Ngoài chất lượng có một không hai, sự tinh xảo của thanh kiếm là điều rất đáng kinh ngạc với trình độ làm kiếm thời bấy giờ. Ngày nay thanh kiếm Câu Tiễn được coi là một bảo vật quốc gia của Trung Quốc, nó sánh ngang với thanh gươm Excalibur huyền thoại của vua Arthur ở phương Tây.
Năm 1965, các nhà khảo cổ học tiến hành một cuộc khai quật ở tỉnh Hồ Bắc, chỉ cách kinh đô cũ Kỷ Nam của nước Sở 7 km. Tại đây, họ phát hiện ra các hầm mộ cổ xưa. Khai quật các hầm mộ, họ tìm ra thanh kiếm Câu Tiễn cùng khoảng 2.000 di vật khác.
Theo trưởng đoàn khảo cổ, thanh gươm được tìm thấy trong một hầm mộ, trong một chiếc hộp gỗ kín khí đặt cạnh một bộ xương người. Đoàn khảo cổ học sửng sốt trước việc thanh gươm đồng được giữ như mới và lấy nó ra khỏi hộp. Khi rút gươm ra khỏi vỏ, lưỡi gươm vẫn còn lóng lánh bất chấp đã ngủ yên hai thiên niên kỷ. Một thí nghiệm của các nhà khảo cổ sau đó cho thấy thanh gươm có thể dễ dàng cắt đứt một chồng 20 tờ giấy.
Thanh gươm Câu Tiễn tại Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc. Ảnh: WikiCommon.
Gươm Câu Tiễn là một trong những vũ khí làm theo kiểu gươm đầu tiên được biết đến, với hai lưỡi đều sắc bén như nhau, đã được dùng 2.500 năm qua ở Trung Quốc. Các thanh kiếm gắn liền với "người quân tử" trong truyền thuyết Trung Quốc, cũng được xếp vào tứ đại binh khí cùng với cung, thương và đao.
Tương đối mới so với các di vật đồ đồng khác, thanh gươm Câu Tiễn có mức độ cô đặc đồng rất cao khiến nó vừa mềm dẻo, vừa khó hư hỏng hơn. Lưỡi gươm làm bằng thiếc, đảm bảo sự sắc bén qua 2.000 năm. Trong thanh gươm cũng có một lượng nhỏ sắt, chì và lưu huỳnh. Các nghiên cứu sau đó cho thấy thanh gươm có lượng đồng sunfat lớn, giúp thanh gươm chống được gỉ sét.
Ở một mặt kiếm khắc hai hàng chữ với 8 chữ nằm gần chuôi kiếm. Đó là văn tự Trung Quốc cổ kiểu điểu trùng văn, chuyên dùng khắc trang trí lên đồ vật, là loại chữ rất khó đọc ngay cả với khoa học hiện đại ngày nay. Các chuyên gia mới xác định được 6 trong 8 chữ đó, bao gồm "Việt Vương" và "tự tác dụng kiếm" (kiếm chế tạo để tự dùng). Hai chữ kia có thể là tên của nhà vua.
Ngoài giá trị lịch sử, nhiều nhà khảo cổ đặt câu hỏi tại sao thanh gươm không hề gỉ sét dù ở trong môi trường ẩm ướt hơn 2.000 năm, và bằng cách nào những hình trang trí tinh xảo có thể khắc lên thanh gươm.
Họ phát hiện ra thanh gươm có khả năng chống oxy hóa nhờ vào lớp đồng sunfat trên bề mặt, kết hợp với môi trường yếm khí ở các hầm mộ. Những thử nghiệm cũng cho thấy các lò rèn tại vùng Ngô - Việt ở miền Nam Trung Quốc hiện giờ trong thời Xuân Thu - Chiến Quốc đã đạt tới trình độ luyện kim rất cao.