Đủ loại. Xe đạp nữ, xe nam, xe cuốc, xe mini. Có những chiếc tuổi đời tới 100 năm, đó là cặp xe đạp nam sơn màu đen sản xuất tại Pháp năm 1923. Nhiều chiếc sản xuất 1948 - 1950 vẫn còn mới coóng với nước sơn nguyên bản, phụ tùng chính hãng từ cặp vành, đôi lốp đến đèn trước, đèn sau…
Ông Đào Xuân Tình dẫn tôi tham quan các phòng trong căn biệt thự sang trọng ở khu resort Đại Lải. Thực sự giống như một nhà trưng bày các mẫu xe đạp Peugeot qua các thời kỳ. Từng cặp xe Peugeot nam nữ cùng màu sơn sản xuất cùng năm vẫn còn mới được xếp ngay ngắn và chuyên nghiệp. Tôi lại được nhìn thấy những chiếc Peugeot xanh ngọc, rồi xe cổ cao, phanh rút, màu xanh cô ban từng một thời là “nữ hoàng” đường phố Hà Nội, chỉ những gia đình giàu có, sang trọng thể hiện đẳng cấp sang chảnh mới có được. Ở phòng bên cạnh, những bức tường treo dày đặc hình ảnh các đoàn khách nước ngoài đến tham quan bộ sưu tập xe đạp Peugeot cùng khung bằng chứng nhận kỷ lục gia Đào Xuân Tình là nhà sưu tập xe đạp Peugeot lớn nhất Việt Nam, kỷ lục gia ASEAN, kỷ lục gia thế giới. Với bộ sưu tập này thì ông Đào Xuân Tình hiện đứng số 1 trên thế giới.
Từ tuổi học trò, cậu bé Tình vốn chỉ có ước mơ là được mua chiếc xe đạp để đi đến lớp. Năm 1970, vào học cấp 3 rồi mà anh học trò nghèo vẫn cuốc bộ. Ước mơ để có chiếc xe đạp đi học, đi chơi với Tình là điều không tưởng. Có lần tan học về, nhìn thấy một người đi chiếc Peugeot mới coong trên đường, Tình không rời mắt cho đến khi người và xe khuất xa. Lúc ấy anh thoáng nghĩ: Biết đâu một ngày nào đó mình cũng có thể tự sắm một chiếc Peugeot như thế.
Những năm bao cấp, phương tiện chính đi lại chính của cả nước vẫn là xe đạp, nhưng để có được một chiếc xe đạp không phải dễ vì nó là một tài sản lớn. Xe Peugeot lại càng hiếm hoi và ít thấy xuất hiện trên đường phố. Ngoài những chiếc Peugeot cổ thời Pháp thuộc, từ 1962 có những đợt người Việt từ Thái Lan, Tân đảo hồi hương mang theo xe Peugeot, hoặc những gia đình nào có người nhà bên Pháp gửi về. Nhưng cũng là những nguồn không chủ động, nên giá một chiếc xe không rẻ chút nào, hồi ấy cũng tương đương một căn nhà mặt phố 5- 6 cây vàng.
Khu trưng bày hơn 300 xe đạp Peugeot |
Xe Peugeot lúc bấy giờ thể hiện đẳng cấp của những người sử dụng, là niềm tự hào về sự giàu sang. Năm 1976, khi Đào Xuân Tình tốt nghiệp cấp III, nghĩa là 1 năm sau giải phóng Sài Gòn, thì xe đạp, xe máy từ miền trong tràn ngập ngoài Bắc, nhưng xe đạp Peugeot vẫn có thương hiệu, có chỗ đứng riêng của nó.
Đến năm 1983, Đào Xuân Tình mới toại nguyện ước mơ khi tự mua cho mình một chiếc Peugeot xanh cô ban cổ cao, phanh rút. Có được chiếc xe đạp theo ý nguyện từ những năm cắp sách đến trường, Tình rất quý xe, cứ rảnh lại lau chùi, tra dầu mỡ, đi đâu về bê ngay xe cất vào nhà, ngày mưa thì tuyệt đối không đi xe ra đường. Lúc ấy tất thảy bạn bè đều thán phục Đào Xuân Tình khi thấy anh tậu được chiếc xe đạp bằng cả gia tài.
Năm 1984, Đào Xuân Tình bán đi chiếc Peugeot yêu quý để xây căn nhà trong ngõ mà vẫn còn dư tiền. Đến năm 1994 thì đất nước hội nhập, hàng hóa từ nước ngoài tràn ngập thị trường Việt Nam, trong đó có cả ô tô, xe máy đủ loại nên xe đạp bị lãng quên. Có là Peugeot người ta cũng không để ý đến nữa, nhưng Đào Xuân Tình vẫn coi xe đạp Peugeot là vật quý giá như bao năm về trước. Nghề chơi cũng lắm công phu.
Sau lần giỗ đầu cha, gia đình Đào Xuân Tình vẫn còn giữ nguyên đồ đạc, kỷ vật của ông lúc còn chưa khuất núi: Bộ sập gụ, tủ chè, đồng hồ treo tường ODO, các bình sứ cổ vật mà Tình vẫn nhớ lúc còn sống cha rất chăm chút lau chùi hàng ngày. Chỉ duy có chiếc xe đạp Favoris nữ Tiệp Khắc màu xanh lá mạ cha anh vẫn đi làm hàng ngày do hoàn cảnh nên gia đình đành phải bán đi. Giá chiếc xe đạp thời điểm đó tương đương gần 2 tấn gia cầm. Để tỏ lòng hiếu thảo với cha, trước ngày giỗ, anh nhờ bạn bè tìm mua cho kỳ được chiếc xe đạp Favoris y hệt để cho đủ những gì trong căn nhà từng có trước lúc ông nằm xuống.
Nguyễn Xuân Tình giới thiệu xe đạp Peugeot với nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan |
Sau khi toại nguyện vì mua được chiếc xe tặng hương hồn bố, Tình bắt đầu có động lực, đam mê, khát vọng tìm mua lại xe đạp Peugeot. Năm 2000 anh đã tìm mua, thu thập được 10 chiếc. Trên địa bàn Hà Nội, không còn ngóc ngách nào anh không tìm đến. Hễ cứ nghe tin gia đình nào còn giữ xe Peugeot là anh có mặt. Có những chiếc phụ tùng đã bị thay thế, và cũng có những chiếc còn mới coong từ nước sơn cho đến phụ tùng.
Sau này khoảng năm 2010, Đào Xuân Tình tìm được nhóm chuyên phục chế, sửa chữa xe đạp Peugeot nên những chiếc xe cũ nát đã được phục hồi nguyên trạng. Lòng đam mê sưu tập dòng xe đạp cổ ngày một ngấm sâu vào con người Đào Xuân Tình nên anh đã tìm được nhiều chiếc xe cổ có giá trị.
Quan điểm của anh là không thương mại, không chuyển nhượng, chỉ xác định đây là thú chơi, thú sưu tập để lưu trữ cho bảo tàng cá nhân. Qua những chuyến đi sang Pháp, anh nhờ người Việt sống trên đất Pháp tìm mua hộ những chiếc Peugeot cổ cũ nát rồi gom lại chuyển về Việt Nam.
Có câu chuyện làm anh nhớ mãi. Một lần nọ, anh được người quen giới thiệu đến một gia đình người Pháp ở ngoại ô Paris. Họ có hai chiếc xe đạp Peugeot. Anh nhờ người quen đi cùng phiên dịch. Cặp xe nam nữ này được sản xuất những năm 1960. Gia đình không sử dụng nên để bẩn thỉu trong kho như đồ bỏ đi, nhưng khi hỏi mua họ cũng lại không bán vì muốn giữ lại làm kỷ niệm. Những chiếc xe đạp trên đất Pháp chỉ được coi là phương tiện đi lại, không có giá trị về vật chất. Anh nhờ người phiên dịch giới thiệu mình là người Việt, là một nhà sưu tập xe đạp Peugeot và giải thích rằng người Việt Nam rất coi trọng và quý những chiếc xe đạp được sản xuất tại Pháp. Chủ nhà là cựu chiến binh, đã từng chiến đấu tại mặt trận Điện Biên Phủ những năm 1950. Ông ta bày tỏ rằng mình từng rất khâm phục các dân công Việt Nam khi họ thồ lương thực, vũ khí nặng mấy tạ vượt đèo dốc hàng trăm cây số chỉ bằng những chiếc xe đạp mà trong đó chủ yếu là xe sản xuất tại Pháp. Sau những câu chuyện thân tình giữa nhà sưu tập và gia đình người Pháp, cuối cùng Đào Xuân Tình cũng mua được cặp xe Peugeot. Anh rất vui mừng chuyển về nước để lau chùi và khi kiểm tra thấy phụ tùng xe vẫn còn như mới.
Hiện cặp xe này vẫn đang nằm trong bộ sưu tập hơn 300 chiếc. Mấy năm trước, Đào Xuân Tình cũng đã tặng cho Bảo tàng Việt Nam hai chiếc xe đạp Peugeot xanh cô ban còn mới được sản xuất từ những năm 60 của thế kỷ trước. Có lẽ dịp sau đến thăm bảo tàng tư nhân của nhà sưu tập Đào Xuân Tình, số lượng xe của anh không dừng ở con số hơn 300 trăm chiếc?