Kù Kao Khải: Kể chuyện quê bê giải thưởng

Kù Kao Khải: Kể chuyện quê bê giải thưởng
TP - Người ta sống chết bám trụ lại thành phố thì Kù Kao Khải lại đủng đỉnh rời bỏ thủ đô hoa lệ để về quê làm anh giáo làng, thỉnh thoảng đánh cá, cuốc đất, làm vườn và ngày ngày cặm cụi khắc đục, tô vẽ giấc mơ nghệ sĩ của mình.
Kù Kao Khải: Kể chuyện quê bê giải thưởng ảnh 1

Nghệ sĩ Kù Kao Khải.

Từ những chuyện nhà quê

Kù Kao Khải sinh ra và lớn lên tại miền biển Kim Sơn (Ninh Bình). Tên thật Cù Cao Khải nhưng để người ta dễ nhớ, anh quyết định đặt nghệ danh với toàn chữ K mở từ. Khải kể, năm 2001, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc họa Trung ương, anh cũng tưởng chỉ cần đóng cửa ngồi trong phòng trọ, căng toan lên và vẽ là có cả thế giới. Nhưng chỉ được 2 năm, anh thông báo sẽ bỏ phố về làng, vì “nhìn đường đông quá chóng mặt, không vẽ được”. Bạn bè lao vào khuyên giải, bảo Khải hâm, làm nghệ thuật mà về quê thì chỉ thui chột, chỉ “ăn cám”.

Kệ, Khải vẫn về. Ở đó, thay vì phòng trọ hơn 10m2 chật chội, anh có hẳn khoảng đất hơn 3000m2 với một xưởng vẽ rộng rãi, xung quanh cây cối, hoa lá đua nở. Ngày ngày tiếng khắc đẽo họa cùng tiếng chim. Tác phẩm của Khải là những cụm sắp đặt vừa được đục, đẽo bằng gỗ, hoặc chắp ghép vật liệu tận dụng bất kỳ và có sơn màu tương phản mạnh về thị giác. Khải kể những câu chuyện quê giản dị thôi, loanh quanh tôm cá cua ốc, hay người đi biển, nghề làm cói… thế mà thỉnh thoảng lại thấy anh bê tác phẩm lên phố nhận giải. Giải to đàng hoàng.

Giữa tháng 9 vừa qua, tác phẩm “Chuông” của Khải đã được trao giải Nhất tại Lễ trao giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2017 và Giải A Khu vực II - Đồng bằng sông Hồng. “Chuông” là một con cá khổng lồ bằng gỗ cao gần 2,5m được treo lên giá, như một quả chuông. Trên phần giá là hình ảnh của ống khói nhà máy đang tuôn trào, những bộ mặt người câm nín và ảm đạm. Nói về ý tưởng tác phẩm, Khải chia sẻ: “Tôi thấy quê mình rất đẹp, nhưng đang xây nhiều nhà máy, vì thế, tôi đã bỏ ra 5 tháng liền làm tác phẩm Chuông này để cảnh báo…”. Đặc biệt, tác phẩm này đã được một ông chủ nhà hàng cá lăng, cũng là một nhà sưu tập có tiếng mua lại ngay từ khi chưa được trao giải. 

Kù Kao Khải: Kể chuyện quê bê giải thưởng ảnh 2 Kù Kao Khải bên tác phẩm “Chuông” (giải Nhất Hội Mỹ thuật Việt Nam 2017 và Giải A Khu vực II - Đồng bằng sông Hồng). Ảnh: Thu Hiền.

Trước đó, năm 2013, tác phẩm điêu khắc gỗ sơn “Chuyện quê” cũng từng mang về cho Kù Kao Khải liên tục 5 giải thưởng cao nhất. Đó là: Giải Nhì (không có giải Nhất) trong Triển lãm 10 năm Điêu khắc toàn quốc (2003- 2013); Giải A triển lãm mỹ thuật Đồng bằng sông Hồng, Giải A các khu vực toàn quốc - Hội Mỹ thuật Việt Nam, giải A - Đinh Bộ Lĩnh (Ninh Bình), giải A - Trương Hán Siêu (Ninh Bình). Tác phẩm kể về một đôi vợ chồng đang lao động tại bãi bồi biển Kim Sơn. Dù lắm gian truân cực nhọc nhưng biển vẫn mang lại cho họ niềm vui được mùa tôm cá. Một tác phẩm mà theo đánh giá của họa sỹ Lê Quốc Bảo là “quê mà không cộc”.

Năm 2014, tác phẩm “Ký ức Quảng Trị” bắt nguồn từ câu chuyện của bố Khải- một thương binh trở về từ chiến trường khốc liệt, đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác và mang về cho Khải giải A Khu vực 2 - Đồng bằng sông Hồng 2014 và Giải A toàn quốc các khu vực  Hội Mỹ thuật Việt Nam 2014). Một năm sau, “Chuyện quê 10” của Khải giành Huy chương Đồng tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015. Cho đến nay, gần 40 năm tuổi đời, Kù Kao Khải đã sở hữu trên 20 giải thưởng mỹ thuật trong nước. “Chuyện quê” của anh cũng đã được đánh dấu với nhiều giải thưởng.

Từ những thành công của chuyện quê, Khải vẫn đang hành trình đi nhặt những mặn mòi sóng, gió của cuộc sống người dân vùng biển để thực hiện dự định kể đủ 100 câu chuyện quê bằng hội họa, điêu khắc với một triển lãm riêng vào cuối 2018. Khi được hỏi, loanh quanh mãi chuyện quê có sợ nhàm chán, “cụt vốn” không, Khải cười mơ màng: “Chuyện quê thì kể bao giờ cho hết. Đó đôi khi đơn giản chỉ là những cánh cò, con cua đồng, đàn gà chọi, ngọn rau muống biển hoặc bến sú bãi vẹt… Đủ để tôi kể đến hết đời. Quan trọng là kể như thế nào cho hấp dẫn”.

Ngay sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Nhạc họa Trung ương được 3 năm, Kù Kao Khải cũng đã nghiêm túc chuẩn bị cho mình con đường dài bằng cách theo học tiếp trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, rồi lọ mọ về Ninh Bình tìm nghệ nhân học thêm nghề làm gốm Bồ Bát ở huyện Yên Mô, nghề khắc đá ở Ninh Vân, hay làm cói ở Kim Sơn, làm gỗ ở Ninh Phong…

Những tác phẩm của Kù Kao Khải thường mượn cái vốn cổ chạm khắc gỗ đình làng của ông cha nhưng được thổi vào hơi thở đương đại. Thay vì nghệ thuật giá vẽ truyền thống, Khải chọn cách kể bằng điêu khắc màu, bằng sắp đặt, hình tượng con người trong tác phẩm của Khải cũng được cách điệu, những khuôn mặt không có miệng, nhàu nhĩ, gai góc, nhưng đầy sức chiến đấu. Điều đó khiến tác phẩm của Khải không bị lạc hậu, không bị “quê”. Như đánh giá của nhiều chuyên gia mỹ thuật là vừa thổ dân hoang dã, vừa hiện đại duyên dáng.

Kù Kao Khải: Kể chuyện quê bê giải thưởng ảnh 3 Tác phẩm “Chuyện quê” đã mang về cho Kù Kao Khải 5 giải thưởng cao nhất năm 2013.

“Máu nghệ” của anh giáo làng

Thuở nhỏ nhà nghèo nhưng Khải vẫn là 1 trong 4 đứa trẻ may mắn ở xã được đi học đến cấp 3. Khải mê vẽ lắm, lúc rảnh rỗi lại lôi bút giấy ra vẽ, vẽ  đủ thứ… nhưng ước mơ cũng chỉ luẩn quẩn quanh 15 cây số từ nhà đến trường. Cha mẹ tần tảo nuôi Khải ăn học chỉ với mong muốn “ra thành phố kiếm cái nghề ổn định để thoát khỏi quê nghèo”.

Khải thi vào trường Đại học Bách Khoa theo mong muốn của gia đình. Nhưng rồi, những buổi chiều lang thang ở Hồ Gươm, thấy các anh chị trường kiến trúc, mỹ thuật ngồi vẽ phối cảnh, và bị cuốn hút, bị đắm đuối lúc nào không hay. Khải ăn mì tôm, tiết kiệm tiền đi học vẽ. Một năm sau, chàng trai trẻ thi đỗ vào trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc họa và bí mật giấu gia đình nghỉ học ở trường Bách Khoa để toàn tâm theo đuổi đam mê của mình. Đến khi gia đình biết chuyện thì mọi sự đã rồi.

Cho đến nay, gần 40 năm tuổi đời, Kù Kao Khải đã sở hữu trên 20 giải thưởng mỹ thuật trong nước. 

Ngay từ hồi sinh viên, nhiều tác phẩm của Kù Kao Khải đã được thầy cô đánh giá cao, được chọn để tham gia triển lãm trong trường và được nhận vài giấy khen nho nhỏ. Lọ mọ vừa làm vừa thử nghiệm qua đủ phong cách từ vẽ hiện thực đến siêu thực, từ chất liệu sơn dầu, sơn mài đến gốm, gỗ... Nhưng phải đến sau khi nhận được “cơn mưa giải thưởng” từ tác phẩm “Chuyện quê” năm 2013, như một mối nhân duyên, anh chàng họa sĩ nhà quê Kù Kao Khải mới cảm thấy mình đã tìm ra con đường đúng sau hơn 10 năm mò mẫm.

“Chuyện quê luôn gợi cho người ta nhiều cảm xúc đồng cảm, đặc biệt là những người xa quê. Chuyện quê có thể chỉ toàn là sự vất vả, nhọc nhằn nhưng ở góc độ khác, bằng ngôn ngữ của hội họa và điêu khắc, tôi lại muốn khắc họa vẻ đẹp và sự kiên cường của những người dân quê, vẻ đẹp lãng mạn, đầy sự sống của cảnh quê, những con vật gần gũi gắn bó với tuổi thơ của rất nhiều người”- Kù Kao Khải chia sẻ.

Với tấm bằng tốt nghiệp sư phạm loại Giỏi, Khải dễ dàng kiếm việc ở tỉnh nhưng vẫn quyết định xin về dạy học ở một trường cấp 2 gần nhà. Để có thêm thời gian vẽ vời, sáng tác.

“Dạy vẽ cho trẻ em có cái hay là nhìn tranh các em cứ thấy sự hồn nhiên, không tính toán. Đôi khi, tôi lại học được từ các em cách dùng màu, các đường nét, thậm chí cách đặt vấn đề giản dị, ngây ngô nhưng rất đáng yêu”- Khải kể. Những giờ học của ông giáo nghệ sĩ luôn sinh động và hấp dẫn đám học sinh ở quê, bởi có lúc, thầy sẽ bước vào lớp với chiếc mũ bảo hiểm trên đầu để bắt đầu tiết vẽ an toàn giao thông hay cả nhóm sẽ được theo chân thầy ra biển nghịch sóng nghịch cát để vẽ những con tàu…

Nghệ sĩ đi dạy nên đôi khi Kù Kao Khải cũng phải “khắc xuất, khắc nhập” để vừa là anh giáo làng điềm đạm, chuẩn mực, vừa có thể được sống là ông nghệ sĩ phiêu lãng, tự do. Đến cả mái tóc húi cua, thầy cũng “tỉnh đòn”, húi từ từ, giảm dần độ ngắn để đồng nghiệp ở trường không sốc. Hết giờ lên lớp, người làng lại thấy thầy Khải phóng xe phân khối lớn chạy ầm ầm ngoài đường.

Kù Kao Khải như một tác phẩm sắp đặt sinh động giữa ngôi làng ven biển yên bình. Vẻ ngoài hơi phủi với bộ râu quai nón nhưng thầy Khải lại được tiếng hiền lành, tốt tính. Không hút thuốc, không nghiện rượu bia, chỉ thi thoảng “hơi hâm” một chút. Đó là khi thầy mướt mải mồ hôi chở về nhà một xe máy đầy gỗ, thứ mà người làng cho rằng “củi khô vô tích sự”. Hay những lần thầy đứng dưới cột điện, nhặt nhạnh những cục sứ rạn nứt mà thợ điện vứt đi, mang về xưởng ngồi tô tô vẽ vẽ.

Khoảnh khắc lãng mạn nhất của thầy Khải là những sáng bình minh hoặc chiều hoàng hôn muộn, thong thả kiếm một chỗ ngồi bên bãi đá sát bờ biển và cầm giá vẽ, phác thảo dòng ý tưởng đang chảy qua trong đầu. Chính những trải nghiệm từ thời thơ ấu, theo chân cha đi biển, hay những buổi cùng mẹ cấy lúa, bắt ốc trên đồng đã bồi đắp cho chàng nghệ sĩ “nhà quê” này một kho ăm ắp chất liệu, để anh thỏa mãn khắc vẽ con đường nghệ thuật của mình.

MỚI - NÓNG