Kỳ 2: Từ nơi này, Vũ Xuân Thiều đã vút lên

Kỳ 2: Từ nơi này, Vũ Xuân Thiều đã vút lên
TP - Đường Hồ Chí Minh xuyên Việt thênh thang, xuyên một góc rừng Cúc Phương sắp chạm mặt với Cửa Hà, Cẩm Thủy (Thanh Hóa), nơi tôi thường ghé quán ăn của ông Nguyễn Minh Tiến. Rất ít khách ăn biết rằng, họ đương ngồi ngay sát đường băng của một sân bay dã chiến có mật danh là B9.
Ông chủ quán Nguyễn Minh Tiến đang giới thiệu với khách về đường băng sân bay dã chiến Thạch Quảng. Ảnh: Xuân Ba
Ông chủ quán Nguyễn Minh Tiến đang giới thiệu với khách về đường băng sân bay dã chiến Thạch Quảng. Ảnh: Xuân Ba.

Sân bay dã chiến

Anh hùng phi công Phạm Ngọc Lan, người đầu tiên của không quân ta bắn rơi máy bay Mỹ trên bầu trời Hàm Rồng, Thanh Hóa tháng
4 - 1965, đã đề xuất một phương án táo bạo.

Để tạo thế bất ngờ bí mật với không quân Mỹ nên có một sân bay dã chiến không xa Sao Vàng để máy bay ta chủ động trong các cuộc không chiến.

Phạm Ngọc Lan đã mất nhiều ngày cùng các cán bộ kỹ thuật của Quân chủng ngồi xe ngang dọc các khu vực quanh Sao Vàng và miền Tây Thanh Hóa. Địa điểm sân bay dã chiến đã được xác định là xã Thạch Quảng, huyện Thạch Thành.

Sau này, trên các phương tiện thông tin đại chúng chỉ nói vắn tắt: sân bay dã chiến Cẩm Thủy. Có tên ấy vì Thạch Quảng thuộc Thạch Thành gần rừng Cúc Phương và Thạch Quảng cũng gần sát với huyện Cẩm Thủy.

Ông chủ quán mặn chuyện đưa khách ngược về những năm đầu 1970. Thạch Quảng khi đó còn heo hút. Chó sói, hươu nai đi từng đàn. Lại thi thoảng hổ mò về. Chỗ quán ăn có tên là xóm Giang toàn dân Mường, rừng già với lim gụ tứ thiết ken dày.

Anh thợ cơ khí trẻ Nguyễn Minh Tiến quê ở Nam Định học xong trường công nhân kỹ thuật được điều về vùng rừng Thạch Quảng nơi có nông trường 26-3 khi đó có nhiệm vụ khai hoang để trồng cam, dứa.

Cuối năm 1971, nông trường nhận được lệnh dành chỗ thung lũng thoai thoải, khoảng đất đắc địa màu mỡ nhất cho mục đích quốc phòng. Việc quân là tối thượng nên bàn giao chóng vánh lắm.

Không biết mục đích quốc phòng là gì, công trình gì ở đây, nhưng anh Tiến vui vẻ giúp những ngày công cùng lực lượng TNXP được điều về hăng hái san gạt dọn mặt bằng.

Những chiếc xe lu loại lớn xuất hiện. Sân bay dã chiến Thạch Quảng (nhưng khi đó có tên là Cẩm Thủy) mang mật danh B9 đang lặng lẽ ra đời! Góp phần trông nom công việc, phi công Phạm Ngọc Lan đã phải nằm lỳ ở đây nhiều tháng, lở cả mồm vì ăn... dứa!

Gọi là sân bay cho oai chứ tổng cộng chiều dài có 1.600m, rộng 30m (Nội Bài 3.000m, rộng 45m, Kép 2.200m và rộng 40m). Nhưng có đất mà không thể nới rộng dài thêm bởi phía trước và đằng sau là núi, là vực sâu.

Đến thời điểm ấy, ta đã có hai sân bay dã chiến là Miếu Môn (Hà Tây) đưa vào sử dụng năm 1969 và Gát (chính xác là Khe Gát) gần Đèo Đá Đẽo - Quảng Bình.

Sân bay Gát (mật danh B7) với mục đích bí mật bất ngờ xuất kích đánh chặn, hạn chế máy bay, tàu chiến Mỹ chuyên tác oai tác quái trên tuyến đường huyết mạch Trường Sơn, tạo điều kiện cho các phương tiện cơ giới vận chuyển khí tài, vật lực vào chiến trường miền Nam.

Nhiệm vụ làm sân bay Gát được giao cho tiểu đoàn 28 công binh (nay là trung đoàn 28 công binh không quân). Xe lu, xe cẩu, máy húc, xe gạt đều được tháo rời từ Hà Nội, chở từng bộ phận vào hiện trường mới lắp ráp. Thời gian thi công từ lúc xẩm tối cho đến ba giờ sáng.

Bảy tháng trời ròng rã. Đường băng bằng đất nện dài 2km được hoàn thành. Chuyện đưa máy bay vào sân bay Khe Gát nghe như kỳ tích. Hai phi công Lê Hồng Điệp và Từ Đễ lái hai chiếc Mig 17 từ sân bay Kép về sân bay Gia Lâm sau đó bay vào sân bay Vinh. Từ Vinh, lại bí mật bay vào Gát.

Lúc 16 giờ, ngày 19 – 4 - 1972, hai chiếc Mig 17 do Lê Xuân Dị làm biên đội trưởng, vị trí số 1, và trung úy Nguyễn Văn Bảy (Bảy B) ở vị trí số 2 đã cất cánh từ sân bay Gát lao ra hướng biển bất ngờ thả bom đánh hỏng nặng chiếc khu trục Beegee của Hạm đội 7 huyền thoại, diệt nhiều tên Mỹ.

Từ khi xuất kích cho đến khi hai máy bay trở về sân bay Khe Gát an toàn chỉ mất đúng 17 phút. Những thông số đó được ghi vào lịch sử của Quân chủng PK- KQ.

Hai đám cưới, một đám ma

Sân bay dã chiến Thạch Quảng với mục đích phục kích. Không biết bao lần Mig hạ và cất cánh nhưng yếu tố bất ngờ, lợi thế đã mang lại hiệu quả lớn. Trung úy Trần Việt đã một mình cất cánh ban ngày ở sân bay này bắn rơi 1 F4.

Sau này cánh phi công lái Mig đã có câu hai đám cưới và một đám ma (phỏng theo tên của một bộ phim) để nói về sân bay dã chiến bí mật này. Hai đám cưới (sự kiện phi công Trần Việt bắn rơi F4 Con ma và Vũ Xuân Thiều cất cánh diệt B52 xin nói sau).

Tượng Anh hùng Vũ Xuân Thiều
Tượng Anh hùng Vũ Xuân Thiều.

Đám ma là phi công Trần Cung lái Mig21 khi hạ cánh xuống Thạch Quảng do hiện tượng gió quẩn rất lớn nên máy bay đã bị lật ngửa.

Người ta nói vui anh Trần Cung cao số được thần linh đất Mường chở che phù hộ nên đã thoát chết. Đây là trường hợp thứ 2 trong chiến tranh vệ quốc, không quân Việt Nam có máy bay bị lật ngửa mà phi công sống sót.

Ông chủ quán Nguyễn Minh Tiến đưa tôi đến chỗ chiếc Mig 21 bị lật ngay cạnh nhà. Quanh nhà ông là bạt ngàn màu xanh của cây ăn trái của cao su và dứa, nghệ. Không còn một chút dấu tích gì. Cũng như đường băng bằng đất nện ngày ấy của sân bay dã chiến Thạch Quảng nay đã rậm rịt cao su với dứa.

Nhưng như câu chuyện của ông Tiến, chiếc máy bay Mig 21 bị lật ngửa ấy vào ban ngày và người nông trường đã kịp thời ngụy trang để xử lý. Nhưng do việc canh gác lơ là, đám trẻ con tò mò lẻn vào nghịch ngợm.

Không biết táy máy thế nào mà một thằng bé xóm Giang đã khởi động một quả mìn đặt sau ghế lái của phi công làm quả mìn bất ngờ phát nổ khiến thằng bé bị thương nặng.

Có lẽ tiếng nổ ấy và sự kiện thằng bé bị thương đã đánh thức bao thứ tò mò bất lợi. Người ta sau đó không biết sân bay dã chiến này bị lộ vì nguyên cớ gì.

Ngoài máy bay tiêm kích, địch còn dùng cả B52 chơi kiểu tọa độ xuống sân bay Thạch Quảng. Cả một vùng mênh mông lở loét bởi bom tạ, bom tấn. Nhưng lạ là sân bay với đường băng đất nện chỉ bị sứt sẹo đôi chút. Đó là khoảng giữa năm 1972.

Đêm 28-12- 1972, tại sân bay dã chiến Thạch Quảng, phi công Vũ Xuân Thiều cất cánh trong điều kiện đường băng hẹp ngắn, ánh sáng hạn chế, đã là một kỳ công. Nhưng rời sân bay quyết tâm diệt B52 của Vũ Xuân Thiều càng như được củng cố chắp cánh thêm nhờ tài trí của các bộ phận dẫn đường dưới mặt đất. Người trên Mig 21 cùng người dưới mặt đất đã khôn khéo vượt qua hàng rào tiêm kích cùng hệ thống nhiễu dày đặc. Người trai Hà Nội Vũ Xuân Thiều đã bất ngờ tạo nên một vầng sáng chiến công chói lòa cùng chiếc Mig lao vào B52 trên bầu trời Sơn La đêm 28-12- 1972!

Có lẽ may mắn B52 chỉ vài đợt rải thảm và đối phương chắc mẩm sân bay dã chiến ấy đã tơi như cám. Nhưng sân bay dã chiến Thạch Quảng- Cẩm Thủy vẫn sống sót.

Tìm mọi cách đánh để đối phó chiến dịch Linebacker II tập kích đường không bằng B52 vào Hà Nội, quân chủng PK- KQ quyết tâm đưa Mig vượt vòng vây trong hoàn cảnh các sân bay trên miền Bắc bị tiêm kích đánh phá nặng nề.

Sân bay dã chiến Thạch Quảng đã được đưa vào tầm ngắm với yếu tố bí mật bất ngờ của nó. Việc bí mật hồi phục sân bay dã chiến này được khẩn trương tiến hành để én bạc về náu, chờ thời cơ.

Chiếc Mig 21 của phi công chuyên đánh đêm Vũ Xuân Thiều đã lặng lẽ về nằm mật phục tại sân bay Thạch Quảng.

...Lần ấy háo hức bởi chi tiết hàng trăm cô TNXP đã cầm đuốc đốt bằng nứa làm đèn hiệu cho máy bay của Vũ Xuân Thiều cất và hạ cánh tại sân bay Thạch Quảng này trong một câu chuyện tình cờ nghe được, tôi đã hỏi phi công tiêm kích Từ Đễ, người bí mật đưa Mig 17 từ Kép vào Khe Gát thuở ấy.

Từ Đễ cười, chi tiết lãng mạn ấy chỉ để minh họa cho một cuộc chiến tranh nhân dân chứ người bằng thịt bằng xương ai dám trần mặt giăng hàng ra như thế? Để cất cánh trên đường băng dạng dã chiến như Thạch Quảng ban ngày đã cực khó nay lại cất cánh đêm càng khó hơn. Nhất là Mig 21 phải đeo thùng dầu phụ.

Sân bay Thạch Quảng có lẽ có hệ thống đèn chính quy hàng không quân sự. Nhưng hệ thống đèn ấy trước đó đã bị đánh hỏng.

Quân ta đã sáng tạo dùng các ống thép cắt ra từ đường ống dẫn dầu, đặt hai bên đường băng, lấy giẻ tẩm dầu nhét trong các ống thép ấy đốt lên làm mốc cho Mig của Vũ Xuân Thiều cất cánh!

Đêm 28-12- 1972, tại sân bay dã chiến Thạch Quảng, phi công Vũ Xuân Thiều cất cánh trong điều kiện đường băng hẹp ngắn, ánh sáng hạn chế, đã là một kỳ công. Nhưng rời sân bay quyết tâm diệt B52 của Vũ Xuân Thiều càng như được củng cố chắp cánh thêm nhờ tài trí của các bộ phận dẫn đường dưới mặt đất.

Người trên Mig 21 cùng người dưới mặt đất đã khôn khéo vượt qua hàng rào tiêm kích cùng hệ thống nhiễu dày đặc. Người trai Hà Nội Vũ Xuân Thiều đã bất ngờ tạo nên một vầng sáng chiến công chói lòa cùng chiếc Mig lao vào B52 trên bầu trời Sơn La đêm 28-12- 1972!

Vầng sáng ấy đã 40 năm nhưng có lẽ vẫn đủ sức rọi soi cho hậu thế và những khoảng tối cùng những phân vân này khác.

Tên người anh hùng ấy đã được đặt tên cho một đường phố Hà Nội nhưng chắc đâu có vẫn còn những phân vân rằng tại sao mãi đến năm 1994 (mãi 22 năm sau), Vũ Xuân Thiều mới được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT? Rằng phương án cảm tử dùng Mig đâm trực diện vào B52 đã là một thứ tối ưu?

...Riêng tôi có chút phân vân khi rời Thạch Quảng, là, dẫu muộn còn hơn không, nên có tấm biển ngay gần quán ăn của ông Tiến đây ghi những dòng đại loại Từ nơi này Anh hùng phi công Vũ Xuân Thiều đã bay lên...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG