường, đỉnh của con đèo 14 tầng. Thế nhưng, đứng ở trên Cổng Trời không thể nhìn thấy toàn bộ con đèo. Một ngày đẹp trời, tôi tình cờ leo lên ngọn núi đối diện, nơi đàn dê thường leo lên kiếm ăn, và bất ngờ phát hiện ra toàn bộ con đèo 14 tầng tuyệt đẹp ở bên dưới".
Ông Nông Văn Ngoan, chủ quán nước, người tìm ra địa điểm ngắm toàn bộ con đèo 14 tầng và cháu ngoại |
Kể từ đó, ông Nông Văn Ngoan hay giới thiệu địa điểm ngắm đèo Mẻ Pia này cho những người ghé thăm quán nước của ông. Để tới cao điểm có thể nhìn ngắm toàn cảnh 14 vòng cung của đèo Mẻ Pia, bạn phải đi bộ men theo sườn núi lên đỉnh mất khoảng 1 tiếng. Sau khi leo núi, bạn sẽ choáng ngợp trước vẻ đẹp của con đèo ngay trước mắt mình, những khúc cua uốn lượn thật khéo léo trông như những bậc thang lên trời.
Dần dà, số người tới đây ngày một đông. Mặc dù, ông đã đánh dấu đường lên, nhưng nếu không cẩn thận vẫn bị lạc. Hiện giờ, hai cô cháu ngoại của ông nhiệt tình dẫn khách lên cao điểm ngắm đèo. Du khách cũng không quên tặng cháu nhỏ vài chục ngàn đồng để cảm ơn và cảm thương khi biết các cháu bị bệnh máu trắng, hàng tháng phải xuống Hà Nội thay máu.