Kỳ bí đồng đá nổi ở An Giang

Những cục đá nổi còn sót lại trên cánh đồng xưa - Ảnh: Anh Phan
Những cục đá nổi còn sót lại trên cánh đồng xưa - Ảnh: Anh Phan
Ở An Giang từng có một cánh đồng gọi là đồng đá nổi hay cánh đồng vàng. Những hòn đá với đủ kiểu loại, màu sắc, kích cỡ nằm nổi trên cánh đồng hoang vu chạy dài cả chục ngàn công đất.

Đá đổi màu

Bây giờ, cánh đồng đá nổi có tên mới là khu đá nổi nằm ở ấp Phú Tây (xã Phú Thuận, H.Thoại Sơn). Dù nằm ở đồng không mông quạnh nhưng con đường đất dẫn ra cánh đồng lúa luôn ồn ào tiếng xe gắn máy của những du khách tìm đến tham quan, cầu tự. Dưới lớp đất đá của cánh đồng từng là kho vàng được dân bòn vàng rầm rộ kéo đến mong tìm sự giàu sang.

Ông Văng Công Trạc (45 tuổi, dân cố cựu ngụ ấp Phú Tây) sống bằng nghề làm nông kể: “Kỳ lạ lắm, H.Thoại Sơn rất lớn nhưng không hiểu vì sao chỉ khu vực này là xuất hiện đá nổi”. Ông Trạc giải thích, nhiều người nghe tưởng đá nổi là đá nổi lên mặt nước nhưng đá nổi ở đây nghĩa là cục đá nằm nổi trên mặt đất, có chỗ đá nổi chất đống lại như cái gò. Có cục đá nằm rời rạc nhau, có cục hình vuông, hình tròn, hình dẹp… Nhiều cục nằm dưới lớp đất có màu sắc xanh, trắng, đen nhưng đưa chúng lên mặt đất thì thời gian sau biến thành đá màu trắng.

Dù đá nổi nằm khắp các cánh đồng nhưng không ai dám nhặt đem về bởi đã từng có những chuyện kỳ lạ xảy ra như ai phóng uế trên đá đang khỏe mạnh bỗng dưng bệnh tật.

Lúc trước, ông Mười Thị cũng là dân xứ này, thấy đá đẹp quá nên cho xe trâu đến đưa vài hòn đá về nhà chưng. Vài ngày sau, ông đang khỏe mạnh bỗng nhiên bị ốm nặng nằm liệt giường, người thân lo sợ khấn vái đem đá trả lại cánh đồng thì ông mới hết bệnh. Từ đó, dân địa phương truyền nhau nghiêm cấm trẻ em, thanh niên trong vùng không được “hỗn” với đá, không được ngồi lên đá. Do sự huyền bí nên hơn 70 năm trước, nơi đồng không mông quạnh toàn sậy này người dân đã xây cái miễu đặt tên là miễu thờ Đá Nổi. Sau đó, khu miễu được nâng cấp, mở rộng đã thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh.

Ông Trạc nói: “Tôi nhớ, lúc 10 tuổi, đá còn nổi nhiều lắm, cho nên khu vực này ngày xưa ít bị trộm cắp vì sợ điều linh thiêng. Ngoài những hòn đá lộ thiên còn có đá ẩn nông dưới lớp đất ruộng nên hồi đó cày cuốc trúng đá ê ẩm cả tay. Còn con kinh Lung Xẻo Mây, chân vịt máy của tàu ghe qua lại bị gãy hoài vì khi chạy chém nhằm đá cục nằm dưới kinh”.

Thu hút dân đào vàng

Ông Trạc kể tiếp: “Khoảng năm 1982, không hiểu từ đâu người dân về đây đào vàng đông lắm. Họ đào sâu xuống dưới hơn 2 m thu được nhiều vàng ròng, các cổ vật thời xa xưa. Vụ đào vàng này kéo dài nhiều năm mới chấm dứt. Thời điểm đó, cánh đồng này đông nghẹt người, huyên náo, nước kinh đang trong vắt cũng bị đục ngầu do dân bòn vàng đãi cát đá làm đục dòng nước”.

Bây giờ, cánh đồng toàn đá với đá ngày nào chỉ là ruộng lúa, ao cá, tôm. Ông Trạc giải thích những năm gần đây người dân đào đất làm ruộng vườn, không dám đem đá đổ đi nên bà con khấn vái “chôn” vùi đá xuống đất. Do vậy, cánh đồng đá nổi chỉ còn lại cái tên, còn bao nhiêu đá và đá đang nằm ngủ vùi yên bên dưới. Hiện, chỉ còn lại một ít đá, một mảnh đá lớn như lưỡi đao được gom lại đặt trong khu đất miễu thờ Đá Nổi. Đặc biệt, vào ngày 9, 10, 11 của tháng 3 âm lịch hằng năm, hàng ngàn lượt người từ các nơi đổ xô về khu này cúng bái rất đông.

Kỳ bí đồng đá nổi ở An Giang ảnh 1

Hòn đá như hình lưỡi đao - Ảnh: T.D

Ông Trạc cho biết ông bà xưa và nay vẫn không hiểu đá nổi ấy là đá quý hay đá thường, vì sao lại tập trung ở khu vực này mà không có ở các vùng khác. Du khách từng đến đây bảo rằng đá nổi bị vùi xuống lớp đất quả là điều đáng tiếc vì rất hiếm có nơi nào đá lại nổi như vùng này.

Còn một cán bộ Bảo tàng tỉnh An Giang cho biết tháng 3.1985, Ban Khảo cổ, Viện Khoa học xã hội tại TP.HCM phối hợp với Bảo tàng An Giang tiến hành khảo cổ cứu hộ kiến trúc khu vực này. Qua khai quật thu được 331 hiện vật, trong đó có 317 hiện vật bằng vàng, phần lớn có chạm hình người, động vật, thảo mộc và văn tự cổ. Đoàn nhận định đây có thể là di tích của khu đền Hindu xưa.

Có giá trị nghiên cứu nền văn hóa Óc Eo

Ông Nguyễn Hữu Giềng, Phó chủ tịch UB MTTQ VN tỉnh An Giang cho biết khu thờ Đá Nổi là một trong quần thể của di sản Óc Eo tại An Giang, qua các nghiên cứu chứng tỏ khu vực này ngày xưa có người cổ từng sống. Theo ông Giềng, lúc còn là Trưởng ban Quản lý khu du lịch văn hóa H.Thoại Sơn, ông đã từng nghiên cứu về khu Đá Nổi với những kỳ thú riêng. Ví dụ như ngày xưa, lúc còn dùng trâu bò cày ruộng, khi cày đụng cục đá nằm ẩn trong đất thì nhà nông lật đật “thỉnh” đưa đá đặt vào khu miễu thờ. Và lúc còn làm lúa mùa, cứ đốt đồng xong là trên mặt ruộng lại thấy nổi lên nhiều cục trắng tròn, đó là đá nổi.

Ông Giềng nói thêm, lúc đó phòng văn hóa huyện từng có ý định nghiên cứu tái hiện lại đồng đá nổi làm điểm nhấn nhưng sau đó thấy rất khó vì bây giờ đồng đá nổi đã trở thành ruộng, đưa đá nổi lên mặt ruộng phải đào bới và đặt đá lên ruộng lại đụng chạm đến quyền lợi của nông dân trong sản xuất lúa. Nên sau đó đã mặc nhiên xem khu đá nổi chỉ còn trong tiềm thức, còn khu miễu thờ Đá Nổi với những hòn đá còn hiện hữu rất có giá trị trong nghiên cứu văn hóa Óc Eo.

Theo Theo Thanh niên
MỚI - NÓNG