Xuất khẩu “cứu” tăng trưởng kinh tế năm 2020

Sản phẩm gỗ - một trong những sản phẩm xuất khẩu đạt kim ngạch tỷ USD của Việt Nam
Sản phẩm gỗ - một trong những sản phẩm xuất khẩu đạt kim ngạch tỷ USD của Việt Nam
TP - Năm 2020 sắp kết thúc, kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng suy giảm nặng nề do đại dịch COVID-19. Dẫu thế, xuất khẩu tiếp tục cứu  tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khi hàng chục mặt hàng đạt kim ngạch tỷ USD.   

Hàng chục mặt hàng xuất khẩu tỷ USD

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2020 khoảng 489 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 254 tỷ USD. Con số xuất siêu trên 20 tỷ USD. Cán cân thương mại quốc gia đạt mức xuất siêu kỷ lục 20,16 tỷ USD (cùng kỳ năm trước, xuất siêu 10,8 tỷ USD).

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, Việt Nam xuất siêu là nhờ nền kinh tế có mức tăng trưởng dương, sức chống chịu của doanh nghiệp (DN) được cải thiện đáng kể. Đồng thời, nước ta tận dụng khá tốt thời cơ, ưu đãi từ việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong đó, EVFTA đi vào thực thi đã tạo ra sức bật cho một số ngành hàng xuất khẩu. Hết tháng 11/2020, đã có 31 mặt hàng, nhóm hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Trong đó, có 6 nhóm đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD như: hàng dệt may, điện thoại và linh kiện, gỗ và sản phẩm gỗ, máy móc, thiết bị, phụ tùng.

Tiêu biểu như mặt hàng gỗ. Trong 11 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gỗ đạt gần 11 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2019. Theo Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM Nguyễn Chánh Phương, xuất khẩu đồ gỗ sang EU ngày càng thuận lợi sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực. Dư địa vẫn còn khá lớn khi tổng nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ của EU hằng năm lên tới hơn 80 tỷ USD. Theo ông Phương, để thúc đẩy xuất khẩu, doanh nghiệp ngành gỗ nên dựa vào điểm mạnh của mình để chọn hướng phát triển. Sau đó, tìm đối tác thiết kế phù hợp.

“Để tăng giá trị hàng xuất khẩu, doanh nghiệp có thể bắt đầu thay đổi từ yếu tố nhỏ như sự tinh xảo trong tay nghề của người thợ thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Đồng thời, chọn nguyên liệu chất lượng và tìm đối tác phù hợp để kết nối, xuất khẩu”, ông Phương cho biết.

Các thị trường lớn của thủy sản Việt Nam là Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc trong năm cũng đều tăng lần lượt 25%, 30% và 15%. Đáng chú ý, nhu cầu thế giới phục hồi cũng kéo theo giá xuất khẩu hầu hết các mặt hàng nông, thủy sản đều tăng so với cùng kỳ năm 2019. Dự báo hết năm 2020, thủy sản có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 8,58 tỷ USD, tương đương năm 2019.

Về thị trường, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng Việt Nam lớn nhất, với kim ngạch gần 70 tỷ USD. Tiếp đến là Trung Quốc với 43 tỷ USD, Liên minh châu Âu (EU) với 32 tỷ USD. Điều này cho thấy, hàng Việt Nam có khả năng thích ứng tốt trước điều kiện bất lợi do dịch COVID-19 gây ra.

Ðối mặt cạnh tranh gay gắt hơn

Theo điều tra của Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNN), tỷ trọng nông sản chế biến sâu được xuất khẩu của Việt Nam còn rất hạn chế, khoảng 25-30% tổng sản lượng nông sản (bằng một nửa sản lượng xuất khẩu của các nước ASEAN). Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2018, Việt Nam chỉ tạo ra được 20,4 tỷ USD thông qua việc tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC). Con số này chưa bằng 1/4 của quốc gia tiếp theo trong khối ASEAN là Philippines với 84,8 tỷ USD. Đồng thời, mức độ tham gia vào các công đoạn tinh vi phức tạp của Việt Nam vẫn còn thấp.

Tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2020 vừa diễn ra, bà Tô Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ kinh nghiệm nâng cao hàng xuất khẩu. Theo bà Lan, để đạt hiệu quả quảng bá hình ảnh, doanh nghiệp nên chọn đối tác quảng bá ngay tại bản địa của thị trường xuất khẩu để có thể tiếp cận tốt với văn hóa, ngôn ngữ địa phương.

“Các hiệp định thương mại tự do sẽ góp phần tạo ra thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho hàng Việt Nam. Tuy nhiên, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với hàng hóa các nước”. 


Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương

“Doanh nghiệp nên triển khai các chương trình quảng bá, bảo đảm liên tục, mới mẻ và hấp dẫn. Đồng thời, cần có sự chuẩn bị phát triển bền vững đáp ứng các tiêu chuẩn từ nuôi trồng đến chế biến để đẩy mạnh xuất khẩu bền vững”, bà Tô Tường Lan kiến nghị.

Ông  Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đánh giá, các hiệp định thương mại tự do sẽ góp phần tạo ra thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho hàng Việt Nam. Tuy nhiên, đường đi sẽ không bằng phẳng, do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với hàng hóa các nước.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.