Chiều 26/11, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi. Trước đó, Giải trình tiếp thu liên quan đến trách nhiệm cán bộ công chức, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định giao Thủ tướng Chính phủ quyết định về cơ cấu tổ chức, bộ máy, biên chế của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và bổ sung quy định giao Bộ Tài chính quản lý tổ chức và hoạt động, nhằm bảo đảm sự đồng bộ với quản lý các công cụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở 16 nhóm nhiệm vụ quyền hạn của UBCKNN, dự thảo Luật giao Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và cơ cấu tổ chức. Theo quy định tại Nghị định số 123 của Chính phủ, việc quyết định biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức thuộc Bộ thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ. Do vậy, Thường vụ Quốc hội không bổ sung quy định giao Thủ tướng Chính phủ quyết định biên chế của UBCKNN.
Ngoài ra, khoản 2 Điều 8 của dự thảo Luật quy định Bộ Tài chính chịu trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK), khoản 1 Điều 9 của dự thảo Luật quy định UBCKNN thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK theo phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Như vậy đã bảo đảm thẩm quyền của Bộ Tài chính trong quản lý tổ chức và hoạt động của UBCKNN, của TTCK đồng bộ với quản lý các công cụ tài chính khác.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị bỏ quy định tại khoản 3 Điều 9 về trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức của UBCKNN vì Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đã quy định cụ thể trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi đối với cán bộ, công chức và viên chức.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, chứng khoán là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, vì vậy, việc bổ sung quy định về trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức của UBCKNN là cần thiết và hoàn toàn phù hợp theo nguyên tắc số 5 của Tổ chức quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO): “nhân viên của cơ quan quản lý cần tuân thủ các tiêu chuẩn nghề nghiệp cao nhất bao gồm cả các tiêu chuẩn phù hợp về bảo mật”; tham khảo Luật Chứng khoán một số nước cũng có quy định này, đồng thời lĩnh vực ngân hàng cũng có quy định tương tự. Do vậy, Thường vụ đề nghị cho giữ như dự thảo Luật.
Về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng, theo ông Vũ Hồng Thanh, có ý kiến đề nghị xem lại điểm d khoản 1 Điều 15 về tỷ lệ tối thiểu số cổ phần có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành được bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư vì không phù hợp với điểm a khoản 1 Điều 32 và việc đặt ra mức sàn cho IPO không phù hợp với nguyên tắc tự do kinh doanh chứng khoán tại khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, theo quy định này thì tất cả các trường hợp chào bán chứng khoán ra công chúng (IPO) thành công sẽ luôn bảo đảm đáp ứng được quy định là công ty đại chúng (điểm a khoản 1 Điều 32), đồng thời, việc quy định về IPO thành công đối với công ty có mức vốn điều lệ thấp hơn 1.000 tỷ đồng thì tỷ lệ tối thiểu là 15% sẽ đáp ứng được tính đại chúng cao hơn và nhằm hướng tới việc gắn liền hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng với niêm yết cổ phiếu.
Cũng có ý kiến cho rằng điểm h khoản 1 Điều 15 chưa hợp lý do đây là điều kiện phải được đáp ứng trước thời điểm thực hiện chào bán, trong khi đó quy định này áp dụng sau khi chào bán.
Về việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và bổ sung quy định tại điểm h khoản 1 và điểm i khoản 3 Điều 15 là tổ chức phát hành có văn bản cam kết đáp ứng điều kiện, làm cơ sở cho UBCKNN xem xét, chấp thuận việc đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng, đồng thời khẳng định cổ phiếu, trái phiếu này phải được niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán; khắc phục tình trạng nhiều công ty đại chúng không thực hiện niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu sau khi kết thúc chào bán.